Đây là chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Sputnik của ông Igor Bakaras, Giám đốc Trung tâm phân tích thông tin đảm bảo an ninh cho hoạt động trên không gian vũ trụ và quỹ đạo gần Trái đất thuộc Viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Roscosmos.
Theo một giả thuyết, nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long cách đây 65 triệu năm là do một tiểu hành tinh hoặc sao chổi rơi xuống Trái đất. Vật thể rơi xuống hình thành nên hố va chạm Chicxulub kích thước 300 km dưới đáy biển gần bờ biển phía nam Mexico. Theo các nhà khoa học, khối thiên thạch rơi xuống hành tinh có đường kính khoảng 10 km.
"Theo nhận định của các nhà khoa học, vụ va chạm với Trái đất của khối thiên thạch có đường kính gần 10 km và có khả năng hủy diệt nền văn minh nhân loại có thể xảy ra khoảng 100 triệu năm một lần. Trong toàn bộ lịch sử tồn tại của con người chúng ta (gần 100 nghìn năm), không có vụ va chạm nào như vậy", ông Bakaras nói.
Ông dẫn ra cả những con số đối với các tiểu hành tinh nhỏ hơn. Ví dụ tiểu hành tinh đường kính 1 km khi rơi xuống có thể gây ra thảm họa toàn cầu. Trong trường hợp này bán kính của miệng hố hình thành tại vị trí va chạm sẽ vào khoảng 20 km.
"Những trường hợp có sức công phá lớn như vậy xảy ra khoảng 100 triệu năm một lần", nhà khoa học nói.
Các tiểu hành tinh có đường kính 100 mét có khả năng gây thiệt hại ở quy mô khu vực trên đất liền (tạo ra miệng hố va chạm có bán kính gần hai km) hoặc gây ra sóng thần trong trường hợp rơi xuống đại dương. Những sự kiện có quy mô như thế này xảy ra khoảng ba nghìn năm một lần.
Đồng thời ông Bakaras lưu ý rằng hiện chưa biết chính xác lắm về đường kính của phần lớn các thiên thạch cũng như quỹ đạo bay của chúng.
"Những con số này được xác định mỗi khi các vật thể ta quan sát bay gần Trái đất. Vì vậy vẫn thường xảy ra tình trạng tiểu hành tinh ban đầu được coi là nguy hiểm nhưng sau đó lại thuộc về loại không gây nguy hiểm”, nhà khoa học nói.
Tính đến đầu năm 2019 các nhà khoa học biết đến 18 nghìn vật thể nguy hiểm bay trên vũ trụ trong hệ mặt trời, 99% trong số đó là các tiểu hành tinh.