Vụ ô nhiễm nước sông Đà: Chủ tịch công ty có dầu thải nói gì?

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, ông Nguyễn Đức Truyền, xác nhận số dầu thải được đổ ra nguồn nước sạch sông Đà có nguồn gốc từ công ty mình.
Sputnik

Liên quan đến vụ đổ dầu thải ra nguồn nước sạch sông Đà, tính đến nay, cơ quan công an đã xác định được ba nghi phạm trong vụ án này. Họ gồm: Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại (cùng trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (trú tại Văn Quan, Lạng Sơn), theo PLO.

Theo lời khai ban đầu của Lý Đình Vũ, người được xác định là chủ mưu trong việc xả thải, số dầu thải (khoảng 10 m3) được các đối tượng lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) rồi đổ tại khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Vụ ô nhiễm nước sông Đà: Chủ tịch công ty có dầu thải nói gì?

Trưa 21-10, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, xác nhận số dầu thải trên có nguồn gốc từ công ty mình.

Vụ ô nhiễm nước sông Đà: Ai phải chịu trách nhiệm?
Hiện tại, công ty đã xác định được người đưa dầu thải cho nhóm của Vũ là một nam nhân viên tên Chung. Cơ quan công an cũng đã làm việc với người này.

Theo ông Truyền, do đặc thù kinh doanh, công ty ông thường xuyên thải ra một lượng dầu thải lớn từ máy ép, máy nâng… Số dầu này được gom lại và thuê công ty có tên là Môi trường xanh xử lý.

Tuy nhiên, ngày 6-10, nhân viên tên Chung đã lén lút tuồn số dầu thải (khoảng 10 m3) cho Vũ, sau đó nhóm của Vũ xả thải ra môi trường.

PV đặt câu hỏi liệu có sự mâu thuẫn ở đây không, khi bình thường công ty phải bỏ tiền thuê đơn vị khác xử lý dầu thải, nhưng trong vụ án trên, nam nhân viên lại lén lút đưa dầu thải ra ngoài. Việc làm này không mang lại lợi ích gì cho nhân viên đó?

Trả lời vấn đề này, ông Truyền đặt giả thiết có thể số dầu được tuồn ra ngoài để mang đi tái chế, nếu vậy nam nhân viên kia sẽ được hưởng lợi. Sau khi mang về Hưng Yên tái chế, số còn lại được các đối tượng mang lên Hòa Bình để xả thải.

Chủ Công ty nước sạch sông Đà, đại gia trẻ 8X bí ẩn là ai?
Ông Truyền cam đoan công ty của mình không bao giờ có chủ trương đưa dầu thải tới các đầu mối nhỏ lẻ, mà toàn bộ đều được gom lại, chờ công ty Môi trường xanh đến lấy rồi mang đi xử lý. Đơn vị sẽ không dung túng với những hành vi tương tự, gây độc hại tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Đáng chú ý, ông Truyền bác bỏ thông tin cho rằng có một giám đốc của công ty tên Trang thuê Vũ đổ dầu thải. Ông khẳng định điều này là không chính xác, vì công ty không có giám đốc nào tên Trang.

Trước đó, theo thông tin xác minh ban đầu từ phía côn an, ngày 6-10, nhóm đối tượng lái xe tải từ Bắc Ninh đến công ty gạch nói trên để nhận 10 thùng chứa khoảng 10 m3 dầu thải, sau đó di chuyển về Hưng Yên, gửi xe và hàng tại đây.

Đến ngày 8-10, Đại, Thám và Vũ điều khiển hai ô tô từ Hưng Yên tiếp tục vận chuyển các thùng chất thải đến địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình và tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý ô nhiễm nước sông Đà: Sao nước bẩn mà vẫn bán cho dân?

Từ kết quả xác minh ban đầu này, lần theo cung đường dầu thải, tạm tính theo bản đồ giao thông số, thấy một số điểm bất thường. Cụ thể, từ điểm nhận dầu thải, Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) đi thẳng tới Nhà máy nước Viwasupco (Hòa Bình) chỉ khoảng 71 km với thời gian di chuyển 1 giờ 46 phút.

Tuy nhiên, các đối tượng đã mất công thuê xe, chạy không tải từ Bắc Ninh lên Phú Thọ với khoảng cách 124 km, 2 giờ chạy liên tục để nhận số chất thải này, rồi từ Phú Thọ chở hàng chạy ngược lại 119 km về Hưng Yên gửi xe, để rồi hai hôm sau mới từ Hưng Yên chạy tiếp 81 km với hơn 1 giờ 30 phút đi đường để đưa dầu thải tới Hòa Bình, lén lút trút xả rồi bỏ trốn.

Thảo luận