Quy mô sản xuất công nghiệp thành phố ngày càng mở rộng, thể hiện qua sự tăng trưởng của Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Tăng trưởng trung bình IIP trong giai đoạn năm 2015-2018 khoảng 7,6% và có xu hướng tăng cao dần qua các năm, năm 2016 tăng 7,33%, năm 2017 tăng 7,45%, năm 2018 tăng 7,98%, 11 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 là 7,42%.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng, do phần lớn doanh nghiệp còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, cộng với công nghệ thấp khiến giá thành, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa thấp, sức cạnh tranh không cao.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS.Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng TP.HCM nên thay đổi mục tiêu ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cho phù hợp với thời đại, đó là phát triển công nghiệp thành phố dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế vùng, thay vì chủ trương phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, gồm: 11 ngành cấp 2, có 42 ngành cấp 3, có 84 ngành cấp 4 và 107 ngành cấp 5, rất rộng và dài trải, các nguồn lực khó có thể đáp ứng.
Còn theo PGS.TS. Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, thành phố cần chú trọng cơ chế khuyến khích thông qua việc hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành.
Với ngành công nghiệp điện tử, Nhà nước cần sớm ban hành các biện pháp bảo vệ thị trường điện-điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…), đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện-điện tử gia dụng.
Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cần xây dựng các trung tâm hoặc viện công nghệ công nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các trung tâm hoặc viện này hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động theo hình thức đối tác công tư PPP, xã hội hóa.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tới đây thành phố sẽ thành lập Hội đồng phát triển doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, thực hiện đối thoại trực tiếp từng quý để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thành phố cũng ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển các thương hiệu.