Australia trục xuất phụ nữ Việt vì mang thịt lợn nhập cảnh
Theo Bloomberg, người phụ nữ 44 tuổi, đến sân bay Sydney hôm thứ Bảy, đã bị trục xuất trở lại Việt Nam. Cô mang theo 10 kg thực phẩm trong vali, bao gồm thịt lợn nấu chín, Bộ trưởng Nông nghiệp Bridget McKenzie cho biết. Tất cả 63 tỉnh và thành phố ở Việt Nam, bao gồm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã thông báo về sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến việc phải tiêu hủy hơn 5,4 triệu con lợn.
Lệnh cấm này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng rằng dịch tả lợn, đã lây lan sang một quốc gia mới ở châu Á hầu như mỗi tháng trong năm nay, có thể phát triển ở Australia nếu nó xâm nhập vào nước này qua đường thực phẩm nhập lậu có chứa thịt lợn chăn nuôi hoặc thịt lợn rừng. Các quan chức hải quan đã báo cáo sự gia tăng gấp ba lần về tỷ lệ nhiễm vi-rút trong các sản phẩm thịt lợn được bí mật mang theo từ khách quốc tế.
22,5 triệu hành khách đến quốc gia này mỗi năm, cùng với các bưu kiện được gửi qua đường bưu điện, đang “làm tăng nguy cơ lây nhiễm, và đó là lý do tại sao chúng tôi phải tăng cường kiểm tra”, bà McKenzie nói với phóng viên ở Canberra hôm thứ ba.
“Đừng bắt mẹ bạn nấu món ăn yêu thích, món thịt hay món xAustralia xích và mang tất cả nhập cảnh vào Australia thông qua hành lý xách tay. Bạn sẽ phải đối diện với số lượng lớn các lực lượng an ninh sinh học tại đây vì chúng tôi sẽ không muốn bất cứ rủi ro nào đến với ngành nông nghiệp trong nước, các nhà sản xuất thịt lợn và khiến tả lợn châu Phi lây lan vào Australia”, Bộ trưởng Nông nghiệp Bridget McKenzie yêu cầu.
Tỷ lệ nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã tăng từ 15% lên gần một nửa trong khoảng thời gian 8 tháng, trong đó 27 tấn sản phẩm thịt lợn nấu chín được phát hiện bởi Hải quan Australia, bà nói.
Dịch tả lợn: Mối đe dọa toàn cầu
Theo Bloomberg, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng khắp ba châu lục.
Ngành chăn nuôi lợn toàn cầu đã bị virus dịch tả tấn công, được chứng minh là có thể gây hại cho con người. Kể từ khi bùng phát ở nước Cộng hòa Gruzia thuộc Liên Xô cũ vào năm 2007, nó đã lan rộng khắp châu Âu và sau đó đến Trung Quốc, nơi nó đạt tới mức đỉnh điểm và trở thành đợt bùng phát dịch bệnh động vật lớn nhất được ghi nhận hồi tháng 8 năm ngoái.
Hàn Quốc đang điều các tay súng bắn tỉa quân sự và thợ săn dân sự đến biên giới phía bắc của mình để loại bỏ những con lợn mang mầm bệnh, có thể lây nhiễm từ quốc gia láng giềng Triều Tiên bí ẩn của ông Kim Jong-un, nơi mà các báo cáo không chính thức cho thấy căn bệnh này đang lây lan ngoài tầm kiểm soát.
Australia xuất khẩu khoảng 360.000 tấn thịt lợn mỗi năm từ khoảng 2.700 trang trại lợn, với chưa đến 10% xuất khẩu sang các thị trường bao gồm Singapore và Hồng Kông, theo dữ liệu của ngành công nghiệp.
Nguyên nhân gây nên dịch tả lợn
Dịch tả lợn là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút có cấu trúc ARN thuộc giống Pestis vi rút, họ Flaviridae gây ra cho loài lợn; có tốc độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ chết cao, lên đến 90% và thường ghép với bệnh khác như bệnh Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Đóng dấu hay các bệnh do Mycoplasma. Lợn mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, phố biến nhất là lợn con từ 2 - 3 tháng tuổi.
Vi rút tồn tại lâu ở ngoài môi trường, có thể sống sót vài ngày trong phân lợn, vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh. Tuy nhiên, đây là loại vi rút có sức đề kháng yếu, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao và các chất sát trùng thông thường như xút (NaOH) 2%, nước vôi 5%...
Nguồn lây truyền mầm bệnh là các chất bài tiết, dịch tiết, máu, hạch lâm ba, lách của lợn bệnh chứa vi rút. Những lợn khỏi bệnh sau 2 tháng vẫn bài thải mầm bệnh ra ngoài môi trường làm nguồn lây nhiễm cho cá thể khác. Lợn lây trực tiếp qua tiếp xúc giữa lợn khỏe với lợn bệnh; hoặc lây gián tiếp qua các chất bài tiết, qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển hay do tiếp xúc với các động vật mang mầm bệnh.
Tình hình lây lan dịch tả lợn ở Việt Nam
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, theo thống kê, trong tháng 8, giá lợn hơi biến động tăng tại các địa phương trên cả nước do nguồn cung lợn thịt khan hiếm cục bộ. Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan này nhận định, giá thịt lợn còn có xu hướng tăng vào cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung thịt lợn giảm với ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng khu vực miền Bắc và thị trường Trung Quốc.