Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, người đứng đầu Viện Sinh học của vùng biển phía Nam ở thành phố Sevastopol trên bán đảo Crưm, Roman Gorbunov nói:
"Có chú ý đến tiềm năng khoa học và năng lực lớn của tập thể chúng tôi trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học vùng biển nhiệt đới, Viện chúng tôi đã được mời tham gia các cuộc nghiên cứu do Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện. Trong hai năm nay, chúng tôi thực hiện ba dự án lớn ở đó: nghiên cứu thành phần loài bộ cá trích vùng đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu ký sinh trùng trên cá ở Nha Trang và nghiên cứu hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới ở vùng núi".
Nghiên cứu về rừng ở Việt Nam làm thay đổi cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu rừng Crưm
Ông Gorbunov trực tiếp tham gia thực hiện dự án thứ ba.
Ông nói: “Trong hai năm làm việc ở Việt Nam, chúng tôi đã thấy được rằng khi phân tích sự cân bằng bức xạ mặt trời, nhiệt và nước của rừng nhiệt đới, các nhà khoa học nên tập trung vào các chỉ số về diện tích rừng kín lá chứ không phải địa hình bề mặt rừng núi. Nhờ các nghiên cứu ở Việt Nam chúng tôi đã hiểu rõ tại sao hệ sinh thái rừng Crưm đang trên bờ vực tuyệt chủng do điều kiện cực kỳ khô cằn”.
Trong hai năm đầu tiên, các nhà khoa học Crưm đã nghiên cứu hệ sinh thái rừng Việt Nam ở khu vực miền núi không bị thiệt hại do các chất độc của Mỹ. Sau khi biết được các khu rừng không bị ảnh hưởng bởi chất độc đang phát triển như thế nào, chúng tôi có thể đưa ra những khuyến nghị cho việc phục hồi hệ sinh thái của các khu rừng bị phá hủy, - ông Gorbunov nói. - Nhiệm vụ này là khả thi. Thiên nhiên có khả năng dần dần tự làm lành vết thương. Các nhà khoa học nên giúp đỡ với các cuộc nghiên cứu, và không cho phép cư dân địa phương gây cháy để dọn đất cho nông nghiệp.
Nhiệm vụ chính của các nhà khoa học Crưm đang nghiên cứu hệ sinh thái rừng của Việt Nam cùng với các đồng nghiệp từ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga là xây dựng Bản đồ phân vùng cảnh quan Việt Nam mô tả chi riết tất cả các loại cảnh quan, cân bằng bức xạ mặt trời, nhiệt và nước.
Nửa năm ở Nga, nửa năm ở Việt Nam
Vào năm ngoái, bà Evgenia Karpova, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sinh học của vùng biển phía Nam ở Crưm, đã sống 6 tháng tại Việt Nam. Nhóm các nhà khoa học đang nghiên cứu hệ động vật dưới nước của đồng bằng sông Cửu Long.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, bà Karpova giải thích rằng, các nhà khoa học Nga đã từng tham gia nghiên cứu hệ động vật dưới nước của sông Hồng, một số sông suối ở vùng núi và vùng ven biển của Việt Nam, nhưng, sông Cửu Long đã nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của họ.
“Các đồng nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến ứng dụng thực tiễn của cuộc nghiên cứu: kết quả nghiên cứu có giúp gì cho việc bảo tồn đa dạng của hệ sinh thái cửa sông ven biển? Thật vậy, ở sông Cửu Long, từ năm này sang năm khác, sản lượng tôm cá bị giảm. Sông Mekong khô cạn, năm ngoái - đến mức kỷ lục. Đáy sông đầy rác thải. Việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn ngăn chặn sự di cư của cá và có tác động tiêu cực đến hệ động vật dưới nước”.
Tình hình với các sinh vật dưới nước của sông Cửu Long thật là đáng báo động. Về mặt này, các nhà khoa học Crưm hoàn toàn đồng ý với các đồng nghiệp Việt Nam. Họ đã mang đến Viện số lượng lớn cá và động vật giáp xác được đánh bắt ở nhiều vùng khác nhau của đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị về việc duy trì khả năng sinh sản của cá và tiềm năng sản xuất thủy sản của dòng sông. Cũng như tạo ra các khu bảo vệ trên sông Cửu Long.
Sau chuyến thăm Việt Nam, bà Karpova mang đến Viện các mẫu tôm nước ngọt khổng lồ.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu tất cả các khía cạnh của hệ sinh học Việt Nam. Trước hết, loài tôm này là chỉ số tuyệt vời về độ mặn (hàm lượng muối) của nước sông. Nơi sinh sản của loài tôm này nằm ngay trên ranh giới giữa nước sông và nước biển. Đáng tiếc, ở sông Cửu Long, nước biển đang dâng cao làm giảm diện tích trồng lúa. Và thứ hai, trong năm mới, chúng tôi có thể đề xuất dự án thành lập một trang trại nuôi tôm ở Crưm”.
Bộ sưu tập ký sinh trùng trên cá
Bộ sưu tập này được tạo ra trong nhiều năm liền bởi các nhà khoa học từ Viện Sinh học của vùng biển phía Nam ở Crưm, đã được bổ sung trong hai năm qua với các mẫu được tìm thấy trong các con sông và vùng ven biển của Việt Nam.
“Không phải tất cả các loại ký sinh trùng đều nguy hiểm đối với con người, - chuyên gia Evgenia Dmitrieva, người đứng đầu một bộ phận của Viện nói với Sputnik. - Tuy nhiên, các ký sinh trùng có thể làm hỏng cá và gây ra cái chết hàng loạt tại các trang trại thủy sản. Hơn nữa, thời gian gần đây, do biến đổi khí hậu, các sinh vật dưới nước đang ngày càng di cư, sinh sống ở các vùng nước khác. Ví dụ, từ Biển Đông chuyển đến vùng biển Viễn Đông của Nga. Vì thế cần phải biết ký sinh trùng trên cá sẽ hoạt động như thế nào trong hệ sinh thái dưới nước mới”.
Các nhà khoa học từ Viện Sinh học của vùng biển phía Nam ở Crưm có bộ sưu tập ký sinh trùng trên cá lớn nhất thế giới, mô tả chi tiết từng loại trong danh mục điện tử, mà phiên bản tiếng Anh có sẵn trên Internet.
Trong hai năm đầu, các nhà khoa học Crưm đã thực hiện các công việc nghiên cứu ký sinh trùng trên cá chỉ ở vịnh Nha Trang. Song, trong năm mới, phạm vi nghiên cứu sẽ mở rộng cả về phía Bắc và phía Nam, hai miền với các hệ sinh thái khác nhau.
Theo quyết định của Trung tâm Nhiệt đới, cả ba dự án của Viện Crưm tại Việt Nam được gia hạn thêm 5 năm.