VinFast là xe Made in Việt Nam nhưng sao lại đắt ngang xe nhập?

VinFast vừa tuyên bố lỗ 300 triệu đồng trên mỗi chiếc xe ô tô bán ra. Vì sao VinFast là thương hiệu xe Việt Nam nhưng lại có giá thành đắt ngang xe nhập?
Sputnik

Liên quan đến những thắc mắc về chính sách giá của VinFast trong mùa mua sắm cuối năm vừa tăng giá, Phó Tổng Giám đốc thường trực VinFast bà Nguyễn Thị Vân Anh đã lên tiếng giải đáp.

VinFast công bố chi phí cấu thành giá bán xe ô tô

VinFast vừa lần đầu tiên công bố bảng cơ cấu giá thành bán các dòng xe của hãng trong văn bản trả lời câu hỏi của báo chí khiến rất nhiều khách hàng. Đáng chú ý, hãng này nhấn mạnh, với mức giá bán lẻ hiện nay, các mẫu xe VinFast đều đang phải bù lỗ lên tới 300 triệu đồng.

VinFast tài trợ 393 xe ôtô phục vụ các Hội nghị ASEAN năm 2020

Trong văn bản phản hồi thông tin báo chí liên quan đến chính sách giá của VinFast trong mùa mua sắm cuối năm vừa tăng giá, Phó Tổng Giám đốc thường trực Nguyễn Thị Vân Anh thừa nhận thương hiệu xe này đang làm điều chưa từng có khi đảm bảo chính sách kinh doanh của doanh nghiệp cuãng như thực hiện chiến lược trái với xu hướng thị trường.

“Đúng là VinFast đang đi ngược thông lệ thị trường khi công bố tăng giá bán xe Lux trong tháng 10 và tháng 11, nhưng chúng tôi chỉ đang kiên định thực hiện kế hoạch của mình, khi từng bước đưa giá xe về mức “3 không” như đã công bố (không chi phí khấu hao - không chi phí tài chính - không lãi)”, bà Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Theo lời Phó Tổng Giám đốc thường trực Nguyễn Thị Vân Anh, với giá bán các dòng xe hiện tại, hãng này vẫn đang phải bù lỗ rất nhiều cho mỗi sản phẩm bán ra.

“Nhưng bù lại, VinFast tự hào vì sản phẩm của mình đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và những khách hàng đầu tiên xứng đáng được sở hữu sản phẩm VinFast với giá tốt nhất”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.

Giá xe VinFast xuất xưởng giá bao nhiêu tiền?

Phó Tổng Giám đốc thường trực của VinFast cũng công bố công khai bảng tính giá chi tiết giá thành sản xuất cùng các khoản thuế, phí của ba mẫu xe hiện tại là Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil để báo giới và người tiêu dùng nắm được cơ cấu cũng như phương thức tính giá xe.

Theo bảng cơ cấu giá thành và chi phí mà doanh nghiệp này công khai, đối với mỗi chiếc xe Lux A2.0 bản tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại có “giá vốn” là 980,6 triệu đồng, trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm các chi phí như nguyên vật liệu, vận chuyển, thuế nhập khẩu, sản xuất, bảo hành, lưu kho, bán hàng, quản lý.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tự lái xe VinFast Lux SUV (Video)

Tuy nhiên, giải thích lý do vì sao giá xe bị đội lên cao khi bán ra, VinFast cho biết sản phầm phải gánh thêm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng). Với tổng cộng 412,1 triệu tiền thuế, giá xe thực tế (chính là giá 3 Không ở thời điểm hiện tại) bị đội lên mức 1,392 tỷ đồng.

Như vậy, với giá bán trên thị trường đang là 1,099 tỷ đồng, VinFast đang chịu lỗ gần 300 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux A2.0 bán ra, đồng thời vẫn đang hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với nhà nước giống như các hãng xe khác trên thị trường.

“Sở dĩ mức giá “3 không” của xe Lux A2.0 ở thời điểm hiện tại thấp hơn so với mức chúng tôi công bố khi ra mắt xe vào tháng 11/2018 (1,5 tỷ đồng, bao gồm VAT) là bởi chúng tôi đã nội địa hóa được nhiều linh kiện, đồng thời tối ưu hóa các quy trình sản xuất, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và chi phí quản lý sản xuất”, bà Nguyễn Thị Vân Anh thông tin.

Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc thường trực Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh, trong thời gian tới, dựa trên tình hình thực tế, VinFast sẽ có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cân bằng quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Theo dữ liệu mà VinFast công bố, tổng mức đầu tư vào nhà máy VinFast đến hết năm 2020 dự kiến đạt 97.408 tỷ đồng, trong đó số tiền đi vay là 86.254 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong kỳ đầu tư (tính đến 31.12.2020) là 6.465 tỷ đồng. Theo đó, hàng năm VinFast sẽ phải chịu khoảng 11.069 tỷ đồng là chi phí khấu hao và chi phí tài chính (lãi vay). Đặc biệt, toàn bộ chi phí này được tính vào lỗ hoạt động kinh doanh của VinFast.

VinFast là xe Made in Việt Nam nhưng sao lại đắt ngang xe nhập?

Giải đáp lý do vì sao VinFast lại công bố tất cả những chi phí được cho là “thông tin nhạy cảm và mang tính nội bộ của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ, từ trước đến nay, nguyên tắc “bất di bất dịch” mà lãnh đạo Tập đoàn Vingroup vẫn luôn thống nhất chính là “sự minh bạch thông tin trong mọi hoạt động”.

Bà Vân Anh khẳng định, những số liệu nêu trên trước sau gì cũng sẽ được kiểm toán bởi các cơ quan kiểm toán của Việt Nam và quốc tế.

“Đây là các thông tin thuộc diện phải công bố với các công ty đại chúng, mà chúng tôi chắc chắn sẽ có kế hoạch niêm yết VinFast sau một thời gian. Vì vậy, việc cung cấp các thông tin này với chúng tôi cũng không có khó khăn gì cả”, Infonet dẫn lời Phó Tổng Giám đốc thường trực Nguyễn Thị Vân Anh cho biết.

Chuyên gia nói gì về khoản thuế phí của VinFast?

Từ góc độ kinh tế, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích, khoản thuế phí bằng gần 50% giá xe xuất xưởng là bất hợp lý. Với mức thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2018 chỉ ở mức trung bình thấp của thế giới (2.584 USD), mức thuế phí này vô hình trung làm hạn chế khả năng tăng quy mô sản xuất của doanh nghiệp ô tô nội địa.

Chiếc ôtô đầu tiên của VinFast lăn bánh tại Việt Nam

Chẳng hạn nền công nghiệp các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan hay Indonesia, ông Ngô Trí Long chỉ rõ, do chịu thuế phí quá cao dẫn đến giá thành cao nên ô tô ở Việt Nam khó tiêu thụ và làm cho dung lượng thị trường thấp. Hiện quy mô thị trường xe Việt Nam nhỏ chỉ bằng 20% so với Thái Lan, 35% Indonesia.

Chia sẻ về việc ngay từ khi VinFast công bố giá các dòng xe vào tháng 11/2018, một bộ phận khách hàng cho rằng ô tô VinFast sản xuất trong nước nhưng giá cao, không đáp ứng được kỳ vọng về loại xe hơi “200 triệu hoặc thấp hơn” của người Việt. Tuy nhiên, chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (người nổi tiếng với tên gọi Hải Kar) tin rằng khi bắt đầu tham gia sản xuất ô tô, VinFast đã đi theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, và giá xe như vậy là hợp lý với chất lượng.

Vị chuyên gia này chỉ rõ, hãng xe Việt chọn nền tảng BMW mặc dù biết chi phí sẽ cao. Đầu vào của VinFast là chuẩn châu Âu, giá trị cao nên đầu ra không thể rẻ như nhiều người nghĩ.

“VinFast hoàn toàn có thể hạ giá bán, nhưng đồng nghĩa thỏa hiệp với chất lượng sản phẩm thấp vì phải cắt bỏ đi các tính năng an toàn. Xe VinFast đã mang trong mình ADN của BMW, chất lượng đầu vào chuẩn châu Âu thì không thể ra sản phẩm thứ cấp được”, chuyên gia Hải Kar chia sẻ với báo Đầu tư khẳng định.
Sắp có dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ VinFast ở Hải Phòng?

Trong một diễn biến khác, sáng 27.11, UBND TP.Hải Phòng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố vừa đồng ý với chủ trương thực hiện Dự án đầu tư Tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ VinFast của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast. Cụ thể, dự án được thực hiện tại xã Văn Phong và xã Nghĩa lộ (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng).

Việt Nam cần gì thương hiệu xe Việt VinFast?

Bên cạnh đó, theo UBND TP.Hải Phòng mục tiêu dự án là sản xuất công nghiệp phụ trợ cho xe ô tô và cả các loại xe khác. Với quy mô sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm các loại/năm. Diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 48 héc-ta.

Đặc biệt, ngay trong quý 3 năm 2019 đến quý 1 năm 2020, dự án sẽ triển khai các thủ tục pháp lý, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng. Dự kiến, đến quý 2 năm 2020 và quý 3 năm 2022 sẽ triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhà máy và các công trình khác. Dự án dự kiến được hoàn thiện và đưa vào kinh doanh trước cuối năm 2022.

VinFast là xe Made in Việt Nam nhưng sao lại đắt ngang xe nhập?
Thảo luận