Những vấn đề rắc rối khi thay đổi số CMND
Ở Việt Nam, kể từ ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực (1.1.2016), hiện tại có ba loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số và thẻ căn cước công dân.
Hiện, việc cấp thẻ Căn cước công dân đã được triển khai ở nhiều địa phương và theo lộ trình, chậm nhất từ ngày 01.01.2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
“Đồng thời, các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2019”, Điều 38 Luật Căn cước công dân nêu rõ.
Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật, bắt đầu từ ngày 01.01.2020, việc cấp thẻ Căn cước công dân sẽ được thực hiện trên cả nước. Khi làm thủ tục cấp đổi CMND hết hạn hoặc trường hợp CMND bị mất thì người dân sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân, thay vì CMND.
Tuy nhiên, đã ba năm trôi qua kể từ thời điểm Luật có hiệu lực. Hiện có rất nhiều người phản ánh bản thân gặp nhiều khó khăn, rắc rối liên quan đến giấy tờ tùy thân khi giao dịch tại ngân hàng, sở thuế, văn phòng công chứng, đặc biệt là những trường hợp đã thay số CMND nhiều lần.
Theo lời kể của anh N.X.Trung (27 tuổi, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh vừa mất toàn bộ giấy tờ tùy thân gồm CMND và thẻ ngân hàng. Sau khi được cấp thẻ Căn cước công dân thay thế cho CMND, anh Trung đến ngân hàng làm thủ tục xin cấp lại thẻ đã mất. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh phải xuất trình được CMND cũ hoặc bản photo mới có thể làm thủ tục vì thông tin cá nhân mở tài khoản ngân hàng của anh được đăng ký bằng số CMND trước đây.
“Điều này là rất vô lý khi tôi bị mất giấy CMND mới phải đi làm lại thẻ căn cước mà họ lại yêu cầu tôi phải xuất trình CMND hoặc có bản photo CMND cũ. Tôi phải về nhà lật hết giấy tờ sổ sách để tìm kiếm nhưng không còn bản photo nào, may mắn sau đó tôi lên cơ quan đang làm việc xin kiểm tra hồ sơ ở đó và tìm được 1 bản photo CMND cũ. Không hiểu nếu không tìm thấy bản photo đó, họ sẽ giải quyết cho tôi thế nào”, anh Trung chia sẻ với VTC News cho biết.
Cũng gặp phải những rắc rối không mong muốn khi đổi từ CMND cũ sang thẻ căn cước mới, ông B.Đ.Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể lại chuyện bản thân phải rất khó khăn khi đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng, ông Sơn không được tất toán vì số căn cước công dân hiện tại của ông khác với số CMND cũ.
“Khi ra rút tiền, nhân viên nói vẫn biết đúng là tôi nhưng họ không thể giải quyết được. Để rút được tiền, tôi phải về công an phường nơi tôi cư trú xin xác nhận việc tôi đã đổi CMND”, ông Sơn tỏ ra rất bức xúc.
Trường hợp đã thay đổi CMND và thẻ căn cước nhiều lần còn phức tạp và vất vả hơn. Chị Vũ Thị Hằng chuyển từ quê lên mua nhà sinh sống tại Hà Nội 10 năm nay. Chị kể, do có hộ khẩu mới nên quyết định thay CMND sang thẻ căn cước công dân ở Hà Nội. Theo lời chị Hằng, đây là lần thứ ba chị thay đổi giấy tờ tùy thân ngoài 2 CMND cũ trước đây.
Chị Vũ Thị Hằng kể, gần đây chị muốn được vay vốn ngân hàng và dùng nhà đất để thế chấp. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, ngân hàng lại đối chiếu giấy tờ kết hôn của chị và chồng lại ghi số CMND đầu tiên. Ngân hàng không làm thủ giải quyết cho chị mà yêu cầu phải có xác nhận số CMND cũ với thẻ căn cước công dân hiện tại từ cơ quan công an.
Khi về quê để nhờ cơ quan công an xác nhận CMND cũ thì chị Hằng lại gặp nhiều khó khăn vì đã đổi số CMND 2 lần và không còn lưu giữ. Cuối cùng, người phụ nữ phải từ bỏ ý định thế chấp căn nhà để vay vốn ngân hàng vì không thể hoàn tất thủ tục.
Xin xác nhận của cơ quan công an về CMND cũ không hề đơn giản
Luật sư Diệp Đăng Bình, trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, ngoài những rắc rối phát sinh từ việc người dân có thêm một số CMND mới, việc cấp CMND theo quy định mới của Bộ Công an cũng gây nhiều phiền toái.
Theo thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16/5/2012 quy định về mẫu CMND, CMND mẫu cũ 9 số sẽ được thay bằng mẫu mới 12 chữ số. Thông tư này cũng quy định, CMND cũ (9 số) nếu vẫn còn thời hạn thì vẫn còn giá trị sử dụng. Nếu người dân có nhu cầu đổi thì sẽ thực hiện theo thông tư mới.
Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh rất được người dân quan tâm, đó là rất nhiều giấy tờ của người dân đều mang số CMND cũ (đăng ký xe, tải khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…), và việc này sẽ được giải quyết thế nào nếu đổi sang CMND mới.
Để có thể sử dụng giấy tờ, bằng cấp với số CMND cũ, cũng như thực hiện các giao dịch được thiết lập trước đó với cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo hướng dẫn của ngành công an, khi làm thủ tục đổi CMND mới, người dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp thêm giấy xác nhận số CMND cũ.
Tuy vậy, thủ tục xin giấy xác nhận này cũng không đơn giản, phải chờ đợi, đi lại mất nhiều thời gian. Ngoài ra, với hàng loạt giấy tờ mang CMND cũ, người dân cũng phải thực hiện rất nhiều công việc liên quan.
Trong khi đó, nhiều cơ quan không những đòi hỏi chỉ trình giấy xác nhận, mà còn đòi giữ luôn bản chính (hoặc photo công chứng) để llàm bằng chứng xác minh người thực hiện giao dịch là người có số ghi trên CMND. Việc này càng gây thêm phiền toái, buộc người dân phải xin xác nhận nhiều lần, hoặc phải đi công chứng sao y.
“Để tạo điều kiện cho người dân, ngành công an cần trù liệu những rắc rối phát sinh và tạo điều kiện tối đa khi người dân có yêu cầu xác nhận giữa CMND cũ – mới. Tốt nhất là nên trao cho mỗi người dân một giấy xác nhận số cũ và số mới kèm theo. Người dân cũng có thể sao y bản chính lưu lại bản cũ để làm bằng chứng trước khi xin cấp đổi lại, liệu trù các tình huống để xin xác nhận số cũ và số mới khi đi làm CCCD”, luật sư Bình cho biết.
Bộ Công an ra quy định mới về chuyển từ CMND sang thẻ Căn cước công dân
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư số 40/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. Theo đó, thông tư này được áp dụng từ ngày 18.11.2019.
Trường hợp CMND còn rõ nét thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân. Khi trả thẻ Căn cước công dân mới cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó và trả cho người đến nhận thẻ Căn cước công dân. Nếu công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua bưu điện thì tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Trong trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND. Trường hợp công dân mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND 9 số đã mất.
Theo hướng dẫn trong Thông tư mới của Bộ Công an: “Trường hợp công dân làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân cấp huyện cần điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu mà việc điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện và công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân”.
Cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân cho bộ phận đăng ký, quản lý cư trú để thực hiện điều chỉnh cho công dân theo quy định. Sau khi điều chỉnh xong thì bộ phận đăng ký, quản lý cư trú chuyển lại sổ hộ khẩu đã được điều chỉnh cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.