Ông Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng CHXHCN Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã dự các Hội nghị cấp cao này. Trong diễn biến của hai Hội nghị có một nội dung chung được nêu, đó là vấn đề Biển Đông.
Ấn Độ chia xẻ quan ngại về Biển Đông và tán thành lập trường nguyên tắc của ASEAN
Các lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ ghi nhận quan hệ kinh tế giữa hai bên đang tiến triển rất tích cực, thể hiện ở các chỉ số như kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2018 đạt gần 81 tỉ USD và FDI từ Ấn Độ sang các nước ASEAN đạt 1,7 tỉ USD. Hợp tác được đẩy mạnh toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đem lại những lợi ích thiết thực cho cư dân và doanh nghiệp.
ASEAN hoan nghênh Ấn Độ triển khai Chính sách Hành động hướng Đông, ghi nhận ý nghĩa của việc New Delhi tích cực ủng hộ vai trò trung tâm cũng như nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng của Hiệp hội.
Khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Ấn Độ dành cho ASEAN, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh rằng ASEAN có vị trí ở trung tâm Chính sách Hành động Hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của New Delhi. Ông cam kết tích cực ủng hộ Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Thông qua Hội nghị Cấp cao lần này, ASEAN-Ấn Độ nhất trí tiếp tục cùng nhau nỗ lực phối hợp thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Đáng chú ý là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, nơi đã diễn ra hoạt động quân sự hóa và những hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển. Ông Narendra Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ ủng hộ lập trường của ASEAN, kêu gọi các bên hữu quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ủng hộ các nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông phù hợp với pháp lý quốc tế.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nghiệp duy trì đảm bảo an ninh và ổn định trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh tâm thế thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo tồn Biển Đông là vùng biển hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Việt Nam nhắc lại quan điểm rõ ràng nhất quán về Biển Đông
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, các thành viên tham gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Hiệp hội và Trung Quốc trong sự nghiệp củng cố nền hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Các nhà lãnh đạo khẳng định nỗ lực đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, trong đó tiến tới sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông có hiệu lực hiệu quả, tương ứng với luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC, cùng nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liền lại đây và cũng là nhà đầu tư chủ chốt của ASEAN. Hai bên nhấn mạnh đề cao chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tự do hoá thương mại-đầu tư và củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật pháp, nỗ lực đóng góp hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đúng thời hạn đề ra.
Phát biểu tại hội nghị Cấp cao này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các nhà lãnh đạo về những tiến triển trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. ASEAN luôn coi trọng vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh và ổn định để hợp tác phát triển khu vực thịnh vượng. Việt Nam ủng hộ việc định tính năm 2020 là năm hợp tác kinh tế số ASEAN-Trung Quốc.
Nói về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới và không gian an ninh, phát triển của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của mọi quốc gia.
Ông nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp.
Thủ tướng Việt Nam khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để tái diễn những hành động trái với luật pháp quốc tế, cùng phấn đấu tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tháo gỡ hoá giải khác biệt bằng biện pháo hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông có hiệu quả hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Kết thúc Hội nghị, hai bên nhất trí thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc về Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh; Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Tăng cường trao đổi và hợp tác truyền thông; Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về gắn kết Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).