EVN mua điện từ 5 nhà máy của Lào
Ngày 4/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì kì họp lần thứ 42, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào.
Với sự chứng kiến của hai vị Thủ tướng, Việt Nam và Lào đã kí kết hàng loạt hợp đồng liên quan đến ngành điện. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ mua điện từ dự án thuỷ điện Nậm San 3A và Nậm San 3B của Tập đoàn Phongsubthavy từ năm 2022, với tổng sản lượng hơn 596 triệu kWh mỗi năm.
Còn với 3 dự án của Tập đoàn Chealun Sekong, EVN sẽ mua điện từ năm 2022 tại 3 dự án là thuỷ điện Nậm Emoun và Nậm Kông 2, 3, ổng sản lượng gần 632 triệu kWh một năm. Riêng dự án Nậm Kông 2 sẽ bắt đầu cấp điện cho Việt Nam từ năm sau, với sản lượng mỗi năm hơn 263 triệu kWh.
Sau khi hợp đồng đi vào thực tiễn, tổng cộng, mỗi năm Việt Nam sẽ nhập gần 1,5 tỉ kWh điện từ Lào, để đảm bảo cung ứng điện, bên cạnh các nguồn điện trong nước. Chủ trương mua điện trên đã được Thủ tướng chấp thuận trong năm vừa 2019. Việc đàm phán các hợp đồng mua bán điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, lượng điện thiếu hụt sẽ lên đến 3,7 tỷ kWh vào năm sau. Con số này sẽ tăng lên gần 10 tỷ kWh trong năm 2022. Đến năm 2023, Việt Nam đối mặt với bài toán 15 tỷ kWh điện bị thiếu hụt. Lãnh đạo Bộ từng chia sẻ với báo chí, khả quan nhất, cả nước chỉ có thể tiết kiệm 5-8% điện, nên chỉ còn cách bù nguồn điện hiện thời là mua thêm từ Lào, Trung Quốc.
Theo lộ trình, lượng điện thiếu hụt sẽ giảm xuống còn 7 tỷ kWh vào năm 2024 và 3,5 tỷ kWh vào năm 2025. Ben cạnh đó, Bộ Công Thương xác định rõ việc nhập khẩu điện từ các nước lân cận chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án năng lượng lớn trong nước.
Việt Nam – Lào tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng
Tại kỳ họp 42 Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào, hợp tác năng lượng đã trở thành một nội dung hợp tác chính. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan cũng như doanh nghiệp và chủ đầu tư hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hợp tác năng lượng và mỏ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, làm động lực phát triển kinh tế giữa hai nước.
Trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết phía Lào đang nghiên cứu khả thi 20 dự án, trong đó có các dự án điện công suất cao. Hiện nay, Lào tập trung nguồn sản xuất, xây dựng đường dây Bắc - Nam để trao đổi thương mại điện với các nước trong khu vực.
Trong năm 2019, hợp tác năng lượng đã đạt kết quả tích cực. Trong đó, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã hoàn thành đàm phán và ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ nhân chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án: nhà máy thủy điện (NMTĐ) Nậm Kông 1, 2, 3 (Tỉnh Atapeu) và Nậm Emoun (Tỉnh Sekong); Cụm NMTĐ Nậm Mô (Tỉnh Xiêng-khoảng), dự án Thủy điện Nậm Sum (Tỉnh Hủa Phăn).
Hai nước đã tích cực triển khai đàm phán và thống nhất hợp đồng mua bán điện của phần lớn các dự án NMTĐ được phê duyệt chủ trương nhập khẩu bao gồm Nậm Kông 2, 3, Nậm Emoun, Nậm Sun 3A, 3B.