Thừa Thiên – Huế hiện vẫn còn một số hạn chế, yếu kém
Ngày 14/12, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Nghị quyết số 54-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khoá X, Thừa Thiên – Huế đã có nhiều nỗ lực đổi mới tư duy, khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển.
Tuy nhiên, việc triển khai Kết luận trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.
Theo đó, phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên –Huế; công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” chưa đạt được.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức về vị trí, vai trò của Thừa Thiên - Huế cũng như giá trị văn hoá di sản trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế; chưa thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế và văn hoá; chưa quan tâm phát triển kinh tế gắn với xây dựng và phát triển văn hoá; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương trong việc đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách mới, đột phá, nhất là trong phát triển, kết cấu hạ tầng, quản lý đô thị, di sản, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo.
Thừa Thiên – Huế: Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2045
Nghị quyết 54 đã nêu rõ những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế – xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là riêng của Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao
Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu, đặc sắc của Châu Á.
Một số chỉ tiêu trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế từng giai đoạn cụ thể cũng được nêu trong Nghị quyết. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản. Hoàn thành việc mở rộng thành phố Huế theo quy hoạch trước năm 2022. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn này là 7,5-8,5%, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12%/năm, thu ngân sách nhà nước tăng 12-13%/năm; đến năm 2025 GRDP/người đạt 3.500-4.000 USD; cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 53-54% GRDP, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 7-9%.
Giai đoạn 2026-2030, tăng trưởng GRDP 7-8%, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm, thu ngân sách nhà nước tăng 13-15%/năm; đến năm 2030 GRDP/người đạt 5.500-6.000 USD (theo cách tính hiện hành), 100% dân số sử dụng nước sạch, 100% các khu đô thị, 85% khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn.