Việc phế truất Trump và kịch bản nào tiếp theo cho đàm phán thương mại Trung – Mỹ

“Áp lực từ cuộc điều tra luận tội của Hạ viện Hoa Kì buộc Tổng thống Donald Trump phải tìm kiếm một thoả thuận thương mại hạn chế với Trung Quốc như là một phương thức để củng cố sự ủng hộ chính trị trước cuộc chiến mang tính quyết định về chính quyền của Donald Trump”, - PGS - TS Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao Việt Nam bình luận với Sputnik.
Sputnik

Ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ tuyên bố cần chống Trung Quốc
Chính trường Mỹ hiện nay đang rơi vào một cuộc đấu đá nội bộ nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Watergate nổi tiếng năm 1974 dẫn dến việc tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức 2 năm trước khi mãn nhiệm. Khi mà cái cớ quan hệ giữa Donald Trump với Nga đã trở thành nhàm chán thì các đối thủ của Donald Trump lại tung ra vụ Ukrainagate. Lần này, đảng Dân chủ chọn một phương thức khá giống với phương thức đã từng hạ bệ Richard Nixon hồi năm 1974.

Cuộc đấu đá trên sẽ ảnh hưởng như thế nào tới đàm phán thương mại Trung – Mỹ? Kịch bản tiếp theo của đàm phán này như thế nào? PGS. TS. Đặng Hoàng Linh, Giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình với phóng viên Sputnik.

Trung Quốc muốn kéo dài thời gian, tiến tới thỏa thuận từng bước

Sputnik: Trung Quốc đến nay vẫn từ chối bình luận về việc Hạ viện Mỹ thông qua xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump ngày 18-12-2019. Giới chuyên gia cho rằng, giữa lúc Mỹ và Trung đang nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại, các cuộc thảo luận có thể đối diện những trở ngại mới. Quan điểm của ông như thế nào?

PGS. TS. Đặng Hoàng Linh: Việc quá trình luận tội và xem xét bãi nhiệm tổng thống Mỹ tuy đã được Hạ nghị viện Mỹ chính thức thông qua hôm 18.12.2019. Tuy nhiên việc Trung Quốc không đưa ra bình luận là một động thái dễ hiểu. Thứ nhất, việc không đưa ra những bình luận về quy trình luận tội tổng thống Mỹ đảm bảo tính khách quan không can dự vào chuyện nội bộ chính trị Mỹ của Trung Quốc. Thứ hai, khi hai bên đang có quá trình đàm phán căng thẳng và mới đạt được thỏa thuận ban đầu để tháo gỡ ngòi nổ của một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu nổ ra, việc không “đụng chạm” để làm ông chủ Nhà trắng mếch lòng là cách phù hợp nhất để hy vọng có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Thứ ba, tuy đã được Hạ viện Mỹ do đảng dân chủ chiếm đa số thông qua, việc luận tội Tổng thống còn cần được Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, thông qua với trên 2/3 số phiếu. Điều này đòi hỏi phải có 20/53 Thượng nghị sỹ của Đảng cộng hòa sẽ phải bỏ phiếu đồng ý luận tội Donald Trump, điều gần như không thể xảy ra.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ tuyên bố cần chống Trung Quốc
Trở ngại cơ bản nhất tới nay có thể là những động thái của Mỹ liên quan đến vấn đề nội trị của Trung Quốc. Đạo luật Hồng Kông (Ký ngày 27.11.2019) và dự luật Duy Ngô Nhĩ (được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 3.12.2019), sẽ có thể là một bước cản trở cho quá trình đàm phán. Một trở ngại nữa là sự cứng rắn của đại diện đàm phán phía Mỹ. Ông Lighthizer từng có quan điểm đàm phán có thể kéo dài nhiều năm. Hàm ý rằng Mỹ hoàn toàn không vội và muốn đạt được thỏa thuận có lợi nhất không bị ràng buộc bởi yếu tố thời gian. Và cuối cùng, Trung Quốc, một mặt muốn chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ sớm để không thêm thiệt hại cho nền kinh tế của mình, mặt khác, Trung Quốc cũng có thể không muốn chấp nhận nhiều điều khoản thua thiệt quá, trong khi cuối năm 2020 nước Mỹ đã bầu cử Tổng thống, và việc ông Trump tái cử hoàn toàn không phải là điều chắc chắn. Trên cân nhắc đó, việc Trung Quốc muốn kéo dài thời gian, và chỉ tiến tới thỏa thuận từng bước một cho đến khi chắc chắn về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ có thể trì hoãn quá trình đi tới thống nhất đàm phán.

Triển vọng hoàn tất thoả thuận Mỹ -Trung là khá ảm đạm

Sputnik: Có chuyên gia cho rằng có khả năng còn có kịch bản (tồi tệ nhất) là Trump sẽ châm ngòi lại chiến tranh thương mại nhằm hướng sự chú ý của công chúng theo chiều khác khỏi quá trình xem xét bãi nhiệm ông. Nhìn nhận của ông về khả năng này như thế nào?

PGS - TS Đặng Hoàng Linh: Theo tôi,

- Áp lực từ cuộc điều tra luận tội của Hạ viện Hoa Kì buộc Tổng thống Donald Trump phải tìm kiếm một thoả thuận thương mại hạn chế với Trung Quốc như là một phương thức để củng cố sự ủng hộ chính trị trước cuộc chiến mang tính quyết định về chính quyền của Donald Trump.

- Trump cần hoàn thành nhanh chóng thoả thuận với Trung quốc để thể hiện rằng Trump thực sự đã tạo ra những bước tiến quan trong trong cuộc đàm phán này.

Trung Quốc phản đối Mỹ vì đã trục xuất các nhà ngoại giao của nước này
- Trump đã tìm cách hướng dư luận ra khỏi cuộc điều tra, ca ngợi nền kinh tế Hoa Kỳ và một thỏa thuận thương mại sắp tới với Trung Quốc. Trump phát biểu trước báo chí “Chúng ta đã tạo ra một nền kinh tế hùng mạnh nhất trong lịch sử quốc gia, một nền kinh tế hung mạnh nhất trên thế giới… Giờ đây Trung Quốc đang bị bỏ lại phía sau và họ không bao giờ có thể đuổi kịp được ta nếu như chúng ta có một sự lãnh đạo thông minh” …”Chúng ta đã thu được hàng nghìn tỷ đô la và họ mất hàng nghìn tỷ đô la và họ thực sự muốn hoàn tất thoả thuận này. Điều này có thể xảy ra và thậm chí sẽ xảy ra sớm hơn mọi người nghĩ.”

 - Tuy nhiên, triển vọng hoàn tất thoả thuận này khá ảm đạm khi hai bên đều kháng cự với bất kì sự thoả hiệp đáng kể nào. Trung quốc thậm chí còn có khuynh hướng sẽ không thoả thuận, nếu Trung Quốc xác định Donald Trump có thể gặp rắc rối về chính trị.

- Ít ai thấy được các dấu hiệu xuất hiện sớm của một hiệp ước toàn diện như ông Trump đã hứa hẹn, do mối quan hệ tương tác ngày càng bất lợi giữa hai quốc gia và sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền Trump đối với thuế quan. Tổng thống Trump thậm chí có thể cứng rắn hơn lập trường của mình đối với Trung Quốc như một cách để làm nổi bật thành tích và nền tảng chính trị của mình.

Trung Quốc: Sẽ tốt nhất nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng

Sputnik: Đánh giá của ông về đàm phán Mỹ-Trung trong cuộc chiến tranh thương mại có thể diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

PGS - TS Đặng Hoàng Linh Hai bên đã đạt được thoả thuận giai đoạn 1, cụ thể Washington sẽ duy trì mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và mức thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác sẽ được giảm xuống còn 7,5 %. Vòng đánh thuế tiếp theo, vốn lên kế hoạch vào cuối tuần này và nhằm vào 160 tỷ USD hàng hóa, sẽ bị hủy bỏ. Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thu Văn,  theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm một số phần thuế đã áp lên số hàng hóa trị giá 360 tỷ USD của Trung Quốc. Thuế suất sẽ giảm "theo từng giai đoạn" và Mỹ đã đồng ý sẽ miễn trừ thuế cho một số hàng hóa Trung Quốc. Thỏa thuận này cũng bao gồm cam kết của Bắc Kinh về việc mua thêm nông sản Mỹ, thắt chặt luật pháp để bảo vệ các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc, siết luật sở hữu trí tuệ, tăng cường minh bạch tiền tệ.

Mỹ: Các nước chung chí hướng cần đoàn kết chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á

 Về kịch bản tiếp theo cho cuộc đàm phán Mỹ-Trung, thì theo đánh giá của tôi:

Phía Trung Quốc: Các chuyên gia cho rằng nếu Tổng thống Donald Trump không đình chỉ thuế quan mới, các quan chức Bắc Kinh sẽ áp dụng nhiều mức thuế hơn đối với hàng hóa của Mỹ và có thể đình chỉ các cuộc đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 1/2020. Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ ít có khuynh hướng thoả hiệp hơn khi lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể bị phế truất.

- Phía Mỹ: Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần kề, vấn đề Trung Quốc đang ngày một trở nên nóng hơn, Tổng thống tiếp theo sẽ khó có thể tránh được những tranh chấp đang ngày một gia tăng với Trung Quốc. Do đó, kết quả của cuộc bầu cử sẽ có tác động rất lớn đến việc mối quan hệ thương mại giữa 2 nước.

Theo quan điểm của Trung Quốc, sẽ tốt nhất nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng do ông Biden xem trọng tự do thương mại và hợp tác song phương với Trung Quốc hơn là đối đầu. Ông Biden đã bác bỏ một cách rõ ràng, về mối đe dọa cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời phê bình thẳng thắn về cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc.

Chiến thắng của ông Biden sẽ tạo ra một sự đảo ngược đáng kể, và có thể dẫn đến sự việc bãi bỏ thuế quan mà chính quyền Trump đã áp dụng. Các nhà đầu tư Trung Quốc một lần nữa sẽ tự tin rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ mua nhiều hơn các sản phẩm Trung Quốc, khiến họ đầu tư nhiều hơn và kích thích kinh tế Trung Quốc đi lên. Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ được hưởng lợi khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vốn sẽ lại rẻ như trước [sau khi bãi bỏ thuế quan]. Và các nhà sản xuất Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm khi có thể mua nguyên liệu từ Trung Quốc

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh đã bị đảo lộn quá nhiều trong gần 3 năm qua kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, các nhà sản xuất Trung Quốc dường như không muốn thực hiện những khoản đầu tư dài hạn, chỉ dành riêng cho thị trường Mỹ nữa. Hơn nữa, doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc đã tìm đến các nguồn cung mới. Do đó, họ sẽ không sẵn lòng thay đổi thêm nữa. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng chậm lại và nông dân Mỹ sẽ vẫn hứng chịu thiệt hại, ngay cả dưới thời của ông Biden, nếu ông trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.

Mỹ có thể áp dụng biện pháp với Việt Nam tương tự Trung Quốc?

Trong khi đó, với thượng nghị sĩ Bernie Sanders, mối quan tâm đầu tiên và quan trọng nhất của ông Sanders là số phận tầng lớp lao động Mỹ. Ông nhận thức rõ việc những người lao động Mỹ đã phải chịu đựng như thế nào vì sự cạnh tranh của Trung Quốc. Vào tháng 5/2019, ông Sanders tuyên bố, “thật sai lầm khi cho rằng Trung Quốc không phải là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn về kinh tế của Mỹ. Khi chúng tôi ở Nhà Trắng, chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong đối đầu đó”. Do đó, rất có khả năng ông Sanders sẽ duy trì cuộc chiến thương mại của Trump dưới một hình thức nào đó.

Theo quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, chiến thắng của bà Elizabeth Warren sẽ là điều tồi tệ nhất. Bà Warren cho biết cách, tiếp cận của bà là chủ nghĩa yêu nước trong lĩnh vực kinh tế, nhằm hỗ trợ người lao động và các nhà xuất khẩu Mỹ. Cùng với đó, những chỉ trích của bà Warren về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc cũng vượt xa ông Trump. Do đó, việc bà Warren trúng cử có thể sẽ dẫn đến xung đột chính trị nhiều hơn với Trung Quốc, cũng như tiếp tục các chính sách làm suy yếu các công ty công nghệ Trung Quốc liên kết với quân đội của nước này.

Sputnik: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik.

Thảo luận