Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Alexander Salitsky từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) nói lên ý kiến này khi bình luận về những nỗ lực mới của Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc. Ông gọi những hành động này là hoàn toàn vô vọng.
Hoa Kỳ cảnh báo rằng, dự án hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ không giúp Pakistan thu về lợi ích gì ngoài những khoản nợ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells đã tuyên bố như vậy khi phát biểu tại Trung tâm Woodrow Wilson vào ngày 21 tháng 11. Gợi ý cách giải quyết giúp Pakistan thoát khỏi tương lại u ám, Trợ lý Alice Wells đề nghị Pakistan nên hợp tác với Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ đề xuất những dự án tài trợ phát triển thay vì những khoản nợ, và sẽ khuyến khích các công ty tư nhân kinh doanh tại Pakistan. Bà Wells lưu ý rằng, các công ty Mỹ mang lại không chỉ vốn đầu tư mà cả những giá trị, chuỗi công nghệ và kinh nghiệm của Mỹ, được cho là có thể củng cố tiềm năng của nền kinh tế địa phương. Đồng thời, bà cho biết rằng, các công ty Mỹ như Uber, Exxon Mobil, PepsiCo và Coca-Cola rất quan tâm đến Pakistan.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Du Yukang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pakistan tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nhận xét rằng, Pakistan hiểu rõ hơn Mỹ về tính hiệu quả của hành lang kinh tế, còn Mỹ đang cố gắng làm mất uy tín các công ty Trung Quốc ở Pakistan là do nhu cầu tuyên truyền.
“Pakistan có thể đánh giá lợi ích của hành lang kinh tế này. Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở đã được xây dựng trong khuôn khổ dự án này, đã cải thiện đáng kể nguồn cung cấp năng lượng, nhiều khu vực được kết nối bằng đường bộ và toàn bộ cơ sở hạ tầng đã được cải thiện. Sự phát triển kinh tế của Pakistan cũng đã được cải thiện trong vài năm qua. Không có thông tin nào về việc Pakistan phải chịu bất kỳ tổn thất nào từ hành lang kinh tế Trung-Pakistan. Nhiều công ty Trung Quốc đang hợp tác với các công ty địa phương để cùng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Pakistan. Có bao nhiêu công ty Mỹ đang hoạt động ở Pakistan? Có thể nói rằng, ở nước này hầu như không có công ty Mỹ. Nếu Pakistan muốn hợp tác với các công ty Mỹ nhưng không biết tìm họ ở đâu, thì thật khó để cho rằng Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho sự phát triển của xã hội Pakistan. Do đó, lời tuyên bố của quan chức Mỹ chỉ phục vụ mục tiêu tuyên truyền.
Pakistan mời các quốc gia đầu tư và hợp tác, nhưng, các công ty Mỹ không đến nước này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể khởi động một dự án để khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào Pakistan, và Pakistan chắc chắn sẽ hoan nghênh dự án này. Đồng thời, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là một dự án mở, hoan nghênh sự tham gia của các bên thứ ba. Nếu Hoa Kỳ thực sự muốn phát triển quan hệ Mỹ-Pakistan, họ nên tập trung vào các công việc tại chỗ, thay vì trò chuyện về nội dung này ở khoảng cách xa hàng ngàn km để chê bai các công ty Trung Quốc đang nỗ lực tối đa để phát triển kinh tế và xã hội Pakistan”.
Những sự cố này xảy ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe) trong cuộc hội đàm hôm thứ Hai với người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper ở Bangkok, yêu cầu Hoa Kỳ ngưng “diễu võ dương oai” ở Biển Đông. Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ không “gửi tín hiệu sai lầm mới tới Đài Loan”. Trong khi đó, vào thứ Sáu, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tại Đài Loan đã gửi một tín hiệu như vậy đến các nhà chức trách trên đảo. Giám đốc Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan ông Brent Christensen bày tỏ sự lo ngại trước việc Trung Quốc mưu đồ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan vào ngày 11 tháng 1. Trên thực tệ, quan chức này ủng hộ các tuyên bố gần đây của chính quyền Đài Loan về những nỗ lực của Trung Quốc can thiệp vào quá trình bầu cử trên đảo.
Bình luận về những tuyên bố này, các phương tiện truyền thông phương Tây lưu ý rằng, dưới chính quyền mới đã lên nắm quyền vào năm 2016, Đài Loan đã mất bảy đồng minh ngoại giao. Bây giờ chỉ có 15 quốc gia duy trì quan hệ chính thức với hòn đảo.
Nhận xét về những nỗ lực của Mỹ để gây áp lực chính trị-quân sự lên Trung Quốc, chuyên gia Alexander Salitsky lưu ý:
“Áp lực lênTrung Quốc xuất phát từ một số nguồn tại Hoa Kỳ. Ở đây nói không chỉ về Tổng thống Trump, người đã phát động chiến dịch chống Trung Quốc với cuộc chiến thuế quan. Cuộc chiến chống Trung Quốc đang tiếp diễn mà không cần có sự tham gia trực tiếp của Tổng thống. Nhiều cơ quan và tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ bắt đầu tham gia chiến dịch này sau khi nhận được tín hiệu từ tổng thống. Trong tình huống này, Trung Quốc hiểu rõ ai là người bạn đáng tin cậy để tiến hành cuộc đối thoại bình đẳng. Ngoài ra, cộng đồng thế giới thấy rằng, Hoa Kỳ không chỉ thiếu một chiến lược mạch lạc, mà chỉ đơn giản không có một chính sách hợp lý trong quan hệ với Trung Quốc. Rõ ràng là Hoa Kỳ không thể đối phó với các nhiệm vụ địa chính trị của một cường quốc vĩ đại”.
Tuy nhiên, chuyên gia Nga cho rằng, trong vài tuần hoặc vài tháng tới trong quan hệ Trung-Mỹ có thể xảy ra những thay đổi tích cực nhất định bởi vì tiềm năng áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc đã cạn kiệt. Rõ ràng, đường lối chính trị hiện tại của Mỹ không có triển vọng. Trung Quốc thể hiện sự khôn ngoan và kiềm chế, và bằng cách này ép buộc Hoa Kỳ phải xây dựng lại đường lối chính trị của mình, nhà khoa học chính trị Nga nhận xét.