Trung Quốc kêu gọi đối thoại hòa bình, Việt Nam nói không nhượng bộ

Trung Quốc kêu gọi đối thoại hòa bình sau khi bị Việt Nam cáo buộc vi phạm chủ quyền. Tuyên bố mới đây của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam sẽ không nhượng bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông trước tham vọng của Bắc Kinh.
Sputnik

Tình hình Biển Đông: Trung Quốc nói Việt Nam kiềm chế

Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi đối thoại hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông sau khi Việt Nam đẩy mạnh việc đưa ra các tuyên bố, cáo buộc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền.

“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết những bất đồng trên biển thông qua đối thoại và đàm phán, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua các hành động thiết thực”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố trong cuộc họp báo hôm thứ Tư ngày 16.10.

Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông

Theo SCMP, tuyên bố này được đưa ra sau một cảnh báo hồi đầu tuần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tuyên bố rằng đất nước sẽ không bao giờ nhượng bộ chủ quyền của mình, nhưng cũng cần duy trì một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông

Cụ thể, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, việc xử trí mối quan hệ giữa hai nước không hề đơn giản. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhân nhượng bất cứ thứ gì một cách vô nguyên tắc.

“Ta ký được biên giới với Trung Quốc bao nhiêu năm nay, phân định được vịnh Bắc Bộ, bây giờ đang đàm phán phân định cửa vịnh Bắc Bộ. Hay gì mà căng thẳng, cả đôi bên cùng thiệt. Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó!”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam khẳng định kiên quyết.

Trước đó, Hà Nội đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền kể từ khi các tàu khảo sát và tàu hải giám bắt đầu hoạt động ở vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Một số nhà phân tích cho rằng phản ứng của Trung Quốc cho thấy nước này sẽ hạn chế sử dụng hải quân và ưu tiên sử dụng các kênh khác để giải quyết xung đột.

“Trung Quốc sẽ có một phản ứng đa chiều cho những vấn đề này. Đôi khi họ sẽ đưa ra tuyên bố, để nói rõ quan điểm của Trung Quốc, nhưng họ cũng sẽ sử dụng các kênh song phương để bày tỏ phản đối hoặc đưa ra tuyên bố khác”, Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu cho biết.

Ngoài tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng hôm thứ Ba cho biết, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với Biển Đông đã bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng.

Trước đại diện Trung Quốc và 9 nước ASEAN, đoàn Việt Nam chỉ trích thẳng thắn hành vi xâm phạm đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam của Bắc Kinh thời gian qua, đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh hành vi vi phạm của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và an ninh khu vực, đặc biệt, lối hành xử như vậy không tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).

Tẩy chay phim hoạt hình có đường lưỡi bò của Trung Quốc

Sơ suất hay sự cố tình kích động dư luận trong nước?
Chủ nhật vừa qua, Việt Nam đã chính thức rút bộ phim hoạt hình Abominable (Everest - Người tuyết bé nhỏ) của hãng DreamWorks khỏi các rạp chiếu phim, vì một số cảnh trong phim có hình ảnh bản đồ với đường chín đoạn (đường lưỡi bò), thể hiện yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, xung đột với tuyên bố của nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã kêu gọi tẩy chay phim của hãng DreamWorks trong một bài đăng trên Twitter vào tối thứ Ba.

“Theo tôi, hãy kêu gọi tẩy chay trên toàn cầu mọi sản phẩm của DreamWorks ngay từ bây giờ”, đồng thời Ngoại trưởng Philippines cũng khuyến cáo Hội đồng duyệt phim truyền hình Manila, cơ quan giám sát nội dung trên truyền hình và phim chiếu rạp, cần phải vào cuộc và nên cắt những phân đoạn trên.
Việt Nam sẽ không nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông?

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia an ninh khu vực tại Học viện Quốc phòng Úc, tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy quan điểm rằng Việt Nam sẽ không nhượng bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc.

 “Việt Nam đang gặp thách thức là sự hiện diện có lẽ sẽ kéo dài của các tàu Trung Quốc ở nhiều khu vực trên vùng biển Việt Nam. Trung Quốc có thể sẽ triển khai một giàn khoan dầu lớn trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khi các tàu khác của Bắc Kinh vẫn tiếp tục cản trở hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí của Việt Nam với đối tác nước ngoài”, ông Thayer nói.
“Tại thời điểm này, Việt Nam sẽ sẵn sàng đấu tranh [với Trung Quốc], giống như hai người đang vật tay ở quán rượu. Cả hai bên đều sẽ không từ bỏ vào lúc này, và họ sẽ còn tiếp tục giữ vững trong nhiều giờ nữa mà không cử động. Mỗi bên đều ghì chắc tư thế của mình”, SCMP dẫn lời giáo sư Thayer đưa ra hình ảnh so sánh.

Trung Quốc bắt nạt Việt Nam và muốn chiếm trọn Biển Đông
Ông Thayer nói rằng các hoạt động của Trung Quốc đã phải “trả giá bằng uy tín của mình”, trong bối cảnh quốc tế không hài lòng với những động thái của Bắc Kinh, thể hiện qua việc giám sát hoạt động vận chuyển của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và các đồng minh đã đẩy mạnh hoạt động hàng hải trong vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Chính quyền Bắc Kinh thậm chí đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trong khu vực này.

Mỹ diễn tập gần quần đảo Trường Sa cùng Philippines và Nhật Bản

Inquirer dẫn lời phát ngôn viên lực lượng hải cảnh Philippines, Tướng Arman Balilo, cho biết tàu tuần duyên bờ biển USCGC Stratton (WMSL-752) của lực lượng tuần duyên Mỹ đã tới tỉnh đảo Palawan vào hôm 16/10 để tham gia cuộc diễn tập Sama-Sama.

Sama-Sama là cuộc diễn tập thường niên của Mỹ và Philippines, nhằm tăng cường huấn luyện cho lực lượng tác chiến trên biển của hai nước. Địa điểm cuộc diễn tập là tỉnh đảo Palawan của Philippines, nằm khá gần với quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Tàu USCGC Stratton (WMSL-752) là tàu chiến thứ hai được lực lượng tuần duyên Mỹ huy động tới vùng biển của Philippines trong vòng 6 tháng qua. Cuộc tập trận hồi tháng 5/2018 của lực lượng tuần duyên Mỹ và hải cảnh Philippines được tiến hành gần bãi cạn Scarborough.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị nghiên cứu tình hình Biển Đông

Thời gian qua, dù không là nước có yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông, cả Nhật Bản lẫn Mỹ đều đã nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Không những thế, Mỹ còn thường xuyên điều động tàu chiến tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược. Ngoài hải quân, Mỹ cũng tăng cường sử dụng lực lượng tuần duyên nhằm mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng thực thi chính sách bành trướng trong khu vực.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông nổ ra trong những tháng gần đây. Đầu tháng 10 vừa qua, Manila đã gửi công hàm phản đối sự hiện diện trái phép của các tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam).

Kể từ năm 2013, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã thường xuyên lui tới khu vực khá gần với bãi Cỏ Mây, nơi tàu hải quân BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn vào năm 1999. BRP Sierra Madre là tàu chở dầu đổ bộ được đóng cho hải quân Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Hải quân Philippines sau khi tiếp nhận đã cố tình cho tàu mắc cạn trên bãi Cỏ Mây nhằm thể hiện sự hiện diện của Manila ở nơi này. Hiện có một nhóm nhỏ binh sĩ Philippines sinh sống trên tàu. Manila từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động cản trở tàu tiếp tế của hải quân Philippines thực hiện vận chuyển hàng hóa cho thủy thủ trên tàu BRP Sierra Madre.

Thảo luận