Trung Quốc dùng khinh khí cầu do thám quân sự ở Trường Sa?
Tờ PhilStar của Philippines tham chiếu nguồn tin từ ImageSat International, đơn vị chuyên cung cấp ảnh vệ tinh đã cho thấy hình ảnh một khinh khí cầu của của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn, một trong những hòn đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông và có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, ImageSat International đã đăng một bức ảnh có hình khinh khí cầu, được Bắc Kinh sử dụng vào mục đích thu thập thông tin quân sự.
“Việc sử dụng khinh khí cầu cho phép Trung Quốc nhận diện tình huống liên tục trong khu vực giàu tài nguyên này”, ImageSat đăng tải bình luận trên Twitter.
Ảnh vệ tinh ngày 19 tháng 11 là bằng chứng đầu tiên về một khinh khí cầu đang hoạt động trên Đá Vành Khăn, theo ImageSat.
Trung Quốc vẫn âm thầm triển khai tên lửa nhằm kiểm soát Biển Đông
Vào tháng 7 năm 2016, hội đồng trọng tài do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã phán quyết rằng Trung Quốc can thiệp vào việc thực thi quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế.
Đá Vành Khăn là một phần của thềm lục địa của Philippines và nằm cách bờ biển Palawan 200 hải lý.
Trung Quốc từ năm 2017 đã chuyển sang giai đoạn 2 là hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự, dân sự, bao gồm nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí, nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo.
Năm ngoái, Trung Quốc đã âm thầm triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Su Bi ở quần đảo Trường Sa, trong một động thái nhằm thống trị kiểm soát không phận trên Biển Đông.
Trong một diễn biến liên qua, ngày 20.11, tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords của Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý sát đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa). Sang ngày 21.11, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã thực hiện chuyến tuần tra tới quần đảo Hoàng Sa.
Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần lên án. Điển hình như vụ nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất của Bắc Kinh nhiều lần xâm phạm chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính gây nên những lo ngại về tình hình an ninh trong khu vực.