Diễn đàn Bộ trưởng Văn hoá UNESCO thu hút sự tham gia của khoảng 140 Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng đoàn các quốc gia thành viên UNESCO.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn, nơi các nhà lãnh đạo văn hoá của các quốc gia cùng chia sẻ những ưu tiên trong chính sách văn hoá của quốc gia mình, đề cao vai trò của văn hoá như một động lực và chất xúc tác cho phát triển bền vững, phản ánh và trực tiếp giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững được xác định tại Chương trình nghị sự 2030 thực hiện các Mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Trong ngày làm việc của Diễn đàn, các Đại biểu tập trung thảo luận 4 chủ đề chính, gồm: Văn hoá và di sản, năng lượng tái tạo cho đối thoại và hoà bình; Văn hoá ở nơi trái tim của giáo dục, một khuôn khổ căn bản cho sự phát triển và tiến bộ của loài người; Đầu tư vào văn hoá và sáng tạo vì sự phát triển bền vững và tạo việc làm; Văn hoá trong không gian công cộng, một động cơ cho chuyển đổi xã hội và đô thị.
Tại phiên thảo luận 3 về “đầu tư cho văn hoá và sáng tạo vì sự phát triển bền vững và tạo việc làm”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu khẳng định đối với Việt Nam, văn hoá nói chung và sáng tạo nói riêng được xem là nguồn lực chính cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành Chiến lược Phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 trong đó nhấn mạnh yếu tố sáng tạo là trọng tâm của sự phát triển văn hoá, từ đó lan toả và truyền cảm hứng cho các lĩnh vực khác của xã hội, đáp ứng những mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Diễn đàn Bộ trưởng Văn hoá UNESCO được tổ chức lần này có tầm quan trọng sánh ngang với các hội nghị đã có về văn hoá trong lịch sử của UNESCO như Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hoá (Mexico, 1982), Hội nghị Liên chính phủ về Chính sách văn hoá (Stockholm, Thuỵ Điển, 1998) và Hội nghị Liên chính phủ về “Văn hoá bao trùm: Tài chính, Nguồn lực và Kinh tế văn hoá trong phát triển bền vững” (Florence, Italia, 1999).
Những diễn đàn này đã huy động mạnh mẽ sự tham gia của các quốc gia thành viên và đã tạo ra những tiến bộ mang tính quyết định, góp phần khẳng định UNESCO là một tổ chức văn hoá trên quy mô toàn cầu.