Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng muốn đề xuất phía Mỹ cử một đầu mối cùng bàn thảo với Việt Nam về việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật 5G, kiểm định xem các thiết bị 5G made in Vietnam có đủ điều kiện vào thị trường Mỹ hay không.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn đưa thiết bị 5G made in Vietnam vào Mỹ?
Chiều ngày 20.1, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc tiếp đoàn Hạ nghị sĩ Mỹ do Hạ Nghị sĩ Seth Moulton, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách, ủy viên Ủy ban Quân Vụ viện Hoa Kỳ dẫn đầu đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Cùng đi với Hạ nghị sĩ Mỹ do Hạ Nghị sĩ Seth Moulton, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách, ủy viên Ủy ban Quân Vụ viện Hoa Kỳ còn có Nghị sĩ Jim Banks, thuộc Đảng Cộng hòa bang Indiana, Ủy ban Quân Vụ viện Hoa Kỳ, Nghị sĩ Ron Estes, thành viên Đảng Cộng hòa bang Kansas, thuộc Ủy ban Phương tiện Hạ viện Hoa Kỳ và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.
Tại buổi tiếp, Bộ tưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ niềm vui được đón Đoàn Nghị sĩ Mỹ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn lao khi năm nay Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ.
Đáng chú ý, trong chương trình buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đã cùng các Nghị sĩ Mỹ trao đổi về các vấn đề hai nước cùng rất quan tâm đó chính là việc phát triển công nghệ 5G và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chia sẻ với đại diện chính quyền Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tỏ ra phấn khởi, vui mừng chia sẻ những kết quả bước đầu trong thử nghiệm 5G tại Việt Nam, đặc biệt là việc thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị mạng do Việt Nam tự sản xuất hôm 17.1 vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, các doanh nghiệp của Việt Nam đang tích cực đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị 5G với dấu ấn là hàng Việt Nam “Make in Vietnam”.
Bày tỏ trong cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh mong muốn có thể thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin giữa hai quốc gia.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn đề xuất phía Mỹ cử một đầu mối cùng bàn thảo với phía Việt Nam về việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật 5G, đồng thời tiến hành kiểm định xem các thiết bị 5G do Việt Nam tự sản xuất có đủ điều kiện và khả năng thâm nhập vào thị trường Mỹ hay không.
Mỹ mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển công nghệ 5G
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Seth Moulton, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách, Ủy viên Ủy ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ cho hay, họ rất vui mừng trước những kết quả mà ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam đã đạt được.
Ông Seth Moulton nhấn mạnh quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ là hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Đó cũng chính là lý do đoàn công tác Hạ viện Hoa Kỳ mong muốn có thể làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác này.
Đối với việc Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất bán, đưa các thiết bị 5G do Việt Nam sản xuất vào thị trường Mỹ, ông Seth Moulton cho hay, phía Hoa Kỳ ghi nhận những đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ có các câu trả lời cụ thể sau thông qua Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.
Tại buổi gặp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin rằng năm 2020 Việt Nam sẽ tiến hành thương mại hóa công nghệ 5G và sẽ công bố các tiêu chuẩn về an ninh mạng cho những thiết bị 5G này. Trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, hiện Việt Nam đang giữ vai trò tiên phong về phát triển công nghệ 5G.
Ngoài ra, trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin cho biết Việt Nam sắp đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số ITU Digital World ( tiền thân là Triển lãm Viễn thông thế giới ITU Telecom World).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm 2020 của ngành viễn thông toàn cầu. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất phía Mỹ cử đại diện tham dự Triển lãm Viễn thông thế giới ITU Telecom World được tổ chức vào tháng 11.2020 tại Hà Nội.
Việt Nam thực hiện thành công cuộc gọi 5G lần đầu tiên
Trước đó, sáng 17.1 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã đến kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G của Viettel tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vĩnh Phúc.
Tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video lịch sử, sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Tập đoàn Viettel nghiên cứu sản xuất từ phần cứng đến phần mềm.
Đây là cuộc gọi 5G đầu tiên trên hạ tầng Make in Viet Nam (sản xuất tại Việt Nam), đánh dấu việc Hà Nội đã làm chủ công nghệ 5G.
Được biết, quá trình chuẩn bị để thực hiện được cuộc gọi lịch sử này, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.
Càng vui mừng hơn, khi hiện tại, trên toàn cầu chỉ có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Đại diện tập đoàn công nghệ viễn thông của Việt Nam - Viettel đã ghi tên mình vào bản đồ thế giới là nhà cung cấp thứ 6 sản xuất thiết bị công nghệ 5G.
Đáng chú ý, trong số sáu nhà cung cấp Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung, ZTE và Viettel thì chỉ có đại diện của Việt Nam vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa đủ điều kiện và khả năng sản xuất các thiết bị mạng.
Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu đến tháng 6.2020 sẽ tiến hành thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6-2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Viettel sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam.
Trong báo cáo mới nhất “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” (tức e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố cuối năm 2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 hiện đã đạt giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015. Các chuyên gia và tổ chức quốc tế còn dự đoán nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực thế mạnh như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Ở trong khối ASEAN, nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015.
Hà Nội và TP.HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực.
Ngoài ra, theo cổng thông tin Chính phủ, Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (chỉ đứng sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ 2018 đến nửa đầu 2019 so với tổng giá trị 350 triệu USD năm 2018 và 140 triệu USD của năm 2017.