Thông tin về tang lễ Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An

Theo Ban tổ chức, lễ viếng và lễ truy điệu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An sẽ được tổ chức ngày 21.10 (nhằm ngày 23.9 Âm lịch) tại nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Sputnik

Thông tin lễ viếng và lễ truy điệu Thứ trưởng Lê Hải An

Sáng nay, 18.10, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) đã có thông báo gửi toàn thể các cơ quan truyền thông báo chí và nhân dân về lễ viếng và truy điệu Thứ trưởng Lê Hải An.

Thông tin cụ thể: lễ viếng và lễ truy điệu sẽ được tổ chức ngày thứ Hai 21.10 (nhằm ngày 23.9 Âm lịch).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An đột ngột qua đời

Lễ viếng sẽ được tổ chức từ 12h-14h30 ngày 21.10 và lễ truy điệu từ 14h30- 14h45 cùng ngày tại nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Thứ trưởng Lê Hải An sẽ được yên nghỉ tại nghĩa trang Thiên Đức, Phú Thọ.

Trước đó, ngày 17.10, trong thông cáo do Bộ GD-ĐT phát đi cho biết Thứ trưởng Lê Hải An qua đời “do bị tai nạn”.

“Đồng chí Lê Hải An, sinh năm 1971, Ủy Viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã từ trần vào lúc 7 giờ 10 phút ngày 17 tháng 10 năm 2019, tức ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Hợi”.

Nguyên nhân ban đầu khiến Thứ trưởng Lê Hải An tử vong

Theo thông tin điều tra ban đầu, đồng chí Lê Hải An qua đời sau khi rơi xuống từ lan can ban công tầng 8 nhà D tại trụ sở cơ quan nơi ông công tác- Bộ GD-ĐT.

Cán bộ công tác ở Bộ GD-ĐT cho biết, vị trí ông Lê Hải An rơi uống hướng thẳng lên lan can tầng 8 nhà D, nơi có căng tin của Bộ. Được biết, đây là nơi cán bộ, nhân viên của Bộ Giáo dục thường lui tới ăn uống trước hoặc sau giờ làm việc.

Còn có thông tin cho rằng, sáng ngày 17.10, ông Lê Hải An đã tới cơ quan làm việc từ rất sớm và lên căng tin tầng 8 để ăn sáng. Sau đó, ông ra ngoài gần lan can (khu vực được hút thuốc). Nhân viên phục vụ ở căng tin còn bưng nước uống ra đặt ở bàn ngoài lan can, nơi ông An ngồi, rồi trở lại làm việc tiếp nên không biết sự việc diễn biến tiếp theo.

Ông Trần Bắc Hà được an táng tại Đồng Nai theo nguyện vọng gia đình

Thời điểm lúc ông Lê Hải An rơi xuống đất chỉ có một nhân viên lao công ở khu vực sân biết, người này đã hô lên, gọi người tới.

Văn phòng Bộ GD-ĐT gọi xe cấp cứu nhưng đã quá muộn. Thứ trưởng Lê Hải An đã qua đời.

Khoảng 9h30, thi thể Thứ trưởng Lê Hải An được đưa ra khỏi trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường.

Theo lịch làm việc của Bộ GD-ĐT, sáng 17.10, Thứ trưởng Lê Hải An sẽ cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và trong buổi chiều, Thứ trưởng sẽ làm việc với UBND tỉnh Sơn La tại trụ sở của Bộ.

Hiện, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đang phối hợp cùng Công an quận Hai Bà Trưng và nhiều cơ quan liên quan tiến hành khám nghiệm, tổ chức công tác điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của Thứ trưởng Lê Hải An.

Đồng nghiệp tiếc thương Thứ trưởng Lê Hải An

Tháng 11.2018, khi đang đảm trách chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ- Địa chất thì ông Lê Hải An được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách bậc giáo dục đại học. Từ tháng 2.2019, ông Lê Hải An giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT.

Sự ra đi đột ngột của đồng chí Lê Hải An đã để lại nhiều thương tiếc cho đồng nghiệp trong ngành giáo dục, đặc biệt là những người từng có thời gian gặp gỡ và công tác cùng vị Thứ trưởng.

GS.TS. Bùi Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ- Địa chất cho biết, ông rất sốc và cảm thấy bàng hoàng khi nghe tin Thứ trưởng Lê Hải An từ trần. Ông nói, 24 năm quen biết và làm việc cùng nhau, PGS.TS Lê Hải An luôn là con người gần gũi, thân thiện và hết lòng vì công việc.

“Chúng tôi luôn đặc biệt kính trọng anh về trí tuệ, một trong những thế hệ cử nhân được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Anh An rất sáng tạo, sắc sảo, quyết liệt và say mê công việc”, GS.TS Bùi Xuân Nam phát biểu với NLĐ.

Chia sẻ về vị Thứ trưởng tài năng, nhiều hiệu trưởng các trường Đại học cho biết, họ luôn nhận được sự ửng hộ của ông Lê Hải An trong các đề xuất nhằm xây dựng, phát triển đào tạo thể hiện ở sự rốt ráo, xem xét, xử lý ngay những việc thuộc phạm vi quyền hạn của mình.

Bộ GD&ĐT nói gì về dự định bỏ ghi xếp loại trên bằng đại học?

Đồng nghiệp của Thứ trưởng Lê Hải An thời điểm khi ông còn công tác ở Trường ĐH Mỏ- Địa chất cho biết, ông An là người tận tụy hiếm có, thường đến sớm nhất và về muộn nhất. Ông luôn theo sát, chỉ dẫn tỉ mỉ trong công việc đối với các cán bộ dưới quyền.

Đảm trách vị trí Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Lê Hải An phải gánh nhiều việc, chủ yếu bên mảng giáo dục Đại học. Ông tiếp quản và xử lý nhiều vấn đề cấp thiết trong bối cảnh Luật Giáo dục ĐH vừa được thông qua, nhiều thách thức đặt ra trong việc thúc đẩy tự chủ Đại học, cải thiện chất lượng đào tạo, xử lý tiêu cực trong quản lý, kiểm soát, đánh giá hoạt động đào tạo của các cơ sở.

Nhiều lãnh đạo Bộ, các trường và nhiều nhà giáo đã bày tỏ ý kiến, sự thương tiếc khi Thứ trưởng Lê Hải An đột ngột qua đời.

“Thứ trưởng Lê Hải An là người lãnh đạo trẻ, làm việc rất tốt và đầy triển vọng. Từ lúc lên nhận nhiệm vụ ở bộ phụ trách lĩnh vực giáo dục ĐH, thầy An là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục ĐH sửa đổi. Thầy An cũng là người sống rất tình cảm, luôn rất vui vẻ với anh em và gần như không có khoảng cách trên dưới. Sự ra đi quá đột ngột của thầy An khiến cả cơ quan Bộ GD-ĐT rất sốc và đau buồn”, Tuổi trẻ trích lời của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ (Trưởng ban ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, suốt thời gian đầu nhận nhiệm vụ thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông An rất chịu khó tham dự rất nhiều cuộc họp ở cơ sở, lắng nghe để nắm bắt công việc, nhờ vậy trong những lần sau ông nắm bắt vấn đề rất chắc, xử lý rất nhanh gọn, thông minh, quyết đoán và hiệu quả.

“Đây thực sự là người lãnh đạo trẻ, tài năng”, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ nhấn mạnh.

TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT) cho biết, Thứ trưởng Lê Hải An là người luôn trực tiếp lắng nghe và giải quyết những vấn đề còn tồn tại hay ủng hộ những đề xuất, sáng kiến từ các trường:

 “Những vụ việc cụ thể của các trường ĐH khi trình lên Bộ GD-ĐT đều phải thông qua thứ trưởng phụ trách trước. Thứ trưởng An luôn thể hiện tinh thần vì mục tiêu chung nên luôn lắng nghe và ủng hộ đề xuất từ phía các trường. Sự ra đi quá đột ngột của anh ấy mang theo nhiều nuối tiếc”, TS Tùng cho biết.
Phát biểu cuối cùng của Thứ trưởng Lê Hải An
“Việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới là yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững”, đó là phát biểu của đồng chí Lê Hải An tại Hội thảo triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) đối với đào tạo khối ngành sức khỏe ở các trình độ của giáo dục đại học được tổ chức ngày 16.10 tại Đà Nẵng.

Tại đây, Thứ trưởng An phát biểu, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng khung trình độ quốc gia nhằm đảm bảo trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội, cung cấp, đảm bảo sự linh hoạt và tiến bộ cho người học, đồng thời được quốc tế công nhận.

Bộ giáo dục và Đào tạo xử lý gian lận thi cử chưa thuyết phục

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam vừa qua đã chính thức trở thành thành viên Cộng động kinh tế ASEAN (AEC), tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới là yêu cầu bắt buộc.

“Để triển khai VQG cho giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo. Từ đó giúp các trường rà soát, phát triển chương trình đào tạo, thống nhất về những chuẩn mực tối thiểu về đầu ra cho từng ngành/khối ngành”, đồng chí Lê Hải An khẳng định.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho hay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2019. Theo quy định của Luật, tất cả chương trình đào tạo của các trường trong thời gian tới cần được rà soát, điều chỉnh, cập nhật hoặc phát triển mới đều phải phù hợp với chuẩn chương trình theo quy định của Luật. Điều này rất phù hợp triển khai thực hiện VQF vì khi phát triển một chương trình đào tạo, cần phải đặt chuẩn đầu ra.

Ông Lê Hải An đánh giá: “Việc triển khai VQF cũng cần quan tâm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng đào tạo, làm tiền đề cho việc di chuyển lao động tự do trong khu vực ASEAN và trên thế giới được thuận lợi”.

Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Lê Hải An đề nghị các đại biểu cùng dự sự kiện đóng góp ý kiến xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chuẩn chương trình. Dựa vào cơ sở đó, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng để nhanh chóng triển khai VQF sao cho hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao cho quốc gia.

Cuộc đời và sự nghiệp của Thứ trưởng Lê Hải An

Lê Hải An sinh ngày 1 tháng 4 năm 1971 tại Hà Nội, nguyên quán tại Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là con trai út của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây, chuyên viên chỉ đạo môn Toán của Bộ GD&ĐT, nhiều năm là Trưởng đoàn thi Olympic toán quốc tế IMO của Việt Nam những năm đầu tiên.

Được biết, ông Lê Hải An tốt nghiệp trình độ Kỹ sư Địa vật lý, Đại học Thăm dò Địa chất Moskva, LB Nga, ngày cấp bằng 6/1995. Sau đó ông học Thạc sĩ Dầu khí, Đại học Tổng hợp Brunei, Brunei Darussalam và Tiến sĩ, Dầu khí, Đại học Heriot-Watt, Vương quốc Anh.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội tử vong do rơi từ tầng 27 chung cư

Ông từng giữ chức Bí thư, Hiệu trưởng ĐH Mỏ-Địa chất, Hà Nội. Ngày 3.11.2018, theo Quyết định của Thủ tướng điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Lê Hải An, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công tác tại Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Lê Hải An đảm trách các địa bàn thuộc khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cùng các lĩnh vực: Giáo dục đại học, giáo dục quốc phòng và an ninh, báo chí, truyền thông giáo dục, đảm bảo cơ sở vật chất và hoạt động của cơ quan bộ, công tác Đảng và Đoàn thanh niên,  công tác công đoàn cơ quan bộ, dân quân tự vệ của cơ quan bộ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Hải An còn tham gia phụ trách các đơn vị như: Văn phòng, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Ban Quản lý các dự án Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục và Thời đại.

Thảo luận