Mỹ chính thức áp thuế 456% lên một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam

Ngày 16.12, Mỹ quyết định áp mức thuế cao nhất lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép được nhập từ Việt Nam nghi có dấu hiệu gian lận thương mại.
Sputnik

Bộ Thương mại Mỹ chính thức áp thuế với một số sản phẩm thép từ Việt Nam

Theo Reuters đưa tin cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ngày 16.12 đã ban hành lệnh áp thuế cuối cùng lên mức cao nhất 456% đối với một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan rồi chuyển đến Việt Nam để gia công, chế biến sơ, sau đó lại xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Như "đùa với lửa": Mỹ có nhắm tới Việt Nam khi áp thuế thép 400% hay không?

Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo trong quyết định đưa ra rằng chính quyền Mỹ đã tìm thấy các sản phẩm thép không gỉ và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan để vượt qua hàng rào thuế chống bán phá giá và trợ cấp của Hoa Kỳ.

Theo thông báo chính thức được DOC- cơ quan có thẩm quyền khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đưa ra, phía Mỹ vừa công bố 5 quyết định chính thức đánh thuế kép bao gồm thuế chống bán phá giá (AD) và thuế đối kháng hay thuế chống trợ cấp (CVD) liên quan đến các sản phẩm thép sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan, được chuyển đến Việt Nam để gia công, chế biến, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Những sản phẩm thép bị áp thuế lần này là thép không gỉ (CORE) và thép cán nguội (CRS).

Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ sẽ tiếp tục thu tiền đặt cọc của các lô hàng thép không gỉ, thép cán nguội được nhập khẩu từ Việt Nam nhưng sử dụng chất nền từ các quốc gia hay vùng lãnh thổ “đang nằm trong tầm ngắm của Mỹ về dấu hiệu gian lận thương mại”.

Pháp luật về điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) của Hoa Kỳ là một phần quan trọng của pháp luật về phòng vệ thương mại Hoa Kỳ nói riêng cũng như pháp luật về thương mại Hoa Kỳ nói chung.

Theo luật pháp Hoa Kỳ quy định, Bộ Thương mại có quyền điều tra vụ việc bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD), đồng thời có hướng xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài khi hàng hóa theo đơn đặt hàng hiện tại được hoàn thành hoặc lắp ráp ở nước thứ ba trước khi nhập khẩu vào Mỹ.

Theo DOC, mức thuế này cũng được áp dụng đối với những lô hàng nhập về nhưng chưa được thanh lý kể từ thời điểm 2.8.2018 khi chính quyền Mỹ, cụ thể là Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu điều tra vụ việc.

Đối với thép không gỉ, số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng từ 23 triệu USD, trong giai đoạn từ tháng 4.2012 đến thời điểm Mỹ áp thuế sơ bộ với các sản phẩm thép của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Mỹ áp thuế đối với loạt sản phẩm thép của quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên vào tháng 12.2015 lên 1.100 tỷ USD tháng 2.2016- tháng 9.2016, tương đương 4.353%.

Ngoài ra, các lô hàng thép cuộn cán nguội (CRS) từ Việt Nam đến Hoa Kỳ đã tăng từ 49 triệu USD (vào tháng 1 năm 2013 cho đến thời điểm Mỹ áp thuế sơ bộ đối với các sản phẩm thép của Hàn Quốc và Đài Loan vào tháng 2 năm 2016) lên 498 triệu USD (từ tháng 3 năm 2016 đến tháng 4 năm 2019). DOC xác định mức tăng này lên tới 922%.

Cùng với “địa chấn”, Mỹ không áp thuế thép Việt Nam dùng nguyên liệu trong nước

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, cuộc điều tra được thực hiện theo yêu cầu từ các nhà sản xuất thép không gỉ và và thép cuộn cán nguội nội địa Mỹ, bao gồm Steel Dynamics, Inc. (IN), California Steel Industries (CA), AK Steel Corporation (OH), ArcelorMittal USA LLC (IN), Nucor Corporation ( NC) và Tổng công ty Thép Hoa Kỳ (PA).

DOC lý giải, việc thực thi nghiêm ngặt luật thương mại của Hoa Kỳ là trọng tâm chính hành động của Chính quyền Trump. Cho đến nay, Chính quyền đã ban hành 35 quyết định áp thuế sơ bộ hoặc cuối cùng trong những cuộc điều tra chống gian lận thương mại, tương đương mức tăng tăng 192% quyết định được đưa ra cùng kỳ trong giai đoạn điều hành của chính quyền trước đó.

Đây là biện pháp do Chính phủ Mỹ áp dụng nhằm ngăn ngừa việc tránh thuế chống phá giá. Một số công ty tìm cách né tránh các loại thuế đó bằng nhiều cách, trong đó có cách lắp ráp các bộ phận ở nước nhập khẩu hay ở nước thứ 3, hoặc bằng cách chuyển nguồn sản xuất và xuất khẩu tới nước thứ 3.

Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Mỹ chống hành vi gian lận thương mại

Trên thực tế, từ đầu tháng 7.2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ áp mức thuế cao nhất 456% đối với một số mặt hàng thép được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), sau đó vận chuyển đến Việt Nam gia công rồi lại xuất sang Mỹ.

Bị Trump nghi ngờ và Mỹ đánh thuế 456%, ngành thép Việt Nam có bị đe dọa?

Bộ Thương mại Mỹ cho rằng một số công ty Hàn Quốc và Đài Loan muốn điều hướng sản phẩm của họ sang Việt Nam để né thuế quan cao hơn từ Mỹ.

Ngày 4.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng bình luận về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ DOC quyết định áp thuế suất cao tới 456% đối với một số mặt hàng thép của Việt Nam nếu các doanh nghiệp trong nước không chứng minh được nguồn gốc chất nền, nguyên liệu thép cán nóng từ quốc gia nào thì sẽ phải chịu mức thuế quan này nhằm tránh gian lận thương mại, trốn thuế.

Phát biểu về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Sau khi trao đổi, Bộ Công Thương cũng cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước về việc các cơ quan điều tra của các nước nhập khẩu có thể thay đổi, ra các quy định khắt khe hơn về phòng vệ thương mại, để các doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyển sang dùng các nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác”.

Như tuyên bố được Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ khẳng định, các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ thông tin, trao đổi thường xuyên và chặt chẽ với phía Mỹ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với pháp luật Việt Nam và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ.

Trước việc Mỹ siết chặt hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm thép của Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công Thương nhận định, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), trong trường hợp thép không gỉ và thép cán nguội được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ tránh được việc bị áp thuế.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội thép, các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam để hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ về quá trình sản xuất tại Việt Nam, mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm

Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.

Nhằm tránh bị phía Mỹ có những nghi ngại liên quan đến hành vi gian lận thương mại, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại.

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Trước nguy cơ hàng hóa nước ngoài mượn đường lợi dụng những kẽ hở luật pháp và quy định để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hướng thuế suất ưu đãi.

Trong một diễn biến liên quan, nắm được những vấn đề còn tồn tại và hiểu rõ vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động số 1662/QĐ-BTC ngày 23/8/2019 thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đồng thời quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể để chống lại vấn nạn về giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Hoa Kỳ có kế hoạch áp đặt thuế đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam
Những giải pháp chủ động, cụ thể và hiệu quả được Bộ Tài chính -Tổng cục Hải quan đưa ra như sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa như Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC, sửa Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa cũng như ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị cục hải quan các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phát biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đã diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11 vừa qua do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chia sẻ, trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam, một nền kinh tế mở với 12 Hiệp định tự do thương mại đã có hiệu lực, 1 Hiệp định tự do thương mại đã ký và 3 Hiệp định tự do thương mại đang đàm phán.

“Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này, cụ thể là ngày 4.7.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thảo luận