Việt Nam lên tiếng việc tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền

Việt Nam đang xác minh thông tin tàu Hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển thềm lục địa, xâm phạm chủ quyền cũng như việc Bắc Kinh bí mật đưa khinh khí cầu do thám ra Trường Sa.
Sputnik

Việt Nam nói gì về việc Trung Quốc bí mật đưa khinh khí cầu do thám ra Trường Sa?

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc được cho là đã đưa khinh khí cầu bí mật do thám quân sự tại khu vực Đá Vành Khăn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa tái khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 5.12.

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, có những đóng góp trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì an ninh, an toàn, hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Trước đó, đơn vị chuyên cung cấp ảnh vệ tinh đã cho thấy hình ảnh một khinh khí cầu của của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn, một trong những hòn đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông và có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong khu vực. Việt Nam coi Đá Vành Khăn là một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Hà Nội bị phía Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp, xây dựng phi pháp thành đảo nhân tạo, xây dựng đường băng cũng như hàng loạt công trình quân sự và dân sự tại đây.

Phía ImageSat International đã đăng một bức ảnh có hình khinh khí cầu, được Bắc Kinh sử dụng vào mục đích thu thập thông tin quân sự.

“Việc sử dụng khinh khí cầu cho phép Trung Quốc nhận diện tình huống liên tục trong khu vực giàu tài nguyên này”, ImageSat đăng tải bình luận trên Twitter.

Ảnh vệ tinh ngày 19 tháng 11 là bằng chứng đầu tiên về một khinh khí cầu đang hoạt động trên Đá Vành Khăn, theo ImageSat cho biết.

Bên cạnh đó, Business Insider đã dẫn nguồn tin từ tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence khẳng định, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dùng khí cầu từ năm 2017 trên khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Hệ thống những khinh khí cầu lớn này có gắn radar mảng pha có thể phát hiện phi cơ ở độ cao nhỏ.

Ngoài ra, khinh khí cầu còn có thể duy trì độ cao ổn định trong thời gian dài, quan sát khu vực rộng lớn trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi không thể triển khai máy bay do thám.

Khi kết hợp với hệ thống radar mặt đất, vệ tinh và máy bay cảnh báo sớm, khí cầu có thể tạo thành mạng lưới giám sát mục tiêu trong bán kính 300 km, đây được coi là động thái “nhòm ngó” và do thám quân sự, dân sự hết sức nguy hiểm mà Trung Quốc đang thực hiện.

Việt Nam xác minh tàu Hải Cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền

Liên quan đến thông tin về một tàu Hải Cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam hôm 29.11 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, phía Việt Nam đang theo dõi sát sao và nhanh chóng xác minh thông tin tàu Trung Quốc đi vào vùng biển mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc nói có chủ quyền với các đảo trên Biển Đông và kêu gọi Mỹ ngừng khiêu khích

“Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, được xác định dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định UNCLOS 1982 và các quy định liên quan của Việt Nam”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Hôm 29.11 vừa qua, xuất hiện thông tin tàu Hải cảnh mang số hiệu 35111 vừa quay lại hoạt động gần vùng biển Việt Nam. Được biết, đây là con tàu Trung Quốc gần đây mới sử dụng để cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh, Hà Nội có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyefn của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ chặt chẽ và phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hành động của các nước tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là phi lý, trái pháp luật và vô giá trị.

Thảo luận