Trang sức pháp lam Huế trên bạc cho Tết Canh Tý được lấy cảm hứng từ pháp lam Nga

“Chính những tác phẩm pháp lam Nga trên bạc thế kỷ XIII -XIV đã mang lại cho tôi cảm hứng làm đồ trang sức pháp lam Huế trên bạc”, - Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty Thái Hưng, người khôi phục nghề pháp lam Huế nói với phóng viên Sputnik.
Sputnik

Tết là dịp có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam. Trong những ngày này, các nghệ nhân đang say sưa tạo nên những tác phẩm đặc sắc đón chào năm mới. Tại Huế - kinh đô xưa của Việt Nam, các nghệ nhân pháp lam cũng vậy. Phóng viên Sputnik đã có chuyến tham quan xưởng sản xuất sản phẩm pháp lam  tại Huế.

Những sản phẩm pháp lam Huế cho Tết năm Canh Tý

Mặt tượng dây chuyền này và đôi khuyên (ảnh 1) là một sản phẩm pháp lam Huế trên bạc dành cho Tết Nguyên Đán năm Canh Tý 2020. Hoa văn của bộ trang sức này được lấy cảm hứng từ một đoạn hoa văn tay áo hoàng bào của vua chúa Nguyễn.

Trang sức pháp lam Huế trên bạc cho Tết Canh Tý được lấy cảm hứng từ pháp lam Nga

“Hoa văn trang sức có nhiều mẫu mã. Đồ trang sức phải tinh xảo, đẹp, nếu có thêm ý nghĩa nữa thì rất tốt. Trên mặt tượng này, họa tiết là mây và nước, màu sắc đẹp, hài hòa. Mây nước thì luôn luôn mang tới sự sống động, uyển chuyển và phát sinh sinh khí. Đó là những cái đẹp mà chúng tôi muốn mang đến cho mọi người dịp đầu năm”, - Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty Thái Hưng, người khôi phục nghề pháp lam Huế nói với phóng viên Sputnik.

Tết nguyên đán là dịp lễ rất quan trọng với người Việt. Nhà nhà trang trí  nhà cửa để đón Tết, để tiếp khách. Hiểu được nhu cầu đó, những nghệ nhân pháp lam Huế đang chuẩn bị những bộ tranh “Tứ Thời” nói về sự luân chuyển của bốn mùa xuân – hạ - thu - đông, hoa lá, cỏ cây xanh tươi, chim chóc. Theo truyền thống, từ trước tới nay, người Việt rất thích loại tranh này.

Trang sức pháp lam Huế trên bạc cho Tết Canh Tý được lấy cảm hứng từ pháp lam Nga
“Riêng tranh Tứ Thời của Pháp Lam thì các họa sĩ đã chuyển tải được giá trị nghệ thuật của Pháp Lam vào tranh, nâng tầm giá trị nghệ thuật đó lên nữa. Rồi những sản phẩm khác như đồ trang sức. Dành cho Tết chúng tôi sản xuất những đồ trang sức đẹp và mới, tráng men trên bạc. Ngoài ra còn có những vật dụng trong gia đình như đĩa, khay mứt”, - Anh Đỗ Hữu Triết, người khôi phục nghề pháp lam Huế chia sẻ với Sputnik. 
Trang sức pháp lam Huế trên bạc cho Tết Canh Tý được lấy cảm hứng từ pháp lam Nga

Lấy cảm hứng từ pháp lam Nga

Nhìn những trang sức bằng vàng và bạc pháp lam Nga thế kỷ XIII - XVI chúng ta thấy những tông màu xanh với nhiều sắc độ từ xanh lam, xanh nước đến xanh ngọc, xanh tím, xanh lục và cả các tông màu đỏ đậm. Và những sắc màu đó thấy trên những sản phẩm pháp lam Huế hiện nay, đặc biệt trên trang sức.

Trang sức pháp lam Huế trên bạc cho Tết Canh Tý được lấy cảm hứng từ pháp lam Nga
“Pháp lam Nga là một dòng rất đặc biệt, có sắc thái và bản sắc rất riêng. Chính trang sức trên bạc là tôi học từ pháp lam Nga. Những hộp trang sức pháp lam của Nga được làm từ xa xưa, từ những thế kỷ 13-14, bằng bạc, tráng men trên bạc, chỉ giới quý tộc quyền quý mới có những sản phẩm đó. Tôi tìm hiểu được về pháp lam Nga qua sách báo và tôi đã thực sự ấn tượng. Khi tôi cho làm những đồ trang sức, thì tất nhiên, không thể làm đồ trang sức tráng men trên đồng được, vì yếu tố không tốt sức khỏe, mà chỉ trên bạc. Và chính những tác phẩm pháp lam Nga trên bạc đã mang lại cho tôi cảm hứng làm đồ trang sức pháp lam Huế trên bạc”, - Anh Đỗ Hữu Triết nói với Sputnik.

Từ sản phẩm Tết tới mong muốn tiếp cận thị trường Nga

Pháp lam sang Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, chỉ phục vụ cho giới cung đình. Và đến đời vua Thiệu Trị thì pháp lam đã bị mai một. Anh Đỗ Hữu Triết  cùng các đồng nghiệp  đã phục hồi pháp lam Huế 20 năm nay. Trong giai đoạn này sứ mệnh là phục hồi và phát triển, trước hết phục vụ cho trùng tu các di tích hoàng thành đáp ứng yêu cầu về bảo tồn di sản ở Huế.

Trang sức pháp lam Huế trên bạc cho Tết Canh Tý được lấy cảm hứng từ pháp lam Nga
”Cùng với bảo tồn và trùng tu, chúng tôi đã phục hồi được cái nghề. Đây là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải sản phẩm, vì nghề sẽ được lưu trữ đời này sang đời khác. Muốn giữ được nghề lâu thì phải có định hướng về phát triển, phù hợp với những nhu cầu mới của cuộc sống. Đó là con đường của pháp lam Huế đang đi và tiến tới”, - Anh Đỗ Hữu Triết tâm sự với Sputnik.

Hiện nay, pháp lam phát triển theo nhiều hướng, nhiều dòng sản phẩm. Và người khôi phục pháp lam Huế tâm huyết với việc đưa sản phẩm pháp lam Huế, trước hết là đồ trang sức pháp lam ra thị trường nước ngoài, trong đó có nước Nga.

“Tôi nghĩ, dòng sản phẩm trang sức pháp lam có tính nghệ thuật khá cao, có thể cạnh tranh được. Với thị trường Nga, tôi muốn phát triển dòng trang sức hợp với nhu cầu thẩm mỹ của người Nga. Trước hết, tôi sẽ cố gắng giới thiệu sản phẩm trang sức pháp lam tại Nga, rồi sau đó mới tìm cách vào thị trường tiềm năng này. Về kỹ thuật, mỹ thuật chúng tôi đều đảm bảo, về giá thành thì sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với những sản phẩm tương đương trên thế giới”, - Người khôi phục nghề pháp lam Huế nói với Sputnik.
Thảo luận