Lý do chính cho việc mua hòn đảo, theo tuyên bố của chính phủ, là để giảm tiếng ồn của máy bay cho người dân sống gần đó. Tuy nhiên, Trung Quốc lo ngại rằng: bằng cách đó, Nhật Bản đang cố gắng kiểm soát quần đảo Senkaku đang tranh chấp. Có phải vậy không? "Sputnik" tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Việc tìm kiếm địa điểm phù hợp bắt đầu 8 năm trước, khi chính phủ Nhật Bản đồng ý cung cấp một địa điểm huấn luyện chuyến bay mới cho quân đội Hoa Kỳ đang đóng quân tại Nhật Bản. Bây giờ, Không quân Hoa Kỳ bị hạn chế chuyến bay huấn luyện trên các khu vực đông dân cư của Nhật Bản, và việc huấn luyện đang được tổ chức trên Iwodo (Iwo Jima), nơi cách căn cứ hàng không mẫu hạm ở Iwakuni khoảng 1.400 km. Magesima nằm cách Ivakuni chỉ 400 km, khiến hòn đảo trở thành một địa điểm lý tưởng.
Truyền thông Nhật Bản nêu lý do chính thức để mua hòn đảo là mối quan tâm đối với người dân. Ấn phẩm Sankei Shimbun dẫn lời Thị trưởng Iwakuni Fukuda Yoshihiko, người bày tỏ hy vọng về việc sớm thành lập một trung tâm đào tạo thường trực (ở Magesima), vì nó sẽ giúp giảm bớt lo lắng trong dân chúng địa phương (ở Iwakuni).
Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản từ lâu đã gây khó chịu cho cư dân địa phương, những người gặp phải nhiều thể loại bất tiện, đặc biệt là tiếng ồn từ máy bay quân sự. Trường hợp gần đây, khi máy bay chiến đấu F-16 thả rơi đạn huấn luyện trong chuyến bay huấn luyện qua tỉnh Aomori, cũng khiến cho dân chúng phẫn nộ.
Lựa chọn không dễ dàng
Konstantin Vodopyanov, chuyên gia Nga, cộng tác viên Khoa quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại tại MGIMO nghi ngờ rằng chính quyền Nhật Bản trước hết quan tâm đến công dân của họ: "Lợi ích của Hoa Kỳ có ý nghĩa hơn nhiều đối với chính phủ Nhật Bản. Có thể dẫn ra ví dụ: cựu Thủ tướng Hatoyama Yukio, trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại các căn cứ của Mỹ ở Okinawa, đã hứa với cử tri của mình giải pháp triệt để vấn đề này cho đến khi hủy bỏ các căn cứ , nhưng không thể thực hiện lời hứa của mình và buộc phải từ chức vào năm 2010. Nằm trong khuôn khổ Hiệp ước Mỹ-Nhật, chính phủ Nhật Bản thường thấy mình nằm giữa hai làn đạn: một mặt – đứng trước dư luận xã hội, mặt khác – trước nhu cầu của đồng minh, đó là Hoa Kỳ. Và trong hầu hết các trường hợp, trước lựa chọn khó khăn: công dân của mình hoặc Hoa Kỳ, thì Washington được ưu tiên".
Nỗ lực tiến đến gần Senkaku?
Ở Trung Quốc, Nhật Bản bị nghi ngờ cố gắng đến gần các hòn đảo đang tranh chấp và do đó tăng cường kiểm soát chúng. Cơ sở mới có thể được sử dụng để bảo vệ quần đảo Điếu Ngư, được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và là trung tâm của cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ... tờ South China Morning Post viết.
Theo Konstantin Vodopyanov, việc mua hòn đảo này không có mối liên hệ trực tiếp nào với quần đảo Senkaku, nhưng nỗi e ngại của Trung Quốc là có cơ sở: "Chính sách của Nhật Bản đã trở nên “ tấn công hơn” trong những năm gần đây. Ví dụ, vào ngày 18 tháng 12 năm ngoái, đã công bố chương trình phòng thủ quốc (National Defense Program Guidelines, NDPG) và chương trình phòng thủ trung hạn tương ứng, trong đó, ngoài những điều khác, đã đề cập đến sự gia tăng chi tiêu quốc phòng, và về việc mua sắm vũ khí hiện đại. Trình bày chương trình, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ Iwaya Takeshi tuyên bố: Nhật Bản sẽ nỗ lực để giành ưu thế trong lĩnh vực hàng hải và hàng không. Đây là một tuyên bố khá mạnh mẽ đối với Bộ trưởng Quốc phòng của đất nước, mà de jure (về pháp lý) không có quân đội và mang tiếng tăm không mấy tốt đẹp giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Vì vậy, nỗi sợ của Trung Quốc là hợp lý ở một mức độ nào đó. Thêm vào đó là mối quan hệ đặc biệt giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump. Và trong điều kiện hiện đại, khi các chính sách của Trump gặp nhiều phản ứng kháng nhau ở nhiều quốc gia - có những vấn đề với đồng minh châu Âu phản đối chế độ độc tài Hoa Kỳ và với các quốc gia Trung Đông -, Nhật Bản tiếp tục là đồng minh trung thành nhất của Hoa Kỳ, thường xuyên cung cấp cho Trump những tin tức tốt đẹp. Và việc mua hòn đảo cho Không quân Hoa Kỳ là một minh họa cho điều này. Có thể nói : đó là một món quà Nhật Bản gửi tới Hoa Kỳ..."
Có lẽ Tokyo cũng muốn làm hài lòng đồng minh với một món quà như vậy trước khi ký lại Hiệp định về hợp tác và an ninh lẫn nhau vào năm 2021. Theo đó, Hoa Kỳ đã cam kết đảm bảo an ninh ở Nhật Bản và trong khu vực. Nhật Bản, đến lượt mình, có nghĩa vụ bảo vệ các căn cứcủa Mỹ trong trường hợp bị tấn công và trả một phần chi phí cho việc bảo trì căn cứ. Mỗi năm, theo thỏa thuận, Nhật Bản chi khoảng 1,8 tỷ USD cho việc này.