Vì sao miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế khi nhiệm kỳ chưa kết thúc?
Chiều 18.10, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra buổi họp báo về chương trình dự kiến đối với Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Chủ trì buổi làm việc là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc.
Vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm và nhiều cơ quan báo đài đặt câu hỏi đối với đại diện Văn phòng Quốc hội đó chính là quyết định miễn nhiệm Nguyễn Thị Kim Tiến dù còn đang trong nhiệm kỳ.
Trả lời về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, bà Tiến đã được bổ nhiệm giữ trọng trách vô cùng quan trọng khác trên cương vị Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
“Đây cũng là một công việc rất quan trọng liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe của cán bộ cấp cao”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Theo đó, sau khi được Quốc hội miễn nhiệm, bà Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ chuyển sang công tác tại đơn vị này.
Về nhân sự thay thế vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quyết định sẽ dựa trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng, sau đó Quốc Hội sẽ tiến hành xem xét phê chuẩn.
Còn vừa rồi, Bộ Chính trị đã có quyết định phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế.
Về việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ được miễn nhiệm như thế nào, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình lên Quốc Hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến vào sáng ngày 25.11.
Theo đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi thảo luận ở các đoàn đại biểu Quốc Hội, chiều ngày 25.11, Quốc hội nghe kết quả thảo luận và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Cùng với việc miễn nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế, trong Kỳ họp tới, Quốc Hội cũng sẽ miễn nhiệm ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc. Theo đó, Bộ Chính trị cũng đã có quyết định phân công ông Định làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh ngày 1 tháng 8 năm 1959, quê quán tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là Phó Giáo sư, tiến sĩ y khoa; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), khóa XI; Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Y tế từ năm 2011. Bà Tiến không trúng cử Trung ương khóa XII và là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện nay.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin vụ 9 người trốn ở lại Hàn Quốc
Cũng tại buổi họp báo chiều nay, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về sự việc 9 người Việt Nam đi cùng đoàn công tác của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ trốn tại Hàn Quốc.
“Về vấn đề này, tôi cũng đã trả lời báo chí nhiều. Thật ra nói đi cùng đoàn của Chủ tịch Quốc hội là không phải bởi những người này đi theo Diễn đàn kinh thế thương mại riêng. Đoàn này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Công nghiệp thương mại Hàn Quốc và Đại sứ quán Hàn quốc tổ chức đi. Chính vì vậy, nói từ đi cùng thực ra cũng không đúng mà là đi nhờ, đây không phải lần đầu tiên diễn ra chuyện này”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc tái khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, sau khi lập danh sách toàn đoàn tham gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Bộ Công an thẩm tra lý lịch thân nhân của những người này. Tiếp đến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có gửi 9 người này sang Đoàn của Quốc hội để đi.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội nhấn mạnh, những người này không đi theo diện visa ngoại giao mà do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhờ một công ty du lịch làm.
“Visa ngoại giao chỉ cấp cho các thành viên chính thức của đoàn, tháp tùng Chủ tịch Quốc hội”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Về việc giải quyết vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết:
“Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã kiên quyết yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xử lý, bắt các đối tượng này về nước. Chúng ta khẳng định rằng chủ trương để các doanh nghiệp ra nước ngoài, tham dự các diễn đàn đầu tư, thương mại là chủ trương tốt đẹp, nhưng đã bị lợi dụng. Vậy biện pháp nào để chấn chỉnh? Tôi cho rằng tốt nhất là từ lần sau không cho đi nhờ nữa. Các đoàn đó sẽ tự tổ chức đi, không đi cùng chuyên cơ, để khỏi mang tiếng. Tôi xin nói thêm là visa cấp cho đoàn doanh nhân này không phải visa ngoại giao, mà Bộ KH-ĐT phối hợp với Vietravel tổ chức cho đoàn này đi”, Tuổi Trẻ dẫn phát biểu của ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
VnEconomy sau đó đặt câu hỏi rằng 9 đối tượng bỏ trốn không phải là bí mật quốc gia, tại sao không thể công bố?
Trả lời vấn đề này Tổng Thư ký Quốc Hội cho biết: “Về danh sách đoàn, cho đến bây giờ tôi không biết ai cả. Danh sách này do Bộ KH-ĐT quản lý. Vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ, tôi được biết các phóng viên đã hỏi vấn đề này, đại diện Bộ Công an và Bộ KH-ĐT đã trả lời”.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV xem xét nhiều vấn đề quan trọng
Theo Tổng Thư ký Quốc Hội, tại kỳ họp này, vì là kỳ họp cuối năm, nên Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo quy trình tại một kỳ họp).
Đáng chú ý, một số Nghị quyết quan trọng cũng sẽ được xem xét như: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội (nếu có); Xem xét, quyết định việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp).
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xem xét, quyết định việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 21.10 và bế mạc vào ngày 27.11.
Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để hướng tới việc thực hiện Quốc hội điện tử.
“Các đại biểu khi vào họp sẽ không cần mang theo nhiều tài liệu mà chỉ cần một chiếc Ipad hoặc điện thoại là đã có đầy đủ tài liệu kỳ họp”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.