Dự thảo các yêu cầu về bảo mật cho các mạng thế hệ thứ năm, mà Cơ quan quản lý mạng Liên bang Đức đang thảo ra, không nói gì về việc “các hệ thống truyền thông chỉ được cung cấp bởi các nhà cung cấp đáng tin cậy”. Điều này có nghĩa là Đức không chặn Huawei truy cập vào thị trường của họ.
Không có ý kiến thống nhất
Như vậy, châu Âu không có ý kiến thống nhất về Huawei. Một số quốc gia Tây Âu, ví dụ Đức và Ý, không có ý định từ bỏ thiết bị của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Nhưng, Thụy Điển, ngược lại, chủ trương ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ. Ví dụ, kênh truyền hình Thụy Điển SVT dẫn nguồn tin cho biết rằng, những sửa đổi mới trong luật về nhà cung cấp thiết bị cho mạng 5G sẽ cấm một số công ty cụ thể tham gia xây dựng mạng 5G ở nước này, và những sửa đổi này nhằm chống lại Huawei.
Tối ưu hóa chi phí
Trước đây Huawei cũng đã làm việc ở châu Âu theo sơ đồ như vậy. Thiết bị Huawei, ở mức độ này hay mức độ khác, đã có mặt trong cơ sở hạ tầng viễn thông. Tất nhiên, ở EU cũng có các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, ví dụ như Nokia hay Ericsson. Nhưng, các nhà cung ứng muốn tối ưu hóa chi phí và do đó xây dựng mạng di động dựa vào các nhà cung cấp khác nhau.
Thiết bị Huawei cũng có mặt trong các mạng viễn thông của Mỹ. Các nhà khai thác viễn thông nhỏ cung cấp dịch vụ ở các khu vực dân cư thưa thớt, ví dụ ở nông thôn, phụ thuộc nhiều nhất vào Huawei. Theo Hiệp hội không dây nông thôn Hoa Kỳ, nếu Mỹ từ bỏ thiết bị Huawei thì sẽ phải chi thêm từ 800 triệu đến 1 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng và sẽ mất khoảng hai năm.
Cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường 5G
Từ quan điểm kỹ thuật, rất khó để tranh luận về nội dung này. Tuy nhiên, những cáo buộc Huawei làm gián điệp bằng cách cài đặt hệ thống giám sát đều thiếu cơ sở. Không có bằng chứng nào cho thấy rằng, thiết bị của tập đoàn Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng. Chuyên gia Guo Kunqi, giáo sư tại Viện Truyền thông và Tin học tại Đại học Giang Tô (Trung Quốc) nói với Sputnik rằng, vấn đề là ở chỗ: Hoa Kỳ chưa khám phá đầy đủ công nghệ 5G và họ sợ rằng, Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong lĩnh vực này.
“Những tuyên bố của Hoa Kỳ chỉ là một cái cớ để kìm hãm Huawei. Trước hết phải nói rằng, 5G là một công nghệ mới về cơ bản cho mạng di động. Sau khi hoàn thành việc xây dựng mạng 5G, nó sẽ thay thế mạng 4G. Hoa Kỳ đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về 4G. Và nếu mạng 5G có thể được tạo ra bằng cách chuyển đổi 4G, thì Hoa Kỳ có lẽ sẽ không bị xúc phạm quá mạnh. Và bây giờ Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ cạnh tranh gay gắt trên thị trường 5G. Xét cho cùng, các mạng thế hệ thứ năm không chỉ là thông tin liên lạc qua điện thoại, chúng còn là thiết bị cung cấp dịch vụ y tế từ xa, Internet Vạn Vật, và xe tự lái. 5G liên quan đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, phục vụ các lĩnh vực khác nhau trên thị trường. Và nếu Trung Quốc giành thế dẫn đầu trong cuộc đua 5G, thì Hoa Kỳ sẽ phải chịu tổn thất nghiêm trọng. Do đó, Hoa Kỳ đang tìm mọi lý do để kìm hãm sự phát triển của Huawei. Các biện pháp đã vượt ra ngoài sự cạnh tranh công bằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang răn đe lẫn nhau".
Châu Âu tại ngã tư đường
Hoa Kỳ cảnh báo các đồng minh, nếu họ sử dụng thiết bị Huawei trong mạng viễn thông thì Mỹ sẽ không trao đổi thông tin tình báo với họ.
“Do đó, Châu Âu đang phải đối mặt với một vấn đề phức tạp. Một mặt, sự hợp tác giữa các cơ quan đặc nhiệm là rất quan trọng đối với nhiều quốc gia thành viên NATO. Cơn giận dữ của Hoa Kỳ và quyết định chấm dứt truyền tải dữ liệu của họ là mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh quốc gia so với "cửa hậu" tưởng tượng của Huawei. Nhưng, Hoa Kỳ không thể đưa ra một giải pháp thay thế. Huawei sở hữu hơn 1/3 tổng số bằng sáng chế 5G. Ở EU, Huawei chiếm 31% thị phần trong cơ sở hạ tầng di động. Đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Huawei – tập đoàn Ericsson chiếm thị phần nhỏ hơn một chút - 29%. Do đó, Hoa Kỳ không có nhiều cơ hội để gây áp lực. Xây dựng lại tất cả các hệ thống thông tin liên lạc mạng là một công việc cực kỳ tốn kém. Hơn nữa, trong trường hợp này, châu Âu sẽ bị tụt lại phía sau 2-3 năm trong quá trình triển khai các mạng thế hệ thứ năm. Và tất cả chỉ để thỏa mãn tham vọng của Hoa Kỳ”, - chuyên gia Trung Quốc, Giáo sư Yang Mian từ Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Truyền thông Trung Quốc nói với Sputnik.
“Hoa Kỳ chỉ muốn tìm kiếm một cái cớ. Họ đã xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược và quân sự của họ, là một kẻ thù chính trị, đồng thời họ đang thổi phồng lý thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong lĩnh vực viễn thông, Hoa Kỳ bôi nhọ danh tiếng của Huawei và các công ty Trung Quốc khác, cáo buộc các nhà chức trách Trung Quốc sử dụng backdoor (cửa hậu) để thu thập thông tin tình báo. Cần phải lưu ý rằng, bản thân Hoa Kỳ cũng có thể thực hiện giám sát thông qua các mạng. Trong trường hợp này, việc sử dụng các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh sẽ tạo ra cảm giác dễ bị tổn thương”, - chuyên gia Trung Quốc nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Tuy nhiên, cuối cùng, những người dùng bình thường sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. Chính họ sẽ trả tiền cho các mạng đắt tiền và sẽ cố gắng tìm hiểu về các tiêu chuẩn truyền thông 5G khác nhau.