Đây là ý kiến của các chuyên gia từ Rosleskhoz (Cơ quan Lâm nghiệp Liên bang Nga) và chi nhánh Hòa bình xanh của Nga đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Sputnik.
Theo truyền thông Úc, diện tích các đám cháy tự nhiên trên lục địa này là hơn 6,3 triệu ha. Hỏa hoạn khiến 27 người chết và hàng nghìn ngôi nhà bị cháy. Khói từ các đám cháy ở Úc đã gây ra thêm 250 triệu tấn khí thải CO2, chiếm hơn 1/3 lượng khí thải CO2 hàng năm của Úc. Hỏa hoạn trên lục địa bắt đầu hồi tháng 9 năm 2019 và vẫn chưa được dập tắt.
Nắng nóng hoàn hảo
"Khó khăn trong điều kiện thời tiết bất thường - gió mạnh, trong ba tháng không có mưa, rừng nhiều thông và bạch đàn, cũng như bụi cây nhỏ là vật liệu dễ cháy. Hơn nữa, các đám cháy tạo ra bão cục bộ và góp phần gia tăng giông bão.Theo báo cáo thống kê. 13% các vụ hỏa hoạn phát sinh từ giông bão, nhưng trong những giai đoạn cực đoan như vậy, con số này lớn hơn nhiều ", ông Alexander Panfilov, phó giám đốc Cơ quan Lâm nghiệp Liên bang Nga cho biết.
Chuyên gia từ Rosleskhoz cũng lưu ý rằng Úc có tổng diện tích rừng là 137,7 triệu ha, trong đó vùng cây bụi là 99,8 triệu ha. Rừng chỉ chiếm 18%.
"Với một cơn gió mạnh (40-60 km/giờ), gần như tất cả các đám cháy đều lên cao, ngọn lửa có thể đạt tới độ cao 200 mét, tàn lửa dễ cháy kéo dài đến hàng trăm mét và thậm chí hàng km, gây ra các đám cháy mới", ông Panfilov nói.
Ông Anton Beneslavsky, chuyên gia về cháy rừng ở chi nhánh Hòa bình xanh của Nga, đồng ý với ý kiến chính thức của nhóm.
"Hạn hán, gió mạnh, đặc điểm cảnh quan và thảm thực vật dẫn đến hỏa hoạn mạnh mẽ. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại, kể cả biến đổi khí hậu. Mùa khô cằn đã được quan sát ở Úc trong vài năm nay", chuyên gia kết luận.
Úc dập cháy như thế nào
Theo ông Alexander Panfilov, Cục Lâm nghiệp và Công nghiệp rừng Úc hoạt động tại Úc, không có ảnh hưởng hành chính đối với các hoạt động của các sở lâm nghiệp quốc doanh. Mỗi tiểu bang trong nước đều có cơ quan lâm nghiệp riêng, có thể khác nhau về cấu trúc. Các sở cứu hỏa địa phương, các cơ quan tự trị, chủ sở hữu các vùng lãnh thổ tự nhiên cùng nhau lên kế hoạch cho các biện pháp chữa cháy.
"Ở những vùng sâu vùng xa, vai trò chính trong việc dập tắt các đám cháy rừng được thực hiện bởi các đội cứu hỏa tự nguyện, không thua kém gì các chuyên gia. Ngoài ra còn có các đơn vị lính cứu hỏa chuyên nghiệp được đưa đến địa bàn để chữa cháy từ trên máy bay" – ông Panfilov nói.
Ông cũng nói thêm rằng, năm 2003, Trung tâm hàng không quốc gia chữa cháy rừng được thành lập tại Úc để hỗ trợ các sở cứu hỏa nhà nước trong việc dập tắt đám cháy. Hàng năm, Trung tâm thuê khoảng 130 máy bay hạng nặng và máy bay trực thăng để dập tắt đám cháy tự nhiên. Trung tâm cũng phối hợp dập cháy ở các tiểu bang khác nhau, tổng cộng có khoảng 500 máy bay có thể tham gia dập hỏa hoạn.
Theo ông Anton Beneslavsky - chuyên gia Greenpeace, khoảng 90% lực lượng cứu hỏa ở Úc là tình nguyện viên tham gia các đội đặc biệt được trang bị tốt với các thiết bị tiêu chuẩn.
Ông Beneslavsky lưu ý rằng lính cứu hỏa tình nguyện ở Úc là một trong số những lực lượng chuyên nghiệp nhất trên thế giới, nhưng để chữa cháy, họ phải xin nghỉ làm. Như tờ Sydney Morning Herald đã đưa tin, Thủ tướng Úc Scott Morisson hứa sẽ trả lương cho các tình nguyện viên trong đợt nghỉ làm bốn tuần đi chữa cháy.
Ông Beneslavsky nói:
"Khi cần phải rời đi một hoặc hai ngày, hệ thống vẫn hoạt động, nhưng khi lên đến vài tuần, thì chuyện ngừng hoạt động trong thời gian như vậy khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là đối với những người có công việc kinh doanh riêng và rất khó bù đắp thiệt hại cho họ."
Hỏa hoạn trong tương lai
Trong khi đó, theo đại diện của Greenpeace, vụ hỏa hoạn năm 2019 là hình mẫu của cháy rừng trong tương lai đối với Úc. Bây giờ sẽ cháy thường xuyên như thế này. Ông Beneslavsky lưu ý rằng tình trạng cháy tự nhiên ở Úc không thể khắc phục được ngay lập tức.
"Thực tế là hoạt động của con người đã dẫn đến những hậu quả như vậy. Một trăm năm rưỡi canh tác trên đất Úc đã thay đổi đáng kể môi trường tự nhiên. Đây là một hiện tượng lịch sử toàn cầu. Nhân loại đang phải đối phó với điều kiện môi trường không phù hợp đã phát triển qua hàng triệu năm. Con người cần có đồng ruộng để gieo trồng. Họ đốt cỏ hoặc chặt cây. Trong khi đó, họ kiểm soát ngọn lửa này không tốt, là thế là xảy ra đám cháy", chuyên gia giải thích.
"Có những nước mà người ta thường đốt đồng. Ví dụ, ở Đức và Thụy Điển, ở Anh, Ireland và Tây Ban Nha người ta vẫn đốt những cánh đồng của họ, đốt rất nhiều. Họ đã đốt đồng hàng thiên niên kỷ. Chúng ta đốt mọi thứ quanh ta, và làm chuyện đó từ lâu, không chỉ đơn giản là làm nông nghiệp” - ông Beneslavsky nói.
Theo chuyên gia này, khái niệm “đám cháy không đúng mùa” có thể biến mất không chỉ ở Úc, mà còn ở Siberia và Viễn Đông.
"Về tình hình phát triển sự kiện, ở Úc trước đây vốn đã có 90% sa mạc, bây giờ khả năng cao là những khu vực thường xuyên bị cháy và gần sa mạc rồi cũng biến thành sa mạc" - chuyên gia nói thêm.