Lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội
Ngày 24/1, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết đơn vị này đang lập kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuẩn bị cho việc vận hành và bảo dưỡng hệ thống đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Nội dung chương trình đào tạo, kế hoạch vận hành và bảo dưỡng hệ thống do nhà thầu tư vấn Systra (Pháp), Ban Quản lý dự án, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận, quản lý khai thác và vận hành dự án) và các nhà thầu liên quan phối hợp thực hiện.
Nội dung chương trình đào tạo, kế hoạch vận hành và bảo dưỡng hệ thống do nhà thầu tư vấn Systra (Pháp), MRB, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận, quản lý khai thác và vận hành dự án) và các nhà thầu liên quan phối hợp thực hiện.
Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Theo tiến độ điều chỉnh đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, tháng 4/2021 sẽ khai thác, vận hành đoạn đi trên cao; cuối năm 2022 khai thác, vận hành đoạn đi ngầm và toàn tuyến.
Hiện nay, theo đơn vị quản lý dự án, khối lượng xây dựng đoạn tuyến trên cao đã đạt khoảng 99,5% và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, các ga trên cao, tiến độ mới đạt 61,3%; các ga ngầm mới đạt tiến độ chỉ 5%.
Cùng với đó, các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các ga ngầm S9, S10, S11 và S12 ngay sau khi được tiếp nhận mặt bằng. “Các đoàn tàu dự án được chế tạo tại Pháp và dự kiến đoàn tàu đầu tiên sẽ được đưa về nước vào tháng 7/2020, bắt đầu thử nghiệm từ tháng 9/2020, chạy thử vào tháng 3/2021”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ban Quản lý dự án cho biết, từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết, các kỹ sư và cán bộ, công nhân của dự án nghỉ Tết theo chế độ chung. Tuy vậy, tại một số nhà ga và công trường trọng điểm của dự án như: nhà ga Đại học Quốc gia Hà Nội, ga Kim Mã, các nhà thầu bố trí bảo vệ và chuyên gia trực Tết 24/24h tại công trường. Trước khi nghỉ Tết, các công trường được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.
Trong thời gian trực Tết, mỗi ca trực có nhân sự phụ trách về thi công và an toàn. Riêng đối với các công trường ga ngầm, nhà thầu sẽ bố trí nhóm trực để sẵn sàng xử lý các tình huống hỏng hóc khi có thời tiết xấu.
Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội liên tục bị chậm tiến độ
Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức khởi công tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành tháng 9/2016, tổng mức đầu tư ban đầu 783 triệu Euro. Trong đó, 80% là vốn vay ODA Pháp, Ngân hàng ADB và 20% vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án sau đó được đẩy tiến độ hoàn thành tới tháng 9/2017, tổng mức đầu tư cũng được điều chỉnh tăng thêm gần 400 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro. Tuy nhiên, tới đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội báo cáo lùi tiến độ dự án đến sau năm 2021.
Năm 2018, Chính phủ đã chấp thuận cho dự án hoàn thành vào 2 mốc thời gian năm 2020 với đoạn trên cao Nhổn – công viên Thủ Lệ, và năm 2022 với đoạn đi ngầm Công viên Thủ lệ – ga Hà Nội.
Theo các chuyên gia giao thông, khi thực hiện dự án, tiến độ các hạng mục phải tiến hành đồng bộ, sai số chỉ cho phép xảy ra trong khoảng 1-2 tháng, không thể chênh nhau tới cả năm, vài năm, thậm chí còn chưa chắc chắn hẹn ngày về đích, như vậy là không phù hợp, gây lãng phí.
Việc này đòi hỏi công tác quản lý, giám sát phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, chặt chẽ.
Chia sẻ quan điểm về việc dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chưa xong trong khi tàu đã chuẩn bị về nước, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Khoa Công trình, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã từng bày tỏ mối lo, tàu về đường chưa xong, dân gánh thêm nợ.
“Tiến độ hoàn thiện đường, ga và việc mua sắm trang thiết bị, lắp ráp đoàn tàu phải song hành cùng nhau. Nếu đường, ga và tàu cũng vận hành được cùng một thời điểm là thuận lợi và chi phí tiết kiệm được nhiều nhất. Trong trường hợp đường, ga chưa xong mà đã mang tàu về trước nghĩa là nguy cơ đoàn tàu phải đắp chiếu, chùm mền đợi đường hoàn thiện mới có thể vận hành, chạy thử”, - PGS Nguyễn Đình Thám cho biết.
Cũng theo ông Thám, vốn vay mua trang thiết bị, máy móc, đoàn tàu đã được đặt bút ký, lãi suất cũng sẽ phải trả tính từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Như vậy, nếu tàu đưa về trước một năm, chúng ta phải chịu lãi oan một năm, tàu đưa về trước hai năm, chúng ta sẽ phải chịu lãi trong hai năm.
PGS Nguyễn Đình Thám khẳng định: “Từ việc dự án bị lùi tiến độ, chậm đưa vào khai thác đã gây lãng phí rất lớn trong khi tàu về đắp chiếu, chịu lãi hàng năm thì rõ ràng chi phí đầu tư cũng sẽ bị đội lên, gánh nợ sẽ nặng thêm”.