“Thiếu đặc trưng quốc gia”
Ông Kim chê khu nghỉ dưỡng Diamond Mountain thậm tệ, phê bình rằng cơ sở vật chất ở đây tồi tàn và thiếu đặc trưng quốc gia. Cho rằng chính sách du lịch quốc tế của Bắc Triều Tiên trước đó quá phụ thuộc vào quốc gia miền Nam, nhà lãnh đạo ra lệnh phá các khách sạn và cơ sở vật chất do Hàn Quốc xây dựng ở đây, đặc biệt là toà Haegumgang và tuyên bố Triều Tiên sẽ tự mình xây dựng lại khu du lịch này một cách xứng đáng.
Thế mà Haegumgang chính là khách sạn từng vang bóng một thời đến 8 năm ở TP Hồ Chí Minh với tên gọi tắt là Khách sạn nổi Sài Gòn.
Khách sạn 5 sao trên mặt biển
Ý tưởng xây dựng khách sạn nổi là của ông Doug Tarca, chủ công ty xây dựng ở thành phố Townsville (Úc). Sau khi cân nhắc tính toán kỹ về ưu thế tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ môi trường, nhà Tarca quyết định xây khách sạn nổi thay vì phải ủi đất, xây nhà trên đất liền. Năm 1986, bản thiết kế hoàn tất và phần thực hiện do công ty Singapore đảm trách với chi phí 55 triệu đô la Úc.
Đây là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới, dài 89 mét, đóng tại Singapore và hoàn thiện vào năm 1988, gồm 7 tầng với 201 phòng đủ tiêu chuẩn 5 sao, có phòng tập thể dục, sân tennis, hồ bơi hiện đại. Ngoài ra, khách sạn có 400 nhân viên được đào tạo bài bản.
Thời hoàng kim của khách sạn nổi ở TP Hồ Chí Minh
Năm 1989, Tập đoàn EIC Development Company (Nhật Bản) mua lại công trình và đưa về cho khai trương hoạt động tại TP Hồ Chí Minh với sự quản lý và vận hành của Công ty Australia’s Southern Hotels. Khách sạn được phép neo ngay trên mặt sông Sài Gòn, ở trung tâm quận I và nằm ngay bên đường Tôn Đức Thắng.
Những năm đầu thập kỷ 90, khách sạn nổi Sài Gòn từng được coi là một biểu tượng kinh doanh du lịch của thành phố, nơi vui chơi đẳng cấp của dân TP. HCM.
Tuy nhiên, đến năm 1997, hàng loạt khách sạn cao cấp ở trung tâm thành phố được nâng cấp hoặc xây mới hoành tráng như Continental, Majestic, Rex, New World... Và trong cuộc đua tranh như vậy, vị thế của Khách sạn nổi Sài Gòn bắt đầu lu mờ.
Thêm vào đó, dư luận thấy khá chướng vì toà khách sạn đồ sộ án ngữ ngay vị trí cửa ngõ trung tâm thành phố và có nhiều ý kiến yêu cầu di dời. Sau 2 năm kinh doanh tuột dốc, chủ đầu tư quyết định sang nhượng toà khách sạn này cho Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) với giá 18 triệu USD.
Ngày tàn của khách sạn nổi
Tháng 4 năm 1997, khách sạn nổi từ giã TP.HCM “về nơi sản xuất” là Singapore, được đổi tên thành Haegumgang, rồi được kéo vượt qua 5.000 km đường biển đến Bắc Triều Tiên.
Đã từng có thời, trong những chuyến thăm đoàn tụ hai miền Triều Tiên, khách sạn Haegumgang được dùng làm điểm lưu trú của các gia đình Hàn Quốc tới đó gặp gỡ thân nhân sống ở miền Bắc Triều Tiên. Trong một thập niên các tour du lịch đoàn tụ này đã đem lại cho Bắc Triều Tiên nguồn thu hàng triệu USD.
Tuy nhiên, năm 2008, phía Seoul đã ngừng các tour du lịch tới khu nghỉ dưỡng Diamond Mountain sau khi xảy ra vụ lính biên phòng Bắc Triều Tiên bắn chết một nữ du khách Hàn Quốc.
Từ năm 2008, Haegumgang nằm im trên bến cảng Changjon, ngừng vận hành mà cũng không ai đưa nó đi đâu khác.
Phán xét của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là lời khai tử cho công trình khách sạn nổi này.