Việt Nam sẽ cầm lái con tàu ASEAN thành công

Việt Nam được kỳ vọng trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ khai thác nhiều cơ hội và giải quyết những thách thức, tiếp tục cầm lái, dẫn dắt con tàu ASEAN thành công.
Sputnik

Việt Nam và Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng

Tính đến thời điểm hiện tại, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị và sẵn sàng đóng góp tích cực cho thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Chủ đề năm nay mà Việt Nam và các nước thành viên cùng đồng thuận lựa chọn chính là “Gắn kết và chủ động thích ứng”.

Với mục tiêu “Gắn kết”, Việt Nam mong muốn cùng các thành viên trong khu vực và đối tác củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, gắn bó từng người dân, lấy người dân làm trung tâm cho mọi hành động.

Hà Nội tin rằng, “Chủ động thích ứng” nghĩa là có sự linh hoạt điều chỉnh trước hàng loạt diễn biến khó lường của tình hình khu vực cũng như thế giới, cơ hội và thách thức đan xen, cũng như sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái Đoàn Thường trực Việt Nam tại ASEAN, với tư cách là đại diện thường trực của nước Chủ tịch ASEAN 2020, Phái đoàn sẽ chủ trì khoảng 300 cuộc họp xuyên suốt năm 2020.

Nhằm giải quyết khối lượng công việc lớn trong Năm Chủ tịch, phái đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan trong nước và Ban thư ký ASEAN tại Jakarta; tăng cường tham vấn, chia sẻ thông tin với các nước thành viên thông qua Ủy ban các đại diện thường trực, các cơ chế hợp tác cấp đại sứ giữa ASEAN và đối tác.

Việt Nam bắt đầu làm Chủ tịch ASEAN

Phái đoàn cũng dự kiến đề xuất thông qua quy chế hoặc hình thức nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các kênh trong hợp tác ASEAN; đồng thời tham gia đàm phán nhiều văn kiện hợp tác giữa ASEAN với đối tác.

Dự kiến trong năm 2020, ASEAN có đến 7 kế hoạch hành động với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga, Mỹ, Canada. Các kế hoạch hành động này sẽ được xây dựng và trình các bộ trưởng cũng như lãnh đạo cấp cao thông qua.

Nói về thành tựu đạt được trong năm 2019, Đại sứ Trần Đức Bình cho rằng hợp tác khu vực và chương trình kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được thực hiện rất hiệu quả với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” của năm 2019, tiếp nối cho chủ đề “Một ASEAN tự cường và sáng tạo” của năm 2018.

“ASEAN thực sự đã trưởng thành và có những bước phát triển rất quan trọng trong nỗ lực xây dựng cộng đồng cũng như trong việc duy trì vai trò trung tâm của mình ở khu vực”, ông Trần Đức Bình chia sẻ với TTXVN biết khẳng định.

Thành tích của Phái đoàn Việt Nam sẵn sàng cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Năm qua, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã tham gia tích cực trong nhiều hoạt động chung của ASEAN tại Jakarta, cũng như trong khuôn khổ Ủy ban các đại diện thường trực, đóng góp cho hợp tác trong nội khối cũng như hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.

Đầu tiên, theo Đại sứ Trần Đức Bình phái đoàn đã tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Hiến chương ASEAN, bao gồm giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các quyết định cấp cao cũng như các nỗ lực chung trong xây dựng cộng đồng; cùng nhau thảo luận và tìm ra những vấn đề, những điểm vướng mắc cần phải tháo gỡ đặc biệt là trong việc điều phối liên trụ cột.

Việt Nam đã sẵn sàng làm Chủ tịch ASEAN ngay đầu tháng 11

Tiếp theo, phái đoàn đã tham gia điều phối và thúc đẩy các hoạt động chung với vai trò là thành viên Ủy ban điều phối kết nối ASEAN. Đặc biệt, phái đoàn và các đại diện thường trực khác đã cùng Ban thư ký ASEAN và các nhà tư vấn công bố danh mục các dự án ưu tiên đầu tư hạ tầng.

Theo Đại sứ Trần Đức Bình, đây là cơ sở rất quan trọng để mời gọi các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tham gia hỗ trợ ASEAN phát triển hạ tầng cơ sở, tăng cường kết nối, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư cũng như di chuyển của người dân và du lịch giữa các quốc gia.

Điều thứ ba mà Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại ASEAN đề cập chính là phía Việt Nam đã tham gia thiết thực trong Nhóm đặc trách về Sáng kiến liên kết ASEAN, sáng kiến vốn được Việt Nam đề xuất và thông qua năm 2000 khi giữ chức Chủ tịch Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN giai đoạn 2000-2001.

“Đây là cơ sở để các nước hợp tác với nhau và hỗ trợ các nước kém phát triển thu hẹp khoảng cách”, Đại sứ nhấn mạnh.

Ngoài ra, phái đoàn cùng đại diện thường trực các nước tại ASEAN đã thực hiện vai trò là đầu mối triển khai, giám sát và thúc đẩy các dự án hợp tác giữa các nước ASEAN với đối tác của khu vực.

Một hoạt động vô cùng quan trọng khác là phái đoàn đã soạn thảo và trình các Bộ trưởng cùng lãnh đạo cấp cao thông qua các văn kiện hết sức quan trọng như Tuyên bố chung ASEAN-EU về hợp tác về an ninh mạng, Kế hoạch hành động ASEAN-Australia giai đoạn 2020-2024, Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Đông Á về hợp tác phòng chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN +3 về sáng kiến kết nối các kết nối, Tuyên bố về hài hòa giữa các sáng kiến kết nối của ASEAN với sáng kiến “Vành đai - con đường” của Trung Quốc, Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc.

Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại ASEAN nhấn mạnh, tất cả những văn kiện mà phái đoàn đã tham gia xây dựng đều thể hiện lập trường chung của ASEAN nhưng đồng thời cũng thể hiện được những ưu tiên quan trọng của Việt Nam trong hợp tác ASEAN.

Điều thứ năm mà Đại sứ Trần Đức Bình nhấn mạnh đến trong vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Phái đoàn Việt Nam đã chủ trì và triển khai nhiều hoạt động hợp tác giữa Phái đoàn Nhật Bản tại ASEAN cũng như với Bộ ngoại giao Nhật Bản.

Đại sứ lấy minh chứng việc Phái đoàn đã thúc đẩy để ký Hiệp định hợp tác kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản.

Hiệp định này được xem là nền tảng rất quan trọng hỗ trợ cho Nhật Bản tăng cường hỗ trợ hợp tác về kỹ thuật cho tất cả các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, phái đoàn đã thúc đẩy triển khai 2 dự án về đào tạo trong khuôn khổ Hiệp định này. Dự kiến, hiện Phái đoàn đang rà soát và sẽ kiến nghị thúc đẩy triển khai ít nhất 3 dự án nữa trong năm 2020. Phái đoàn cũng chủ trì xây dựng Tuyên bố tầm nhìn của lãnh đạo cấp cao ASEAN-Nhật Bản trong lĩnh vực hợp tác về kết nối. Theo Đại sứ Trần Đức Bình, đây cũng là việc hết sức quan trọng, kết hợp nhiều nguyên tắc và những ưu tiên hiện nay trong khuôn khổ G20.

“Đây là cơ sở cho hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở nhưng đồng thời cũng là cơ sở cho hợp tác giữa ASEAN với tất cả các đối tác khác”, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại ASEAN cho hay.

Thêm vào đó, Đại sứ Trần Đức Bình cho biết Việt Nam trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Phái đoàn còn phối hợp với trong nước thúc đẩy và lần đầu tiên tổ chức Ngày ASEAN-Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản.

Với việc đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết, sự hội nhập của khu vực cũng như tăng cường tầm quan trọng của ASEAN trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đồng thời đảm nhận trọng trách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trước khi làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức này

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã nhấn mạnh:

“Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò và trách nhiệm trong giải quyết vấn đề toàn cầu”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đã rất sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

Đặc biệt, Việt Nam còn đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội hiếm có để mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm điều phối của ASEAN đối với các vấn đề quan hệ quốc tế.

Thảo luận