Cựu Trung úy CSGT lĩnh 18 năm tù vì bắn chết người: Súng bị cướp cò?
Sáng 29.11, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cựu cán bộ cảnh sát giao thông Đồng Nai bắn chết người. Vụ nguyên Trung úy CSGT bắn chết bạn trai con gái người tình ở Đồng Nai gây xôn xao dư luận vì liên quan đến nhiều lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) cũng như nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, khoảng 8h sáng, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai bắt đầu phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Nguyễn Tấn Phước (41 tuổi, cựu cảnh giao thông Đồng Nai) về các tội “giết người” và “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Chủ tọa điều hành phiên tòa là Thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương.
Được biết, trước phiên xét xử sơ thẩm lần này, Tòa đã có quyết định triệu tập nhiều cán bộ là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên, sáng nay, hàng loạt cá nhân vắng mặt. Trong đó có Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trung tá Trần Trọng Thủy - Phó trưởng phòng CSGT, ông Đào Tuấn Anh, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Đại tá Dương Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, tỉnh Đồng Nai, hiện là Trưởng Công an huyện Long Thành. Đây là những người có liên quan đến trách nhiệm “cấp vũ khí (súng rulo 38P và 50 viên đạn) cho Nguyễn Tấn Phước để “bảo vệ” Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
Theo Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, những người bị triệu tập đã có lời khai và có đơn xin vắng mặt tại phiên xét xử lần này.
Trong quá trình xét xử tại phiên tòa sáng nay, Nguyễn Tấn Phước không thừa nhận việc cố tình nổ súng giết người mà chỉ “đưa lên trước mặt nạn nhân (anh Bùi Việt Hải, quê Hải Phòng) hù dọa, không ngờ súng bị cướp cò”.
Đáng chú ý, bị cáo Phước khẳng định không biết súng đã hết hạn, sau khi được cấp cũng chưa lần nào nghe lãnh đạo yêu cầu thu hồi.
“Bị cáo thừa nhận việc làm của mình là sai trái nên gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp vì đã ảnh hưởng hình ảnh của ngành. Đồng thời xin lỗi gia đình bị hại, mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình”, Nguyễn Tấn Phước ăn năn khi nói lời sau cùng.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng. Là cán bộ công an, Phước phải hiểu rõ quy định sử dụng súng nhưng lại mang đi gây án và còn làm chết người. Tuy nhiên quá trình điều tra, cựu Trung úy CSGT ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và có nhiều thành tích trong quá trình công tác nên tòa tuyên 15 năm tù tội “Giết người”, 3 năm tù tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Về trách nhiệm quản lý súng của lãnh đạo Công an Đồng Nai đã được Viện kiểm sát tách riêng điều tra tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cáo trạng vụ cựu Trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước bắn chết người
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Tấn Phước là cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai.
Cựu Trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước có quan hệ tình cảm với bà Nguyễn Hoài Trang (44 tuổi, TP.Biên Hòa). Bà Trang này lại có con gái tên Nguyễn Phúc Quỳnh Như (20 tuổi). Như có quan hệ tình cảm với Bùi Việt Hải (31 tuổi, Hải Phòng) và thường bỏ đi theo Hải nên bà Trang nhờ Phước đi tìm con gái để khuyên Như về nhà.
Tối ngày 6.1.2018, sau khi ăn nhậu xong, Phước đến Phòng CSGT, Công an tỉnh Đồng Nai lấy tư trang và khẩu súng rulo bỏ vào túi xách đeo trước ngực rồi chạy xe máy về nhà.
Trên đường về, Nguyễn Tấn Phước sực nhớ ra chuyện người tình là bà Trang nhờ đi tìm Như nên Phước dò hỏi xung quanh khu vực rồi chạy đến nhà trọ của anh Hải ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa.
Đến nơi, Phước lấy khẩu súng ra dắt ở thắt lưng rồi đi bộ vào. Tại đây, Phước gặp anh Hải và một người bạn.
Phước hỏi: “Mày có phải là thằng Hải không?”. Hải trả lời: “Đúng, mày là ai?”.
Phước hỏi tiếp: “Con Như đâu?”. Hải trả lời: “Tao không biết”.
Hải vừa dứt lời, Phước rút súng bắn một phát vào đầu anh Bùi Việt Hải khiến nạn nhân ngã đập đầu vào tường nhà vệ sinh. Dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng anh Hải đã tử vong vào rạng sáng hôm sau 7.1.2018.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, sau khi gây án, Phước bỏ khẩu súng vào cốp xe máy rồi bỏ đi. Sau đó, cựu Trung úy CSGT hẹn gặp anh Trần Tấn Sinh. Tại quán nhậu ở phường Long Bình, Phước kể lại chuyện bắn chết Bùi Việt Hải cho anh Sinh nghe và còn nhờ Sinh nhận tội thay.
Tuy nhiên, anh Sinh khuyên Phước cứ về công an phường trình diện. Cựu Trung úy CSGT giao súng, ổ đạn 4 viên và xe máy lại cho anh Nguyễn Tấn Sinh giữ. Cũng thời điểm này, Công an phường Trung Dũng cũng gọi điện thoại cho Nguyễn Tấn Phước về trụ sở làm việc. Phước đón taxi về phường đầu thú.
Tướng Nguyễn Văn Khánh liên quan gì đến khẩu súng của Nguyễn Tấn Phước?
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng tiết lộ về nguồn gốc khẩu súng Phước dùng để gây án trong vụ sát hại anh Bùi Việt Hải.
Theo đó, trước khi công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông, Phước công tác ở Phòng hậu cần (Công an tỉnh Đồng Nai) và làm lái xe cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (khi đó là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai).
Ngày 9.3.2010 Nguyễn Tấn Phước làm giấy đề nghị Phòng hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai cấp khẩu súng để “bảo vệ Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh”. Trong tháng 3.2010, ông Lê Hùng Hà, nguyên Trưởng Phòng hậu cần phê duyệt đề nghị này và Nguyễn Tấn Phước được đơn vị trên cấp cho khẩu súng rulo P38 cùng 50 viên đạn để bảo vệ Giám đốc công an tỉnh khi đó.
Đến ngày 31.10.2012, Nguyễn Tấn Phước nhận quyết định điều động từ Phòng hậu cần sang Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đồng Nai. Theo cáo trạng, tháng 9.2014, Phòng Hậu cần có công văn về việc chuyển khẩu súng rulo 38P sang Phòng CSGT và do chính Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh phê duyệt.
Theo đó, Phòng Hậu cần lập biên bản chuyển khẩu súng cho phòng CSGT (không có giấy phép sử dụng), nhưng việc tiếp nhận vốn chỉ trên giấy tờ, còn thực tế Nguyễn Tấn Phước vẫn sử dụng khẩu rulo 38P.
Cáo trạng chỉ rõ: “Mặc dù súng không có giấy phép sử dụng, khi ông Khánh về hưu, Phước vẫn không giao nộp súng cho đơn vị quản lý súng mà dùng súng bắn chết Bùi Việt Hải”.
Đối với Trần Tấn Sinh, mặc dù nhận giữ giúp chiếc xe máy cùng khẩu súng nhưng sau đó Sinh đã gọi điện báo cho công an xã tiến hành thu giữ đồng thời khai báo thành khẩn nên hành vi không cấu thành tội phạm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận liên quan đến vụ việc này. Theo đó, ngày 8-7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận trong thời gian qua, Ban thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong điều tra các vụ án, trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản. Đặc biệt, Giám đốc Huỳnh Tiến Mạnh và cựu Giám đốc Công an Đồng Nai Nguyễn Văn Khánh “vi phạm rất nghiêm trọng”.
Thêm vào đó, trước khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận, đoàn công tác cũng đã đặt câu hỏi với tướng Khánh tại buổi công bố dự thảo kết luận rằng “Giám đốc có được trang bị súng riêng để bảo vệ mình không?”. Tướng Khánh không giải trình được. Ngoài ra, trong các chuỗi sai phạm của ban Giám đốc Công an Đồng Nai còn liên quan đến vụ cảnh sát nổ súng chết người ở huyện Cẩm Mỹ. Tuy nhiên, thông tin về vụ này không được công bố.
Vì sao Trưởng phòng CSGT Đồng Nai bị đề nghị khởi tố?
Tháng 9.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã có kết luận điều tra vụ việc cựu Trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước bắn chết người và thống nhất với các cơ quan tố tụng tách hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Thượng tá Đặng Thế Trung- Trưởng Phòng CSGT Đồng Nai để xem xét, xử lý sau.
Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận định việc cấp súng cho Nguyễn Tấn Phước có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và diễn ra trong suốt thời gian dài nên cơ quan tố tụng tỉnh đồng ý tách ra thành vụ án khác để tiếp tục điều tra làm rõ.
Trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an về việc xử lý trách nhiệm đối với thượng tá Đặng Thế Trung. Sau khi văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thẩm định hồ sơ và kết luận rằng thượng tá Trung là người chỉ huy cao nhất ở phòng CSGT, không trực tiếp quản lý súng nên “không phải là chủ thể của tội phạm”.
Tuy nhiên, Văn phòng cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng Thượng tá Trung đã “thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng” cấp cho đơn vị để Nguyễn Tấn Phước sử dụng súng không phép, không thuộc trường hợp được phân công nhiệm vụ trong thời gian dài nhưng không chỉ đạo thu hồi theo quy định.
“Hành vi của thượng tá Trung có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 360 của Bộ Luật hình sự năm 2015 cần phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”- Tuổi trẻ dẫn kết luận của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khẳng định.
Chưa hết, theo kết luận của Bộ Công an, năm 2013 Thượng tá Trung khi đó đang giữ chức Phó phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai đã từng bị kỷ luật cảnh cáo vị liên quan đến việc để thuộc cấp bắn chết phó trạm CSGT Dầu Giây Trần Ngọc Sơn.