Công an triệu tập các đối tượng liên quan vụ đổ dầu thải vào nước sông Đà
Liên quan đến vụ đổ chất dầu thải ra đầu nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội, Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một số đối tượng tình nghi.
Cụ thể, sáng ngày 18.10, trao đổi với báo chí, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, căn cứ vào nhiều tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành triệu tập một số đối tượng liên quan nhằm đấu tranh, làm rõ việc xả thải dầu bẩn ra đầu nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội.
“Công an tỉnh Hòa Bình đang tập trung làm rõ, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông tin sau. Hiện, đơn vị đang đấu tranh với những người liên quan để làm rõ sự việc và mở rộng điều tra”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, hiện vẫn chỉ đang trong quá trình điều tra, xác minh, thông tin cụ thể sẽ được cung cấp rộng rãi đến các cơ quan báo chí và truyền thông sau.
“Cơ quan điều tra đang đấu tranh với những người này để mở rộng vụ án nên chưa thể cung cấp danh tính”, đại diện Công an tỉnh Hòa Bình bổ sung thêm.
Trước đó, chiều qua, tại cuộc họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố Hà Nội do Ban tuyên giáo- UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức cũng cho biết:
“Sau khi xảy ra vụ việc, Công an tỉnh cùng công an huyện Kỳ Sơn đã tổ chức xác minh, lấy lời khai những người liên quan trong vụ xả thải xuống suối Tràm. Đồng thời phối hợp với công ty nước sạch, người dân khắc phục hậu quả”.
Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án này ngày 16.10.
“Ngày 16.10.2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức thông tin rộng rãi.
Theo điều tra ban đầu, ngày 9.10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh- Phúc Tiến- Phú Minh (thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) cách nhà máy nước không xa.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Cục Bảo vệ Môi trường Miền Bắc (Tổng Cục Môi trường) đã phối hợp cùng UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Phúc Tiến, PC05 Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra hiện trường.
Lực lượng chức năng xác định điểm bị đổ trộm dầu thải là ở xóm Mon, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 5km. Dầu thải từ vị trí này tràn xuống khe suối Trầm, rồi dẫn vào hồ Đầm Bài - khu vực trữ nguồn nước cho nhà máy.
Cũng theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) phải chịu trách nhiệm lớn khi đơn vị này đã phát hiện vụ việc từ ngày 9.10 nhưng không hề thông báo hay có những biện pháp ngăn chặn thích hợp dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì và một phần Bắc Từ Liêm của thành phố Hà Nội.
Công ty nước sạch sông Đà chưa xin lỗi dân, chưa muốn đền bù
Ngay trong buổi họp báo chiều qua, đại diện của Viwasupco, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà nhận được rất nhiều câu hỏi, sự quan tâm của dư luận cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông.
Phát biểu về trách nhiệm liên quan đến vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khẳng định, doanh nghiệp này đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng nước đầu nguồn đạt tiêu chuẩn. Đơn vị này cũng đã đích thân thuê Trung tâm ứng phó sự cố tiến hành nạo vét, xử lý chất thải, đặc biệt là lượng dầu còn tồn đọng để đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho dân.
“Chiều qua trong cuộc họp khẩn với UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẳng định chất lượng nước sông Đà đã đạt tiêu chuẩn. Styren đã dưới chuẩn. Căn cứ kết quả, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công ty nước sạch sông Đà cấp nước lại. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chưa công bố nước đủ tiêu chuẩn để ăn uống”, Tiền phong trích phát biểu của ông Khoa cho hay.
Phóng viên đặt câu hỏi, vậy khi nào dân mới có nước sạch dể phục vụ ăn, uống?, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà phát biểu thông tin:
“Đến nay vẫn chưa có kết quả phân tích của cơ quan đại diện thành phố Hà Nội nên công ty khuyến cáo nước chỉ dùng để tắm rửa, vệ sinh theo đúng khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội. Khi nào có kết luận xét nghiệm chỉ tiêu thì mới có thể khẳng định được, bên cạnh đó, kết luận xét nghiệm ngày 16.10, công ty chưa nhận được. Điều này phụ thuộc vào tiến độ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội. Mong cơ quan báo chí có ý kiến để cơ quan chức năng sớm có kết quả xét nghiệm nước đầu ra”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm cũng như việc đền bù thiệt hại cho người dân như thế nào, đơn vị này có tiến hành xin lỗi dân hay không, ông Khoa khẳng định:
“Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất và chúng tôi cũng chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng”.
Đối với câu hỏi công ty có nợ người dân lời xin lỗi hay không? đại diện Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà khẳng định:
“Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng”, VOV dẫn phát biểu của ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết.
Ông Nguyễn Đăng Khoa chỉ trả lời rằng: “Khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng thì chưa có ý kiến gì về bồi thường hay không. Khi có kết luận rõ ràng, chúng tôi sẽ có những biện pháp cụ thể”.
Ai chịu trách nhiệm vụ ô nhiễm nguồn nước?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) GS, Vũ Trọng Hồng trao đổi với Zing, phân tích sâu về trách nhiệm các bên liên quan và đặc biệt, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), nhất là những người đứng đầu doanh nghiệp.
Theo GS Hồng, rõ ràng Công ty nước sạch sông Đà đã phát hiện dầu loang ở đầu nguồn nước nhưng lại không báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng. Ngoài ra, họ còn cho thấy sự yếu kém về nhận thức khi cho chất clo vào tẩy nguồn nước bị ô nhiễm, trong khi ai cũng hiểu, clo không thể làm sạch dầu.
“Rõ ràng, họ không có kinh nghiệm, kiến thức xử lý sự cố. Nhưng cũng không báo cáo lên để xin ý kiến về hướng giải quyết, vẫn cố tình cung cấp nước cho hàng triệu người dân sử dụng. Đó là việc rất tàn nhẫn, đặt sinh mạng người dân dưới lợi nhuận kinh doanh”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh.
GS Hồng nhận định, từ vụ cháy ở Rạng Đông, cho đến những thông tin ô nhiễm không khí, và nay là ô nhiễm nguồn nước sông Đà đã bộc lộ vấn đề còn tồn tại, đó là cơ chế quản lý yếu kém đang khiến người dân phải chịu nhiều rủi ro, thiệt hại.
Cũng phát biểu về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), từng là giám đốc một bệnh viện, bảy tỏ sự bức xúc cùng với đông đảo người dân phải chịu cảnh xếp hàng chờ nguồn nước sạch, giữa thủ đô văn minh, thời đại văn minh, mọi người vẫn phải chứng kiến sự cố nước nhiễm bẩn trầm trọng như thế là không thể chấp nhận được.
Ông cho rằng, hoạt động cung cấp nước sạch hiện nay rất đáng lo. Nguồn nước cung cấp và bán cho dân không đảm bảo, không an toàn.
Vị ĐBQH nhận xét, kẻ đổ dầu thải vào nguồn nước là tội tác. Ông Nguyễn Anh Trí cũng không hài lòng trước công tác xử lý chậm, không triệt để. Đơn cử việc có phương tiện hỗ trợ cấp nước sạch cho dân là xe rửa đường, khiến nước bẩn, có mùi tanh và dân lại phải đổ đi.
“Như vậy là giải quyết mang tính tình thế, chưa thực sự vì sức khỏe nhân dân và chưa có trách nhiệm cao”, ông Nguyễn Anh Trí cho biết.
Về trách nhiệm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị làm rõ lỗi và cá thể hóa trách nhiệm từng cá nhân chứ không thể nói chung chung. Ngoài ra, ông đề xuất phải nhanh chóng tìm nguồn nước sạch cho dân, cần thiết thì làm một hệ thống đường dẫn nước từ ngay giữa lòng hồ sông Đà, chuyển lên xử lý sạch rồi mới cung cấp chứ không thể để dân chịu khổ mãi như vậy được.