Chiến thắng trên dòng sông Đen

Hai mươi lăm năm trước, vào ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được đưa vào vận hành với toàn bộ công suất.
Sputnik

Công trình kỳ vĩ 15 năm ròng xây dựng trạm thuỷ điện trên sông Đà khởi đầu ngày 6 tháng 11 năm 1979 đến mốc này đã hoàn thành, để suốt trong 18 năm tiếp theo giữ ngôi vị nhà máy thuỷ điện đồ sộ nhất không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cõi Đông Nam Á. Thuỷ điện Hoà Bình chỉ nhường chức vô địch ấy cho nhà máy Yaly vào năm 2012.

Con sông ương ngạnh nhất Việt Nam

Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Bộ trưởng Xây dựng thời đó của CHXHCN Việt Nam là ông Phan Ngọc Tường đã nói với các nhà báo Matxcơva về ước mơ nhiều thế kỷ của người Việt Nam, muốn thuần hóa sông Đen, dòng sông ương ngạnh và trắc nết nhất ở Việt Nam. Là một trong những nhánh của sông Hồng, sông Đà hay còn gọi là sông Bờ, sông Đen đổ hơn một nửa dòng chảy hàng năm của nó vào sông Hồng, gây không ít thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực rộng lớn vì lũ lụt và tạo mối đe dọa an nguy của Hà Nội.

Vì sao miền Nam Việt Nam cần thêm nhà máy nhiệt điện?

Mà ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, ở miền Bắc Việt Nam chịu đựng tình trạng thiếu điện trầm trọng hơn bao giờ hết. Đến giữa năm 1963, tổng công suất của toàn bộ 43 nhà máy điện hiện có ở Việt Nam DCCH mới chỉ vẻn vẹn 115 megawatt. Như vậy là  chưa bằng ½ công suất của mỗi tổ trong số tám tuabin của trạm thuỷ điện Hoà Bình tương lai. Thậm chí đến đầu những năm 70, công suất của nhà máy điện lớn nhất miền Bắc là thủy điện Thác Bà cũng chỉ đạt 108 megawatt. Được đưa vào hoạt động với sự giúp đỡ của Liên Xô từ năm 1971, cơ sở này đã bị Mỹ ném bom phá hủy hai năm sau đó.

Năm 1959, Bộ Tài nguyên nước của Việt Nam DCCH bắt đầu xúc tiến nghiên cứu về khả năng điều tiết dòng chảy và sử dụng năng lượng của sông Đen. Nhưng công việc không tiến xa hơn nữa. Việt Nam chỉ trở lại với dự án này vào năm 1970. Khi đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chuyển yêu cầu đến Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin, đề nghị xem xét giúp đỡ nước Cộng hòa trong việc xây dựng một nhà máy điện lớn hơn và đỡ bị tổn thương hơn so với thuỷ điện Thác Bà trong thời gian diễn ra các cuộc không kích của máy bay Mỹ. Chuyện ở đây nói về một trạm thủy điện trên dòng sông Đen – Đà giang.

Chiến thắng trên dòng sông Đen

Xây dựng nhà máy thủy điện Hoà bình là sự nghiệp chung

Matxcơva đã cho phúc đáp tích cực, và vào ngày 22 tháng 10 cùng năm ấy, bản Thỏa thuận liên Chính phủ đã được ký kết đánh dấu bắt đầu công việc thiết kế chung. Tiếp theo, các cơ quan Ngoại thương của Liên Xô và Việt Nam ký hàng loạt hợp đồng quy nhận sự hỗ trợ toàn bộ của Liên Xô trong việc xây dựng tổ hợp thủy điện: cả thực hiện khâu thiết kế, cả cung cấp thiết bị và công nghệ xây dựng, cho đến cử nhóm chuyên gia Liên Xô sang công tác trên công trường và đào tạo nhân sự người Việt.

Theo dự án, công suất của trạm thuỷ điện tương lai được xác định ở mức 1920 megawatt. Đã lên kế hoạch lắp đặt 8 đơn vị trong gian máy, cần được xây dựng trong vách núi đá bazan. Sản lượng điện hàng năm ước tính là hơn 8 tỷ kilowatt giờ. Một hồ chứa có diện tích hơn 200 km2 sẽ cho phép điều chỉnh chế độ nước của vùng trồng lúa rộng lớn, triệt tiêu nguy cơ lũ lụt và đảm bảo lưu thông thuỷ bình thường dọc theo sông Đà và sông Hồng.

Trên bờ trái sông Đà bắt đầu mọc lên cả một đô thị dành làm nơi tạm trú cho đội ngũ xây dựng tổ hợp thủy điện, đủ sức chứa 80.000 người.

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ dùng điện không bị gián đoạn

Ngày 6 tháng 11 năm 1979 bắt đầu xây dựng các cấu trúc cơ bản của nhà máy thuỷ điện. Công việc mà đội ngũ các nhà xây dựng Việt Nam và Liên Xô cần gánh vác là rất đồ sộ phức tạp. Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô trên công trường, ông Pavel Bogachenko, người sau này được trao tặng phần thưởng Sao vàng Anh hùng Lao động Việt Nam, đã kể với các nhà báo Matxcơva về đặc điểm của dòng sông Đen và những khó khăn mà các nhà xây dựng phải đối mặt. Chẳng hạn, là dòng chảy xiết lượn theo những hẻm núi hẹp, sông Đà mang theo khối lượng nước nhiều ngang với con sông đầy nước nhất ở Nga là dòng Enisei vùng Siberia mà bề rộng lên tới vài cây số. Nếu một trong những trạm thủy điện lớn nhất của Liên Xô là Sayano-Shushenskaya trên Enisei tuôn 7.000 mét khối nước mỗi giây trong kỳ cao điểm, thì trạm Hoà Bình sẽ phải đạt hơn 10.000 mét khối.

Nhiều Bộ, Viện kỹ thuật và Phòng thiết kế của Liên Xô được huy động kết nối vào công việc trên sông Đà. Hơn 200 xí nghiệp lớn của Liên Xô tham gia khâu cung cấp thiết bị và vật liệu. Đội ngũ chuyên gia Liên Xô lao động ngày đêm tại các hướng cơ bản của công trình trong suốt thời gian kiến thiết nhà máy thuỷ điện của Việt Nam. Vào những năm triển khai tối đa phạm vi xây dựng và lắp đặt, số lượng các chuyên gia Xô-viết lên tới 900 người từ các chủ thể kỹ thuật thủy điện lớn nhất của Liên Xô được cử sang Hoà Bình.

Trước sức mạnh kiên cường của con người và khả năng công nghệ như vậy, thiên nhiên với những thách thức khắc nghiệt đã phải lui bước chịu thua. Bốn năm và hai tháng sau khi bắt đầu công việc cơ bản, vào ngày 12 tháng 1 năm 1983, sông Đà được đóng lại.

Chiến thắng trên dòng sông Đen

Việc đóng sông kéo dài 50 giờ liền. Những chiếc xe tải tự trút khổng lồ đổ những khối bê-tông tứ diện nặng 7 tấn xuống nước để chặn dòng chảy của sông và dẫn nước vào kênh nhân tạo do bàn tay và thiết bị của các nhà xây dựng tạo ra. Dòng sông ương ngạnh không muốn khuất phục. Nước sông chảy xiết cuồn cuộn tung những khối bê-tông tưởng chừng như trò chơi với những viên sỏi. Nhưng ý chí của con người còn mạnh hơn. Cửa kênh thu hẹp ngay trước mắt. Ông Phạm Văn Đồng thân chinh đến công trường, đã phát lệnh hoàn thành việc chặn dòng. Và sông Đà tuân phục tuôn nước chảy theo kênh nhân tạo tạm thời được mở ra phía trước dành cho công trình xây dựng con đập cao sừng sững 128 mét.

Thắng lợi trên sông Đà đã trở thành ngày hội chung của các chuyên gia Liên Xô và các nhà xây dựng Việt Nam, cả nhân viên dân sự và các chiến sĩ  từ sư đoàn số 56 của QĐND Việt Nam. Bởi đó là công trình chung, nghĩa là niềm vui và sự quan tâm chung. Và điều này phát huy tác động thuận lợi trong công việc, đặc biệt là khi nảy sinh những tình huống bất ngờ.

Việt Nam sẽ bắt đầu thiếu điện từ năm 2021?

Một trong những tình huống bất thường đó, đặt công trường xây dựng khổng lồ trước đe dọa nghiêm trọng, là vào năm 1985.

Chiến thắng của con người trước thiên tai

Hai năm trước khi dòng chảy tự nhiên của sông Đà bị chặn, nước sông được lùa vào kênh đào đặc biệt của hồ chứa tương lai để thực hiện công đoạn chính xây dựng hố móng trạm thủy điện. Hai năm làm việc khẩn trương đúng tiến độ, không hề có sai sót.

 Thế nhưng vào đầu năm 1985, những trận mưa lớn chưa từng thấy đã khiến mực nước trong lòng sông dâng lên tới mức báo động. Thuỷ thần hung dữ đe dọa cuốn phăng đê ngăn, tách nó ra khỏi dòng chảy cũ và tràn ngập hố móng. Tất cả mọi thứ tạo ra trong sáu năm ròng bởi công sức của hàng chục nghìn người đang bị đe dọa. Đó là chưa nói tới tất cả các máy móc và thiết bị xây dựng trạm điện tương lai được chuyển đến từ Liên Xô sẽ bị hủy hoại.

Chiến thắng trên dòng sông Đen

Nhà lãnh đạo công trình từng tốt nghiệp học viện Xô-viết là ông Ngô Xuân Lộc và trưởng chuyên gia Liên Xô Pavel Bogachenko quyết định phái toàn bộ các xe tải tự trút đến cửa ngăn dòng để gia cố và tăng cường.

Nước dâng liên tục rút ngắn khoảng cách đến rìa trên cửa ngăn. Hai mét, một mét, rồi nửa mét... Nhưng con người và thiết bị đã phản công. Xe tải tự trút chở nặng mang đá từ mỏ tới. Dòng xe di chuyển theo dây chuyền, tuân thủ trật tự nghiêm ngặt, từng phút giây có nguy cơ đổ nhào xuống dòng nước dữ vốn đã ngập ngang bánh xe, và mỗi xe nhất thiết phải đổ đá đúng điểm chỉ định. Ông Ngô Xuân Lộc và ông Pavel Bogachenko đến tận cửa ngăn và đứng ngay tại nơi nguy hiểm nhất đánh xi-nhan cho xe, chỉ huy toàn bộ chuỗi hoạt động. Nước tiếp tục ập đến, nhưng con người đã vượt trước.

Trận chiến với thiên tai kéo dài hai ngày đêm. Vào thời điểm kịch tính nhất, nước chỉ còn cách mép cửa ngăn 20 cm. Rồi sau đó mực nước sông bắt đầu giảm xuống.

Sông Đà suýt phá vỡ nhà máy thủy điện Hòa Bình như thế nào
Sông Đen phục vụ Việt Nam

Vào tháng 1 năm 86, dòng chảy nhân tạo bị chặn và bắt đầu cho nước vào đầy hồ chứa. Đến giữa năm 87, các cấu trúc cơ bản của tổ hợp thủy điện, ngoài tổ hợp ngầm, đã sẵn sàng đương đầu với áp lực tích nước. Sông Đà bị chặn lại bởi con đập hiên ngang dài 970 mét và cao 128 mét.

Bên trong lòng núi, phía trái con đập chính, các chuyên gia xây dựng tàu điện ngầm Matxcơva đã khoét ống cống dẫn nước vào các tuabin thủy lực của trạm điện, cũng như lối tiếp cận các con đường tới khu vực chứa máy và bản thân gian máy. Kích thước rất đáng kinh ngạc: chiều dài - một phần tư km, chiều rộng - 20 mét và chiều cao - 50 mét. Mọi thứ được khoét vào trong vách đá cứng rắn nhất. Trong gian máy bố trí tám đơn vị thủy lực, mỗi chiếc nặng 2.000 tấn và có công suất 240 megawatt, tức là nhiều hơn gấp đôi so với công suất ban đầu của nhà máy điện Thác Bà. Đường kính của bánh xe làm việc của mỗi đơn vị thủy lực Hoà Bình cũng rất đáng nể là hơn năm mét rưỡi.

Chiến thắng trên dòng sông Đen

Như nhận xét của ông Nguyễn Văn Thành Giám đốc trạm thủy điện, «con đập không có gì che chắn bằng bất cứ cách nào chỉ có thể bị phá huỷ bằng cú đánh trực tiếp của quả đạn nặng đến vài tấn, trong khi công việc đào đất và bê tông để khôi phục nó sẽ gặp vấn đề. Nhưng còn toàn bộ thiết bị của trạm thì vẫn sẽ an toàn ngay cả khi bị trúng đòn giáng trực tiếp mạnh hơn nhiều».

Trước cuối năm 1989, đơn vị đầu tiên của nhà máy được đưa vào vận hành thương mại. Đơn vị cuối cùng, tổ máy thứ tám, hoạt động vào tháng 4 năm 1994. Nhà máy thuỷ điện với toàn bộ công suất đầy đủ được đưa vào hoạt động từ ngày 20 tháng 12 năm 94.

Đến năm 2010, khi cả các nhà máy Trị An, Phả Lại đều hoạt động thì trạm Hoà Bình vẫn giữ ngôi vị nhà máy điện lớn nhất của Việt Nam, cung cấp 27% tổng sản lượng điện của cả nước.

Ánh sáng Hoà Bình rọi mãi

 Không thể nói hết tầm quan trọng của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, cơ sở trong suốt 18 năm đã là công trình thủy lực lớn nhất ở Đông Nam Á. Nhà máy này đã giải quyết thấu đáo vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam về phát triển kinh tế thời kỳ đó. Và trên hết, trạm thuỷ điện Hoà Bình đã dẫn đến gia tăng đáng kể trong sản lượng điện, trong bối cảnh do thiếu điện mà các xí nghiệp công nghiệp của cả miền Bắc Việt Nam chỉ dùng được một nửa. Ngay trong năm 95, về tiêu thụ điện, Việt Nam đã vững tin vươn lên chiếm vị trí đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Sẽ không có nhà máy điện hạt nhân 2,4 GW ở Việt Nam. Nhưng có nhà máy thủy điện như thế

Trong số các nhà xây dựng của Việt Nam mà quá trình đào tạo chuyên nghiệp trải qua trực tiếp ngay tại nơi làm việc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô, có gần 800 người trở thành đội trưởng, 340 người – quản đốc và thợ cả, 100 người - Giám đốc và Phó Giám đốc ủy thác xây dựng. Còn các nhà quản lý lãnh đạo công tác xây dựng như các ông Phan Ngọc Tường, Ngô Xuân Lộc, Thái Phụng Nê và Nguyễn Hồng Quân sau này trở thành các Bộ trưởng của Chính phủ Việt Nam.

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình cho đến hôm nay vẫn có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam, được coi là một trong những đề án hợp tác Nga-Việt lớn nhất, một điển hình rực rỡ sinh động về tình anh em lao động của người Việt và người Nga. Hôm nay chúng ta vẫn rất ngưỡng mộ sự nhiệt tình của họ, tôn vinh ký ức về những người đã cống hiến cả cuộc đời vì chiến thắng chung, cả người Việt Nam và người Nga. Trong quá trình xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, có 168 người hy sinh. Giữa những người nằm xuống trên công trường xây dựng này ở Việt Nam, có 11 chuyên gia Liên Xô. Tượng đài vinh danh và ghi ơn cống hiến của họ đã được dựng lên tại nhà máy Hoà Bình. Tức là, số lượng các nhà xây dựng Liên Xô mất trên công trình sông Đà chỉ ít hơn một chút so với số chuyên gia quân sự Liên Xô hy sinh trong những tháng năm hỗ trợ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước – 13 người.

Chiến thắng trên dòng sông Đen

Hàng trăm chuyên gia Xô-viết góp công sức trí tuệ tham gia xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình nước đã nhận Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhà nước. Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại công trường xây dựng này, ông Pavel Bogachenko đã được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động Việt Nam.

Vụ ô nhiễm nước sông Đà: Cung cấp nước sạch chưa đảm bảo phải nhận trách nhiệm

Năm 2010, Hội Hữu nghị Nga-Việt đã xuất bản ở Matxcơva tuyển tập «Ánh sáng Hoà Bình bất diệt». Những trang sách này là ký ức của hàng chục người từng tham gia công trường xây dựng trạm thuỷ điện, cả người Nga và người Việt. Giá trị đặc biệt của tuyển tập là những bản chụp hàng chục trang từ cuốn nhật ký mà tự tay ông Pavel Bogachenko đã viết trong những ngày đêm trên công trường xây dựng từ năm 1980 đến 1994. Những dòng ghi chép cuối viết rằng:

«Tại cuộc chiêu đãi trọng thể, hướng tới các nhà lãnh đạo của CHXHCN Việt Nam đến thăm nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, tôi đã nói về sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng thêm những nhà thuỷ máy điện mới to lớn để phục vụ cho đất nước này».

Hôm nay, khi chúng ta kỷ niệm 25 năm hoàn thành công trình xây dựng nhà máy thủy điện Hoà Bình, ở Việt Nam đang có hoạt động của nhà máy điện Yaly, Sơn La, Lai Châu, Playkrong và những cơ sở thủy điện, nhiệt điện hùng mạnh khác, rất cần thiết cho đất nước Việt Nam trên đà phát triển như vũ bão.

Thảo luận