Một trong những hậu quả nguy hiểm nhất của hiệu ứng nhà kính do ô nhiễm không khí là mực nước biển dâng cao và nước băng tan có thể nhấn chìm các khu vực ven biển, phá hủy cơ sở hạ tầng và gây hại cho ngành nông nghiệp, cuối cùng dẫn đến di cư, tái định cư của rất nhiều người.
Các nhà khoa học cho rằng, trong thế kỷ XXI, mực nước biển có thể sẽ dâng thêm từ 60cm tới 2m. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào lượng chất ô nhiễm mà loài người thải vào khí quyển, cũng như vào việc các sông băng nằm ở vùng núi, ở Greenland và đặc biệt là ở Nam Cực sẽ tan chảy với tốc độ nào. Dự đoán vị trí và thời gian mực nước biển dâng cao dẫn đến lũ lụt và tạo nguy cơ bị nhấn chìm là rất quan trọng để lập kế hoạch phát triển vùng ven biển và tính toán lượng khí thải tối ưu vào khí quyển. Để lập dự báo, cần phải không chỉ đánh giá sự gia tăng mực nước biển trong tương lai mà còn so sánh nó với độ cao mặt đất. Ở Hoa Kỳ, Úc và một số vùng Châu Âu, các chuyên gia sử dụng công nghệ viễn thám LiDAR (Light Detection And Ranging) để khảo sát đối tượng từ xa bằng các loại tia laser và tạo địa hình kỹ thuật số, có sử dụng các thiết bị laser gắn trên máy bay, trực thăng hoặc UAV. Điều đó cho phép thu thập dữ liệu địa hình rất chính xác với sai số 1cm.
Nhưng, công nghệ này rất đắt tiền, và kết quả không thể được công bố công khai. Hiện nay, phương pháp được sử dụng nhiều nhất cho các mục đích nghiên cứu là dữ liệu của SRTM (nghiên cứu địa hình bằng tàu con thoi) do NASA phối hợp với Cơ quan lập bản đồ và hình ảnh quốc gia Mỹ thực hiện vào năm 2000, bao trùm hơn 90% bề mặt đất liền. Nhưng, những dữ liệu này có độ phân giải thấp và những sai sót đáng kể trong việc xác định độ cao của phù điêu. Tổ chức khoa học của Hoa Kỳ mang tên Climate Central đã phát triển phương pháp mới bằng cách sửa chữa những sai sót của SRTM thông qua mạng lưới thần kinh. Một mô hình cải tiến cho thấy rằng, độ cao của nhiều vùng đất ven biển trên thế giới là thấp hơn đáng kể so với dự đoán trước đây, và nguy cơ bị nhẫn chìm là cao gấp ba lần so với trước đây. Theo CoastalDEM, đến năm 2050, mực nước biển dâng sẽ đẩy mức ngập lụt ven biển trung bình hằng năm tăng cao, gây ngập cho các khu vực hiện có tới 300 triệu người sinh sống. 75% những người này là cư dân của tám quốc gia châu Á: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Nhật Bản. Thủ đô và các thành phố lớn nhất của các quốc gia này có nguy cơ bị nhấn chìm trong tương lai. Theo bản đồ của CoastDEM, miền Nam Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh, có thể gần như "biến mất", mà đây là lãnh thổ với một phần tư dân số Việt Nam. Vào cuối thế kỷ XXI, khoảng 200 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường.
Các tác giả của bài báo không tuyệt đối hóa những dự báo đáng sợ này, và lưu ý rằng, khi tạo ra địa hình kỹ thuật số, họ đánh giá mật độ dân số theo dữ liệu năm 2010, không tính đến chiều cao các đập nước, không xem xét những kịch bản khí hậu khác nhau, kết quả hoạt động kinh tế xã hội của con người và những đặc điểm trong chính sách di cư. Bài báo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khảo sát khu vực với độ chính xác cao hơn và độ phân giải cao hơn, làm rõ hơn dữ liệu nhân khẩu học, dữ liệu về vị trí, chiều cao và tình trạng của các đập ven biển cũng như cải thiện mô hình mực nước biển và thủy triều toàn cầu.
Chuyên gia Andrei Medvedev, Trưởng Phòng Bản đồ, Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, không đồng ý với kết luận của các nhà khoa học Mỹ:
“Dữ liệu SRTM được sử dụng để tạo ra mô hình kỹ thuật số CoastalDEM có sai số rất lớn - cả vài mét, vì thế không thể rút ra những kết luận như vậy trên cơ sở đó, đặc biệt là ở những khu vực có thảm thực vật dày đặc và phát triển dân cư. Rốt cuộc, dữ liệu chính xác là điều quan trọng nhất! Ở các khu vực ven biển có mật độ dân số cao, sai số tính bằng centimet trong mô hình độ cao kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến hàng trăm mạng. Và nếu sai số tính bằng mét hoặc độ phân giải quá thấp, thì sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người. Nói chung, loại mô hình này chỉ có thể được tạo ra trên cơ sở dữ liệu có độ chính xác cao được thu thập có sử dụng công nghệ viễn thám LiDAR . Không thể rút ra kết luận về việc nhấn chìm các vùng lãnh thổ rộng như thế trên cơ sở phương pháp với độ phân giải thấp và rất nhiều sai số”.
Chuyên gia Stanislav Kutuzov, Trưởng khoa sông băng của Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thành viên Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu tại Liên Hợp Quốc, cho rằng, mục đích của cuộc nghiên cứu này là thu hút sự chú ý đến một vấn đề lớn - mối đe dọa toàn cầu từ mực nước biển dâng và lũ lụt ven biển. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, nhà khoa học cho biết:
“Hiện có nhu cầu khẩn cấp về việc nghiên cứu địa hình với độ chính xác cao tại các khu vực ven biển. Đây là nhiệm vụ của chính phủ các nước được nêu trong bản báo cáo để xác định rủi ro mà hiện nay có thể bị đánh giá quá thấp. Dữ liệu toàn cầu, như mọi khi, luôn chứa lỗi. Trên thực tế, nhiệt độ đang tăng lên ở khắp mọi nơi, sông băng đang tan chảy, lượng nước trong đại dương ngày càng tăng, và mối đe dọa lũ lụt ven biển đang gia tăng. Theo tôi, con số được nêu trong cuộc nghiên cứu - 1 tỷ người sẽ phải đối mặt với mối đe dọa lũ lụt nếu lượng khí thải đạt mức cao nhất và các sông băng tan chảy với tốc độ nhanh nhất chỉ là phỏng đoán. Nhưng, dữ liệu này sẽ khiến chính phủ suy nghĩ nghiêm túc về việc tiến hành các nghiên cứu khu vực và phát triển các biện pháp bảo vệ chống lũ lụt và thủy triều, cũng như chuẩn bị các phương án khẩn cấp di dời hàng nghìn người dân ra khỏi vùng nguy hiểm”.