Khởi tố 4 đối tượng hành hung CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Liên quan đến vụ lực lượng Cảnh sát giao thông bị chửi bới, tấn công, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng để điều tra làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.
Sputnik

Đạp xe, đánh và chửi CSGT

Liên quan vụ nhóm nam nữ đi đám cưới về say xỉn còn chửi bới, đánh lại lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) gây xôn xao dư luận ở Bạc Liêu, ngày 17/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hồng Dân đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 người để điều tra làm rõ về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn của tài xế đi ra từ quán nhậu

Cụ thể, một đối tượng bị khởi tố, tạm giam là Trần Văn Lâm (SN 1986, ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Ba đối tượng bị khởi tố, cho tại ngoại là Trần Thị Hồng Sương (SN 1983), Phan Lệ Thanh (SN 1980, vợ Lâm), cùng ngụ tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và Nguyễn Văn Thức (SN 1991, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân).

Theo điều tra ban đầu, sự việc xảy ra vào khoảng 14h ngày 13/1. Khi đó, Tổ công tác của lực lượng CSGT, công an huyện Hồng Dân đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, phát hiện 2 người điều khiển 2 xe máy có biểu hiện say xỉn, nên lực lượng làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Qua kiểm tra giấy tờ, Tổ công tác xác định, người điều khiển xe máy mang BKS 95B1-694.56 là Trần Văn Lâm và người điều khiển xe máy mang BKS 65L1-243.49 là Trần Thị Hồng Sương.

Khởi tố 4 đối tượng hành hung CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Sau khi kiểm tra giấy tờ, Tổ công tác tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với Lâm và Sương. Kết quả cho thấy, nồng độ cồn đối với Lâm là 1,100 miligam/1 lít khí thở và đối với Sương là 0,471 miligam/1 lít khí thở.

Tuy nhiên, trong quá trình đơn vị chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, Lâm không hợp tác và đạp ngã xe máy chuyên dụng và tấn công Tổ công tác làm một cán bộ CSGT bị thương.

Sau đó, Sương gọi điện cho Thức, cùng với Thanh tiếp tục đến chửi bới, tấn công khiến hai Cảnh sát giao thông khác bị thương. Đông thời, Lâm tiếp tục dùng gạch, đá tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.Lúc này, Công an xã Vĩnh Lộc A có mặt, cùng với người dân địa phương và tổ CSGT khống chế các đối tượng về trụ sở làm việc.

Vụ chống đối, hành hung làm 3 chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Hồng Dân bị thương gồm: Thiếu tá Mai Hữu Phước, Đội trưởng; Thiếu úy Lê Đức Anh và Đại úy Thái Hoài Thương.

Vụ việc được một người dùng điện thoại di động quay lại rồi đưa lên mạng xã hội.

Tội chống người thi hành công vụ bị xử phạt như thế nào?

Chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Tội chống người thi hành công vụ bị xử phạt theo 2 hình thức: Xử phạt hành chính và xử lý hình sự.

Nên chăng lập chốt kiểm tra nồng độ cồn gần quán bia?

Khoản 3 Điều 7 nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu tới 2 triệu đồng.

Nếu đủ yếu tố cấu thành Tội chống người thi hành công vụ người phạm tội sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Thảo luận