Việt Nam thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Vietnam
Sáng 17.1 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã đến kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G của Viettel tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vĩnh Phúc.
Sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất, là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel.
Trước đó, ngày 10.5.2019, Viettel cùng với Tập đoàn Ericsson thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Viettel đồng thời cũng trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác.
Được biết, quá trình chuẩn bị để thực hiện được cuộc gọi lịch sử này, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.
“Trước đây, chúng ta có ước mơ ngày nào đó, người Việt Nam sẽ sản xuất ra được các thiết bị quân sự. Vì thế, sau khi học xong về nước, tôi đã được giao nhiệm vụ sẽ phải làm ra được các thiết bị này. Hiện nay, gần như tất cả các thiết bị thông tin quân sự đều do Việt Nam sản xuất, chúng ta không phải nhập khẩu thiết bị khoảng 5 năm nay. Đặc biệt, thiết bị quân sự của Việt Nam không thua kém gì so với thế giới, đạt tiêu chuẩn cao nhất và thậm chí có thể xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Đồng hành cùng thế giới về triển khai 5G nên đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Viettel đã tận dụng được các kinh nghiệm quốc tế để ứng phó với các tình huống triển khai. Những vấn đề phát sinh trong quá trình lắp đặt, tích hợp và tối ưu mạng 5G mới mẻ với các kỹ sư Viettel đồng thời cũng mới mẻ với các chuyên gia quốc tế.
Trong suốt tám tháng kể từ ngày Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5.2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Trước đó, ngày 28.12.2019, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel đã ra mắt thiết bị trạm thu phát gốc vô tuyến 5G-gNodeB, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà Hiệp hội Viễn thông quốc tế đã chuẩn hoá và công bố.
Ngày 10.1.2020, tại Hội nghị tổng kết ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết, năm 2020, Viettel sẽ hoàn thành chiến lược chuyển đổi số đã đề ra. Đặc biệt, trong năm nay, Viettel đặt ra mục tiêu sẽ thử nghiệm thành công thiết bị hạ tầng mạng viễn thông 5G do Tập đoàn tự nghiên cứu, sản xuất trên mạng lưới tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng thuê bao 4G với 10 triệu thuê bao tăng thêm trong năm 2020.
Việt Nam sẽ phát triển sản phẩm quân sự và dân sự trên hệ sinh thái công nghệ 5G?
Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu đến tháng 6.2020 sẽ tiến hành thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6-2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Viettel sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam.
Phát biểu hôm nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng:
“Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. ICT là nền tảng thúc đẩy mọi lĩnh vực trong cuộc sống bởi vậy phải đi trước, phải được đầu tư trước. Thử nghiệm 5G ngày hôm nay của Viettel phải tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao chất lượng mạng 5G trên toàn quốc và chỉ rõ vai trò 5G trong mạng di động toàn cầu. Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là công nghệ cao, ở đó rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng. Ở đó, Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
“Với sứ mệnh tiên phong kiến tạo xã hội số tại Việt Nam, Viettel tự tin làm chủ những công nghệ hiện đại. Về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ kết nối IoT trên nền 4G LTE-M và NB-IoT đã được Viettel triển khai và trở thành một trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai các công nghệ này. Viettel chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Viettel cũng xây dựng một đội ngũ an ninh mạng lớn nhất và tinh nhuệ nhất Việt Nam để bảo vệ sự an toàn của người dùng trên không gian mạng”, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định tại sự kiện quan trọng này.
Cũng chia sẻ về những điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị, những bào học, kinh nghiệm triển khai mạng 5G tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Viettel Networks cũng khẳng định tập đoàn công nghệ này dự định thương mại hóa công nghệ 5G trên diện rộng.
“Thời gian qua, Viettel đã chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng nhà trạm, hệ thống truyền dẫn, mạng lõi cũng như các kinh nghiệm, bài học và nhân sự về thiết kế, triển khai mạng 5G. Sau khi được cấp phép, chúng tôi sẵn sàng triển khai mạng 5G ở những khu vực có nhu cầu cao, tập trung đông người, lưu lượng lớn như trung tâm thương mại, trường đại học, khu công nghiệp”, ông Đào Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Viettel Networks thông tin cho biết.
Làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia Việt Nam
Phát biểu nhấn mạnh hôm nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G.
“Tôi có niềm tin vững chắc là tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ về việc năm 2020 Việt Nam sẽ thương mại hoá mạng 5G bằng thiết bị của Việt Nam sẽ thành hiện thực”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại sự kiện.
Theo đó, Bộ sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G, hướng đến mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G năm 2020 này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã làm chủ khoảng 75% thiết bị mạng lưới viễn thông và mục tiêu đến năm 2020-2021 tất cả các thiết bị đều do Việt Nam sản xuất.
“Đây là niềm tự hào lớn và hiện thực hoá khát vọng của nhiều thế hệ, nhất là khi năm 2020 là năm quốc gia chuyển đổi số, hướng đến việc Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó hạ tầng số là quan trọng nhất để đảm bảo việc An toàn thông tin”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp phép triển khai thương mại 5G, trước mắt là dịch vụ băng rộng tốc độ cao ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp có nhu cầu, mật độ cao, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai dịch vụ 5G.
Bộ trưởng khẳng định, từ nay, Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ cũng như chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Đồng thời, tiến hành đấu giá, cấp giấy phép băng tần thông tin di động 2.6 GHz để nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ dịch vụ thông tin di động.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vao trò và trách nhiệm là nền tảng hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số và phải làm chủ tất cả các công nghệ nền tảng cho quá trình chuyển đổi số như: Công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI.
Tư lệnh Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng.
“Các doanh nghiệp viễn thông mang trong mình sứ mạng của doanh nghiệp nền tảng với trách nhiệm xã hội bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải sạch”, tư lệnh ngành viễn thông Việt Nam bày tỏ.
Chia sẻ tại sự kiện quan trọng này, Bộ trưởng Chu Ngọc khẳng định, việc thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị của Viettel sản xuất là minh chứng sinh động cho tinh thần “bứt phá” theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo Bộ trưởng Bộ trưởng, ngành Khoa học và Công nghệ rất vui khi Viettel là công ty thứ 6 trên thế giới có cơ hội bắt đầu thương mại hóa 5G, đi cùng với viêc chính thức tiêu chuẩn hóa của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Đây là cơ hội rất hiếm, tạo nền tảng nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam phát triển tiếp.
“Tháng 5. 2019, tôi đã được dự kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam giữa Viettel và Tập đoàn Ericsson. Chỉ mất 8 tháng để Viettel có thể thử nghiệm trên thiết bị do mình sản xuất là quá trình nhanh không thể tưởng tượng dù đây là một chặng đường cam go, nhưng đã có rất nhiều sáng tạo, tích luỹ từ năm 2011”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu.
Đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh niềm tự hào vì Việt Nam đã có thể làm chủ từ mạng lõi, mạng truy cập, đồng thời, tin rằng sắp tới Viettel sẽ phát triển mạnh mẽ.
“Bộ Khoa học và Công nghệ cùng chung tay với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các doanh nghiệp công nghệ trong chặng đường sắp tới”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.
Đại diện Tập đoàn Viettel, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel tái khẳng định, Tập đoàn công nghệ Viettel coi đây là dự án chiến lược tương tự như các dự án thiết bị quân sự và tạo mọi điều kiện để dự án được thành công trong tương lai sắp tới.