“Ngay từ đầu thành lập, Viec.Co có niềm tin, thế giới sẽ phát triển theo 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất là các siêu nền tảng như Grab, Tiki, Lazada,… và thứ hai là các công ty lớn như tại Việt Nam là Thế giới di động,… Việc số hoá ngày càng được đẩy mạnh và nhiệm vụ của chúng tôi xây dựng nguồn dữ liệu đủ mở, có khả năng tích hợp, tăng quy mô,…Khi đó, các giá trị Viec.Co tạo ra sẽ lắp được vào một phần trong chuỗi giá trị của 2 nhóm đối tượng trên”, Cảnh Phan, đồng sáng lập/CEO Viec.Co chia sẻ.
CEO Viec.Co cho biết đội ngũ vận hành đặt kỳ vọng start-up này trở thành trợ lý cho người làm nhân sự, với nền tảng tức thời, người dùng (doanh nghiệp-PV) chỉ cần chạm, sau đó sẽ có người, có nguồn lực giải quyết công việc.
Start-up này giải quyết 5 tiêu chí: Nguồn lực linh động, báo cáo theo thời gian thực, chọn người phù hợp, tiết kiệm 50% chi phí và thù lao được thanh toán đơn giản.
Sau 1 năm vận hành, Viec.Co tăng trưởng 30%/tháng, trên 40.000 người đăng ký tham gia trên nền tảng, 10.000 người sẵn sàng làm việc và 30 khách hàng trả tiền.
Theo ước tính của Viec.Co, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 54 triệu người, trong đó gần 40% lao động tự do. Giai đoạn đầu, Viec.Co sẽ chỉ tập trung vào khu vực thành thị, với khoảng 10 triệu người trong nhóm lao động dịch vụ.
Nhà sáng lập Viec.Co cho rằng, điểm khác biệt của dự án đến từ chiến lược, khi chỉ tập trung vào công việc tương đối đơn giản. Từ đó, việc thậm định đơn giản, dễ mở rộng hơn.
“Tôi tin vào sự chính trực của Cảnh và Tùng. Họ đang nỗ lực cải thiện cuộc sống người lao động phổ thông ở Việt Nam”, Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập/Chủ tịch Tiki chia sẻ về hai đồng sáng lập Viec.Co cũng là hai nhân sự đầu tiên khi Tiki mới thành lập.