Bộ Tài Chính yêu cầu Hà Nội loại chi phí lãi vay khi tính giá nước sạch sông Đuống
Bộ Tài chính cho rằng, do dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định các mức chi phí cụ thể. Vì vậy, Bộ Tài chính nhất trí với nguyên tắc xác định mức giá tạm tính do UBND TP Hà Nội đề xuất. Đồng thời, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí đi vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hóa vào giá trị tài sản thì đã tính toán trong nguyên giá để tính khấu hao.
Vì vậy, Bộ Tài chính yêu cầu khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.
Về việc cấp bù cho các đơn vị lưu thông (bán lẻ) và đơn vị sản xuất (bán buôn), Bộ tài chính đề nghị Hà Nội thực hiện đúng theo quy định lại Luật Ngân sách nhà nước.
“Đối với việc cấp bù cho đơn vị bán lẻ, căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 của điều 3, Thông tư số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT, trường hợp phát sinh cấp bù từ ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đề nghị Hà Nội tính toán đúng nguyên tắc quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống. UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định”, Bộ cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc sớm rà soát, điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đảm bảo phân kỳ 2 của dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Nước sông Đuống quá đắt đỏ, Hà Nội nói không ưu ái, không lợi ích nhóm?
Tại buổi họp báo này, trả lời báo chí về việc vì sao giá nước sạch sông Đuống lại cao hơn mặt bằng giá nước sạch do các công ty khác sản xuất? Tại sao mỗi năm TP Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch cho Công ty nước mặt sông Đuống?
Giải đáp vấn đề này, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết:
“Nhà máy nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến đến mức có thể uống được nước tại vòi. Các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra để đảm bảo nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”.
Vị này cho rằng việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ" cụ thể đó là: Chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%.
“Trên cơ sở tính toán của liên Bộ, thì nước sạch sông Đuống có giá tạm tính 10.246 đồng/m3. Mức này chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức”, ông Hà khẳng định.
Trả lời trước báo giới về thông tin hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch sông Đuống vì giá nước sạch sông Đuống cao hơn, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định đến thời điểm này chưa xác định được giá nước sạch sông Đuống (mới tạm tính giá) vì dự án chưa được quyết toán.
Ông Hà khẳng định: “TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan”, VOV trích lời Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội phân trần.
Về câu hỏi trước khi Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 tổ chức khánh thành, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng đã có văn bản số 447/GĐ-GĐ3 gửi TP Hà Nội có nêu nhiều nội dung công trình có nhiều hạng mục không đạt tiêu chuẩn, chưa được nghiệm thu và từ đó nêu đề xuất Hà Nội cần xem xét lại việc tổ chức khánh thành.
Đáng chú ý, tại nghị trường, nhiều đại biểu quốc hội đã lo ngại về việc bán cổ phần Nhà máy nước mặt sông Đuống cho một tỷ phú Thái Lan. Dư luận cũng cho rằng, Hà Nội đã ưu ái nhà đầu tư rất nhiều, nhưng vừa làm xong, họ đã bán đi, làm sai lệch chủ trương của thành phố mà cũng không có bất cứ ý kiến chỉ đạo nào.
Giá nước sạch sông Đuống quá cao: Các bên đều có lợi?
Trả lời Tuổi trẻ về vấn đề, giá nước sạch sông Đuống được thành phố ưu ái, bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống cho biết:
“Chúng tôi không được ưu đãi gì cả. Nếu nói đúng ra, đáng lẽ khi Hà Nội mời chúng tôi đầu tư thì phải ưu đãi về đất khi làm dự án, nhưng thực tế thì công ty chúng tôi đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, phải tự mang tiền đi trả cho người dân để có mặt bằng làm dự án. Vì vậy, đây là dự án chúng tôi tự hào vì còn giá trị cho nhiều đời sau mới có thể đánh giá hết được. Còn giá 10.246 đồng là giá TP Hà Nội tạm tính để chúng tôi có điều kiện để thực hiện vay ngân hàng. Với giá đó, tổng mức đầu tư của dự án là gần 5.000 tỉ đồng, các nhà tư vấn đã tính toán rất kỹ cùng với thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thì mới ra được giá 10.246 đồng”.
Ngoài ra, bà Liên cho biết, hiện vẫn chưa thi công xong đường ống, vừa rồi mới chỉ khánh thành nhà máy chứ không phải là đã xong toàn bộ cả tuyến ống của giai đoạn I. Vì chưa xong, nhưng phía doanh nghiệp này đã mời kiểm toán vào làm, còn Sở Tài chính thì chưa vào, vì phải có sự quyết toán của Sở Tài chính Hà Nội thì mới biết giá chính thức.
Bà Đỗ Thị Kim Liên nhấn mạnh, Hà Nội tạm tính cho Sông Đuống hơn 10.000 đồng/m3 thì đã tính tất cả các chi phí, chỉ cho Sông Đuống lợi nhuận chút ít để trả lãi cộng với vận hành nhà máy.
“Khi kinh doanh thì đương nhiên có lợi nhuận để duy trì công ty hoạt động. Đương nhiên khi Hà Nội định ra giá tạm tính 10.246 đồng thì chúng tôi có lợi nhuận chứ không phải không có, nhưng lợi nhuận vừa đủ để chúng tôi cảm thấy vui vẻ”, bà Liên nói.
Tổng Kiểm toán Nhà nước lên tiếng về giá nước sạch sông Đuống
Trao đổi về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, nước liên quan đến cộng đồng, ảnh hưởng tới đời sống đông đảo nhân dân, là tài nguyên chung của quốc gia nên nếu có kiểm toán để minh bạch được giá nước là điều tốt.
“Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện nay theo luật pháp, đối tượng Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán được quy định trong luật phải liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Đối với đầu tư tư nhân, doanh nghiệp tư nhân tự bỏ vốn 100% thì nằm ngoài phạm vi làm việc của Kiểm toán Nhà nước”, Tổng Kiểm toán nhà nước trao đổi với PV báo Lao Động.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, hiện Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể thực hiện kiểm toán với các công trình của nhà nước giao cho tư nhân thực hiện. Những công trình đó được hoàn trả cho nhà nước sau một thời gian và doanh nghiệp tư nhân được một phần lợi sau khi hoàn thành và giao lại cho nhà nước.
“Đối với các công ty nước tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể kiểm toán trong lĩnh vực môi trường như việc cấp phép nước hay nước có đảm bảo chất lượng hay không. Còn lại, về chi phí đầu tư, xây dựng thì Kiểm toán Nhà nước lại đang không “vào” được”, ông Phớc khẳng định.
Hà Nội mua nước sông Đuống giá đắt đỏ, lỗ vẫn làm là rất vô lý
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, ông chưa từng gặp trường hợp dự án đầu tư nào mà người dân “gánh” chi phí lãi vay tương đối lớn cho doanh nghiệp như dự án này.
“Vấn đề đặt ra là hoạt động tài chính của họ có lành mạnh hay không, cần chứng minh giá này là hợp lý. Hiện không có ai có cơ hội, khả năng xem sổ sách của họ nên cần ban kiểm toán, kiểm toán nhà nước xem chi phí có minh bạch, có hợp lý hay không để đưa ra giá nước tạm tính này”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo vị chuyên gia, nếu ở nền kinh tế thị trường thật sự giá là điểm cân bằng giữa cung và cầu nhưng mặt hàng nước ở Hà Nội không ở nền kinh tế thị trường hoàn hảo mà bị méo mó đi.
GS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ với báo Dân Trí về vấn đề này và nhìn nhận vụ Hà Nội mua giá nước nhà máy sông Đuống cao hơn hẳn nhà máy khác là bất hợp lý.
Chuyên gia Bình nhận xét: “Đó là sự bất hợp lý. Chưa kể theo chuyên gia này, giá bán buôn nước sạch không được vượt hơn giá bán lẻ hiện hành”.
Cũng theo vị chuyên gia này, phải xem xét quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống, xem quy mô đầu tư bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu, có bảo lãnh không. Trong đó, cần lưu ý việc làm rõ Hà Nội có tổ chức đấu thầu hay không mà để mức giá nước tăng quá cao bất hợp lý như vậy.
“Cũng cần làm phương án thu hồi vốn nhà máy này ra sao. Công trình của anh bao nhiêu thì thu hồi vốn. Kinh doanh không thể có chuyện ăn chắc được, bất kỳ dự án nào cũng xác định phải lỗ thời gian đầu chứ làm sao có chuyện năm nay làm năm sau tính lãi luôn” được. Không thể “đổ” hết lên đầu người dân gánh được, vì có cấp bù thì cũng lấy từ tiền ngân sách ra chứ từ đây được?”, ông Bình nêu vấn đề.