Năm buồn của thịt heo: dịch tả toàn cầu sẽ làm cho thế giới bị thiếu thịt lợn

Matxcơva (Sputnik) - Dịch tả lợn châu Phi có quy mô lớn nhất trong lịch sử đã tiêu diệt một phần tư đàn heo trên thế giới. Ở một số quốc gia, chỉ trong một năm khoảng một nửa số lợn bị chết do virus này, và các nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thịt nặng. Không ai biết khi nào dịch tả sẽ biến mất.
Sputnik

Dịch tả lợn châu Phi

Trung Quốc - nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới - bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch tả heo châu Phi (ASF).

Năm 2018, tại các trang trại Trung Quốc đã có hơn 435 triệu con lợn (để so sánh, ở Hoa Kỳ chỉ có 73 triệu con). Bây giờ, theo các nhà phân tích của công ty tài chính chuyên hoạt động trong ngành thực phẩm Rabobank, ở Trung Quốc chỉ còn lại 175 triệu con.

Thịt lợn được công nhận là mối đe dọa cho nền kinh tế Trung Quốc

Virus ASF đã lan xa ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Dịch tả đang hoành hành ở Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines. Dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận ở Bỉ, Bulgaria, Hungary, Latvia, Ba Lan, Romania và Ukraina.

Dịch tả lợn đã ảnh hưởng đến 50 quốc gia, kể cả Nga. Chắc là, virus ASF đã xâm nhập Nga từ Trung Quốc cùng với lợn rừng bị nhiễm bệnh. Trong những tháng gần đây, ở vùng Amur đã ghi nhận hơn sáu mươi trường hợp của dịch lợn ASF.

 Chỉ riêng trong tháng 11, 275 động vật đã chết trong khu vực, và 2.473 con khác đã bị tiêu hủy để ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Tuy nhiên, ở vùng Viễn Đông, chỉ có khoảng 2% đàn lợn của Nga.

Dịch tả ASF đã biến thành một vấn đề kinh tế. Trước hết bởi vì nông dân phải chịu thiệt hại lớn. Ví dị, tại Trung Quốc, thiệt hại trực tiếp do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra ước tính khoảng một nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ đô la).

 Thứ hai, nguồn cung thiếu hụt làm giá thịt lợn gia tăng và đẩy lạm phát tăng cao. Vào tháng 12, tại Trung Quốc, giá thịt lợn đã tăng thêm 8% (96% tính theo năm) và chỉ số lạm phát đã lên mức cao nhất trong tám năm qua - 4,5%.

Vì thịt lợn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng thịt của Trung Quốc, điều này tạo ra những khó khăn lớn. Theo South China Morning Post (SCMP), ở các vùng hẻo lánh của Trung Quốc, thịt chó đang dần quay trở lại bàn ăn của các gia đình nông thôn. Mà món này vốn vắng bóng cho đến mãi gần đây.

Tìm thực phẩm bù đắp thịt heo

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, người ta đang thảo luận tích cực về việc một miếng thịt lợn là món quà tốt nhất nhân dịp lễ kỷ niệm nào. Còn các ngân hàng thu hút khách hàng bằng cách hứa sẽ cho một lát thịt xông khói - và điều đó mang lại kết quả.

Mafia lại trỗi dậy

Giá thịt lợn tăng mạnh đã thu hút sự chú ý của mafia Trung Quốc - Hội Tam Hoàng. Những kẻ tội phạm tung tin đồn về việc ở một khu vực nhất định đã bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, thậm chí vứt xác lợn chết bên vệ đường để buộc nông dân tin vào điều đó. Và sau đó chúng mua thịt lợn với giá rẻ.

Và đây không phải là trường hợp tồi tệ nhất. Những kẻ này thậm chí sử dụng cả thiết bị bay không người lái để thả các vật phẩm bị nhiễm bệnh vào các trang trại lợn, đặt thức ăn nhiễm bệnh vào chuồng lợn. Mục đích của các băng nhóm này là nhằm lan truyền bệnh dịch, ép nông dân phải bán tháo lợn với giá thấp để thu mua rồi bán lại dưới dạng lợn sạch với giá cao. Chúng thường buôn lậu lợn sống hoặc thịt lợn đến các khu vực khác để bán được giá, bất chấp lệnh cấm vận chuyển thịt lợn giữa các tỉnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo ước tính, bằng cách này, những kẻ tội phạm có thể thu lời tới 500 USD mỗi con lợn, vì thế tích cực đầu cơ lợn với số lượng lớn.

Sức tiêu thụ thịt heo vẫn giảm

Ví dụ, chỉ riêng tại tỉnh Vân Nam, giới chức địa phương đã triệt phá thành công nhiều vụ vận chuyển lậu lên đến 10.000 con lợn sống, trong đó có cả những con bị nhiễm bệnh, từ đây đi các tỉnh thành khác. Một băng nhóm khác đã vận chuyển trái phép 4.000 con lợn chỉ trong một ngày. Trong sáu tháng qua đã phát hiện mấy trường hợp bọn tội phạm cố gắng vận chuyển thịt bị nhiễm từ Trung Quốc sang Nga.

Để đấu tranh chống mafia, những trang trại chăn nuôi lợn ở Trung Quốc phải mua thiết bị để chống lại máy bay không người lái. Đôi khi những drone gây ra sự cố, ví dụ, trang trại nuôi lợn Heilongjiang Dabeinong  gần Cáp Nhĩ Tân vô tình đã làm nhiễu các hệ thống dẫn đường của một số máy bay thương mại.

Điều đáng chú ý là chính quyền không khởi xướng tố tụng hình sự đối với những người chăn nuôi lợn mà chỉ yêu cầu họ giao nộp thiết bị khóa sóng radio chưa được cấp phép.

Hy vọng cuối cùng

 Các chuyên gia không biết khi nào dịch ASF sẽ được khống chế hoàn toàn, nhưng, tất cả họ đều cho rằng, dịch tả lợn châu Phi sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Các nhà phân tích của Rabobank cho biết, không nên chờ đợi những thay đổi tích cực trong 1-2 năm nữa.

Họ cho rằng, dịch ASF có thể được khống chế hoàn toàn trong vòng 4-6 năm sau sự ra đời của vắc xin ASF. Nhưng vẫn chưa có vắc-xin và chưa biết liệu nó có thể được tạo ra hay không. Trong mọi trường hợp, chừng nào chưa có vắcxin phòng bệnh, Trung Quốc có thể mất ít nhất 70% đàn lợn, và toàn thế giới có thể mất khoảng một nửa.

Thu mua lợn sạch, cấp đông thịt để đối phó dịch tả lợn châu Phi

Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng nổ dịch ASF buộc phải tăng nhập khẩu thịt lợn từ các nước Bắc và Nam Mỹ, cũng như châu Âu, tức là các khu vực không bị ô nhiễm. Theo Cơ quan Hải quan Trung ương, trong năm ngoái Trung Quốc đã nhập 1,32 triệu tấn thịt lợn, gấp 1,5 lần so với năm 2018.

Các chuyên gia chắc chắn rằng, Bắc Kinh đã làm dịu lập trường trong cuộc tranh chấp thương mại với Washington chủ yếu do dịch ASF. Hoa Kỳ là nhà cung cấp thịt lợn chính cho Trung Quốc, và bây giờ Bắc Kinh  lại tăng mua thịt lợn từ Mỹ, điều mà chính quyền Trump coi là sự sẵn sàng thỏa hiệp.

Đồng thời, Bắc Kinh đang tăng mua thịt từ Brazil và đang xem xét khả năng mua thịt lợn từ Nga, nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 6 thế giới. Bắc Kinh đang tiến hành cuộc đàm phán với Tập đoàn Cherkizovo, nhà sản xuất thịt lớn nhất ở Nga.

Vào cuối tháng 11, Việt Nam, nước đã mất gần một phần tư đàn lợn do dịch ASF, đưa tin về các lô hàng thịt lợn mua từ Nga. Như dự kiến, Việt Nam ​​sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo cả năm, mà đây là triển vọng tốt cho các nhà sản xuất Nga.

Theo ước tính của Liên minh các nhà chăn nuôi lợn của Nga, năm 2020, xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn sẽ tăng thêm 10%, ngay cả nếu Trung Quốc không mở cửa thị trường cho Nga. Đến năm 2025, lượng thịt lợn mà Nga xuất khẩu có thể tăng gấp 4-5 lần.

Thảo luận