Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Naci Bostancı nói rằng, mục tiêu của chiến dịch “Nguồn Hòa bình” mà các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành ở phía đông sông Euphrates của Syria là cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố. Theo ông, những tuyên bố về việc chiến dịch này nhằm chống lại người Kurd chỉ là "sự tuyên truyền vô đạo đức".
Mục tiêu của chiến dịch “Nguồn hòa bình”
Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi mục tiêu nào khi thực hiện chiến dịch này?
Như được biết, các Đơn vị Tự vệ Nhân dân (YPG) trên thực tế là cánh quân sự của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) được công nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một khoảng thời gian nhất định, các đơn vị này cố gắng thiết lập chủ quyền của họ trong khu vực mà chiến dịch đang được thực hiện. PKK và chi nhánh của nó là YPG đều là rất nguy hiểm, là mối nguy cơ đe dọa những người sống trong khu vực - người Kurd, người Turkmen và người Ả Rập. Thật sai lầm khi nghĩ rằng, mối nguy hiểm này chỉ tồn tại vì các đơn vị YPG hiện diện sát gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, các tổ chức khủng bố gây ra mối đe dọa cho châu Âu và toàn bộ thế giới văn minh bởi vì chúng không do dự mà sử dụng các phương pháp bất hợp pháp. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới đối với cấu trúc này, đây là một nguồn gây bất ổn trong khu vực. Như được biết, theo luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua văn kiện xác định mục tiêu và phạm vi các chiến dịch xuyên biên giới ở Syria và Iraq có thễ được thực hiện trong trường hợp cần thiết. Theo văn kiện này, quân đội của chúng tôi đã phát động một chiến dịch chống lại các trung tâm khủng bố nằm ở đó. Nghĩa vụ của Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ là bảo đảm để không có hậu quả tiêu cực và tổn thất trong dân chúng trong khuôn khổ chiến dịch này. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã từng thực hiện các chiến dịch xuyên biên giới (Chiến dịch Cành ô liu, Lá chắn Euphrates, chiến dịch chống lại PKK ở Iraq), và nhờ đó đã thu lượm được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Sự tuyên truyền và sự cô lập
Ông có thể nói gì về những cáo buộc rằng, chiến dịch “Nguồn hòa bình” trái ngược với tuyên bố trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ về sự cần thiết phải duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, trên thực tế chiến dịch này nhằm chống lại người Kurd?
Đây là sự tuyên truyền tuyệt đối. Số lượng lớn người Kurd sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, họ là công dân của đất nước này. Trong trường hợp với chiến dịch này, điều quan trọng nhất là tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của các hành động, chứ không phải quốc tịch. Nếu nói về các thành viên của một cấu trúc đang tiến hành những hành động khủng bố, thì vấn đề họ là những người dân tộc nào không có gì chung với điều đó. Chúng tôi biết rằng, trong cánh quân sự của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) có nhiều nhóm khác nhau. Những tuyên bố về việc các nhóm này đại diện cho người Kurd chỉ là sự tuyên truyền. PKK đã đàn áp người Kurd trong nhiều năm liền.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria là vô cùng quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, chúng tôi luôn nhấn mạnh điều đó trong khuôn khổ "định dạng Astana" cũng như tại các diễn đàn khác. Chiến dịch này có mục đích chống lại một cấu trúc muốn thành lập cơ chế bất hợp pháp trong khu vực bất ổn và gây ra mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Chiến dịch này phục vụ lợi ích của các dân tộc Syria, và trong trung hạn, giúp duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Một số nhà phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cô lập, có tính đến những lời chỉ trích từ EU, Hoa Kỳ và các nước Ả Rập. Ông nghĩ gì về điều này?
Chúng tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi tin chắc rằng, một phần của cộng đồng thế giới phấn đấu vì tính hợp pháp, tự do và hạnh phúc của các dân tộc trong khu vực đang ủng hộ chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu áp đặt các đòn trừng phạt mới nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không chấm dứt chiến dịch này. Còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện những bước nào?
Mỹ là một quốc gia rất đa tầng, ở đó có nhiều tầng lớp với lập trường riêng. Tuy nhiên, cuối cùng, khi nói đến chính trị, Hoa Kỳ tuân theo một chiến lược nhất định. Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược của Hoa Kỳ. Đã từ lâu chúng tôi chú ý theo dõi các nhóm khủng bố trong khu vực và gửi dữ liệu cần thiết đến Hoa Kỳ. Nhờ đó, các cơ quan có liên quan ở Hoa Kỳ biết rõ lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, theo tôi, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ sẽ không bị thiệt hại trong quá trình này.
Phe đối lập nói về tầm quan trọng của việc thiết lập cuộc đối thoại giữa Ankara và Damascus nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và vấn đề người tị nạn. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện bước đi này hay không?
Tôi nghĩ rằng, hiện nay chưa có khả năng làm như vậy. Đúng, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì liên lạc với một số đại diện của chế độ này và tiếp tục thông báo cho họ về các sự kiện. Tuy nhiên, chúng tôi có bất đồng nghiêm trọng kéo dài về một vấn đề cơ bản với chế độ Syria.
Đấu tranh đến cùng
Theo ông, chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo dài bao lâu?
Tùy theo tình hình, chiến dịch sẽ kéo dài cho đến khi tiêu diệt tất cả các phần tử khủng bố. Mục đích của hoạt động này là rõ ràng, đấu tranh chống lại mối đe dọa khủng bố, tạo ra các điều kiện cần thiết để những người Kurd, người Ả Rập và người Turkmen có thể sống trong khu vực hòa bình. Khủng bố là tội ác chống lại loài người. Nghĩa vụ quan trọng nhất của loài người là chống lại nó bằng các phương pháp hợp pháp.