Vì sao tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ dừng dự án Vinpearl Air?

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa bất ngờ ngừng dự án Vinpearl Air, rút khỏi mảng hàng không, nhưng vẫn duy trì Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation.
Sputnik

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngừng Vinpearl Air

Ngày 14.11, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cam kết vẫn duy trì hoạt động Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation như cam kết trước đó với các học viên.

Cụ thể, đại diện của Vingroup xác nhận đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Điều này đồng nghĩa với nhiều khả năng Hãng hàng không Vinpearl Air sẽ ngừng cất cánh. Thông báo phát đi của Vingroup cũng thông tin về tương lai của dự án Hãng hàng không này.

Cục Hàng không, chuyên gia nói gì về hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?

Lý giải về quyết định này, đại diện Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup.

“Quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên”, đại diện tập đoàn Vingroup nhấn mạnh.

Dù rút khỏi mảng kinh doanh hàng không, nhưng Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không.

Tuy nhiên, thông tin xuất hiện ngày 14.1 về việc Tập đoàn Vingroup ngừng dự án Vinpearl Air, rút khỏi mảng hàng không gây nên sự ngạc nhiên lớn đối với nhiều người.

Đại diện Vingroup lên tiếng về việc rút khỏi mảng hàng không

Phát biểu chia sẻ về quyết định bất ngờ của Tập đoàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang lý giải, dù thị trường hàng không Việt Nam hiện còn rất nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng có nhiều công ty lớn đang tham gia kinh doanh mảng hàng không.

“Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết.

Năm 2018, Vingroup công bố chiến lược phát triển và đặt mục tiêu sẽ trở thành tập đoàn công nghệ- công nghiệp, thương mại-dịch vụ hàng đầu Việt Nam trong vòng 10 năm.

Bước đi quan trọng đầu tiên để hiện thực hóa chiến lược này chính là việc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã rút khỏi mảng kinh doanh và bán lẻ với cái bắt tay nghìn tỷ cùng ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang. Cụ thể, đầu tháng 12.2019, Vingroup và Tập đoàn Masan thỏa thuận sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (đơn vị vận hành VinMart và VinMart+) và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Nửa tháng sau đó, Adayroi dừng hoạt động, tích hợp vào ứng dụng VinID, trong khi VinPro bị giải thể - đánh dấu việc Vingroup rút hẳn mảng bán lẻ.

Vinpearl Air có phải hãng hàng không của tỷ phú Vượng?

Theo đại diện của Vingroup, quyết định dừng đầu tư kinh doanh vận tải hàng không là bước đi quan trọng giúp tái cơ cấu hoạt động, tập trung vào các ưu tiên cốt lõi của tập đoàn.

Trước đó, Vingroup đã tiến hành thủ tục đổi tên Công ty Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia (được thành lập từ tháng 6.2017) thành công ty Hàng không Vinpearl Air với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Đáng chú ý, Ttrước đó, ngày 24.7.2019, tập đoàn Vingroup công bố hợp tác với tập đoàn CAE của Canada trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

Theo dự kiến, mỗi năm có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và EASA được cung ứng ra thị trường. Vingroup cho biết cũng sẽ đào tạo các nhân sự khác trong ngành hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không, quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay.

Vinpearl Air: Giấc mơ dang dở của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?

Vingroup năm ngoài gửi hồ sơ xin cơ quan chức năng thực hiện và xúc tiến các thủ tục để thành lập hãng hàng không Vinpearl Air. 

Vào cuối tháng 12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng quyết định chủ trương lập hàng hàng không Vinpearl Air. Doanh nghiệp kinh doanh mảng hàng không của tỷ phú Vượng nêu rõ thời điểm cất cánh dự kiến là tháng 7.2020 nếu được phê duyệt. Lượng máy bay khai thác trong năm đầu là 6 chiếc thân hẹp loại 150-220 ghế. Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay và đến năm 2024 đạt 30 chiếc. Theo quan điểm của Bộ Giao thông vận tải, quy mô đội máy bay 6 chiếc ban đầu của Vinpearl Air và 30 chiếc vào năm 2025 là phù hợp với kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 như quy hoạch giao thông hàng không định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Trong 5 năm đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ tập trung duy trì số chuyến khai thác tại Nội Bài luôn trên mức 30% tổng số chuyến của hãng. Tại Tân Sơn Nhất, hãng sẽ khai thác 21 chuyến/tuần trong năm đầu tiên (chiếm 14,3%) và 112 chuyến/tuần trong năm thứ 5 (19,7%).

Ông Phạm Nhật Vượng cán mốc lịch sử và người vợ bí ẩn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam

Trong năm đầu, dự án không lập kế hoạch khai thác đường bay quốc tế. Đến năm thứ hai (năm 2021), Vinpearl Air sẽ khai thác 32 chuyến quốc tế/tuần. Dự kiến đến năm 2025, Vinpearl Air khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.

Ngoài các máy bay thân hẹp nói trên, Vinpearl Air có khai thác máy bay thân rộng loại 280-350 ghế như Boeing 787-9 hoặc Airbus A350-900.

Theo hồ sơ đăng ký, Vinpearl Air dự kiến sẽ sử dụng sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ hai máy bay qua đêm trong năm đầu tiên khai thác (trước đó theo dự kiến là năm 2020). Các máy bay còn lại đỗ quan đêm tại Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng, Vân Đồn. Theo phân tích tài chính của dự án vận tải hàng không Vinpearl Air, thời gian hoàn vốn là 5-6 năm, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023.

Tuy nhiên, một điểm đáng cân nhắc chính là hiện nay, thị trường hàng không nội địa Việt Nam đang được xem là chạm tới điểm bão hòa tăng trưởng do điểm tắc nghẽn hạ tầng sân bay.

Hiện tại, Việt Nam có 5 hãng hàng không thương mại có thị phần đáng kể. Cụ thể là Vietjet Air (42,2% thị phần), xếp sau là Vietnam Airlines (33,3%), Bamboo Airways (12,3%), Jetstar Pacific Airlines (10,6%) và VASCO (1,9%).

Thảo luận