Ai sẽ thay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến?

Trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến rất đặc biệt: Vì sao Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế dù ngay giữa nhiệm kỳ? Ai sẽ thay thế vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế của bà Tiến?
Sputnik

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sắp bị miễn nhiệm

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội trong giao ban báo chí sáng 15.10 thông tin cho biết: Ngày 21.10 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc.

Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Theo đó, trong số các nội dung làm việc tại Kỳ họp lần này, vấn đề nhân sự sẽ được Quốc hội tập trung chú trọng.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp tới, có hai vị trí nhân sự sẽ được miễn nhiệm là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ông Nguyễn Khắc Định và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Đối với riêng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ Chính trị có quyết định phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Ai sẽ làm Bộ trưởng Y tế thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến?

Về nhân sự thay thế Bộ trưởng Tiến, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, Thủ tướng sẽ có tờ trình nhân sự để Quốc hội phê chuẩn.

“Hai đồng chí này ở hai chủ thể quản lý khác nhau nên cách làm khác nhau. Ông Định sẽ thôi nhiệm vụ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội làm quy trình để bầu một đồng chí mới vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời sẽ bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Thường vụ Quốc hội đang tiến hành công tác nhân sự này. Bộ trưởng Kim Tiến thì do Thủ tướng trình nhân sự, Quốc hội phê chuẩn”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Theo quy định, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế tổ chức thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo với Bộ này do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định về nhân sự.

Trả lời câu hỏi của báo giới vì sao Quốc hội phải miễn nhiệm khi nhiệm kỳ Bộ trưởng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn còn đến năm 2021, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, do bà Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu. Bộ trưởng Tiến sinh ngày 1.8.1959, đã 60 tuổi.

Vì sao Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế ngay giữa nhiệm kỳ?

Về quyết định miễn nhiệm chức Bộ trưởng đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng nhận định với báo Giao thông cho biết:

“Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chưa hết nhiệm kỳ nhưng đã không còn giữ chức Bí thư cán sự Đảng ở Bộ Y tế. Còn về mặt chính quyền thì phải chờ Quốc hội họp. Tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền trình ra Quốc hội miễn nhiệm thành viên của mình”.

Góc nhìn rất khác về Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, việc Quốc hội phải miễn nhiệm ngay đang giữa nhiệm kỳ là một trường hợp rất đặc biệt. Xét theo lẽ thường, các Bộ trưởng hay Ủy viên Trung ương Đảng dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu đang trong nhiệm kỳ thì vẫn được phép đảm trách nhiệm vụ đến hết thời hạn nhiệm kỳ.

Trong lịch sử, trước đây cũng đã từng có Bộ trưởng nghỉ khi chưa kết thúc nhiệm kỳ, nhưng là có đơn xin nghỉ, như trường hợp ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin nghỉ hồi năm 2004 khi chưa hết nhiệm kỳ. Ở thời điểm ấy, Bộ này có hai thứ trưởng bị khởi tố liên quan đến vụ Lã Thị Kim Oanh.

Sau đó, ông Lê Huy Ngọ đã được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Phòng chống Lụt bão Trung ương.

Bộ trưởng Tiến bị bãi nhiệm có liên quan đến vụ VN Pharma?

Ngày 16.9, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra vụ VN Pharma sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý đồng thời Kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y Tế, hay các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến sai phạm.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: “Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, Cục trưởng Cục QLD chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế; đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm qua các thời kỳ được nêu tại phần Kết quả kiểm tra, xác minh”.

Bất ngờ với giọng hát của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Ngoài ra, Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định thuộc Bộ Y tế và cá nhân các chuyên gia thẩm định trực tiếp chịu trách nhiệm về những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký đối với 07 thuốc, cấp phép nhập khẩu đối với 03 thuốc và cấp phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty Helix.

Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại và vi phạm đã nêu. Cụ thể:

“Bộ Y tế chỉ đạo Cục QLD và Vụ KHTC tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; công tác đấu thầu mua thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được thanh tra. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam ngày 11/4/2014 trong khi giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Công ty này đã hết hạn từ ngày 06/10/2013”, Thanh tra Chính phủ đề xuất.

Ngày 14.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Y tế về thi hành Quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế. Tại buổi làm việc trao Quyết định phân công của Bộ Chính trị cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Bí thư mới của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới đây đã được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Thảo luận