Số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng gần 34%

Tổng số ca khám, cấp cứu tai nạn do pháo nổ ngày đầu năm mới Canh Tý 2020 đã tăng gần 34% so với năm 2019 với hơn 200 trường hợp.
Sputnik

Số ca cấp cứu do tai nạn giao thông và đánh nhau đều giảm

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tính đến 7h ngày 25/1 (tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), tổng số bệnh nhân tại các cơ sở y tế trong cả nước là 87.790 bệnh nhân, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Canh Tý 2020: Tuổi xông đất, kiêng kỵ và phong tục của người Việt

Cụ thể, tổng số bệnh nhân khám, cấp cứu các đối tượng là 36.494 người, giảm 8,6%. Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 19.057 người, giảm 11,3% so với năm 2019.

Tổng số ca phẫu thuật các loại tại các cơ sở y tế là 2.043, giảm 13,2%, trong đó số ca phẫu thuật chấn thương sọ não là 53 ca, tăng 8,2%. Tổng số bệnh nhân tử vong bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện là 114 người, giảm 10,2%. Cả nước đã có 34.292 người khỏi bệnh được về đón Tết cổ truyền cùng gia đình.

Cũng theo số liệu thống kê, tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông tại các cơ sở y tế trên cả nước là 5.154 trường hợp, giảm 17% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi, trong đó có 1.936 ca phải nhập viện; số trường hơp phải chuyển lên tuyến trên điều trị là 477 trường hợp. Đặc biệt, số ca tử vong do tai nạn giao thông gia tăng gần 30%.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết tổng số ca khám, cấp cứu do đánh nhau từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 1 Tết Canh Tý là 588 trường hợp, giảm đến 27,3% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Trong số này có đến 489 trường hợp phải nhập viện cấp cứu, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng gần 34%

Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng chỉ rõ, trong số các trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau có đến 59 trường hợp được xác định có nguyên nhân do rượu, bia.

Về số ca khám và cấp cứu do tai nạn pháo nổ dịp Tết Canh Tý, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong ngày 30 tháng Chạp đến sáng ngày mùng 1 Tết đã có 202 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do pháo nổ, tăng 34% so với năm 2019; số trường hợp khám, cấp cứu do vũ khí, vật liệu nổ khác là 42 ca, tăng đến 84%.

Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân.

Sơ cứu tai nạn do pháo nổ như thế nào?

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tai nạn do pháo nổ là một trong số các tai nạn thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán. Thống kê của ngành y tế trong 6 ngày Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019, có 287 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng gần 34%

Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hà, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), cho biết tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh nên việc người đốt sẽ tiếp xúc rất gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay.

Khi bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật rơi vào mắt do tai nạn pháo nổ, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hà, nếu nạn nhân bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch. Với nạn nhân bị bỏng da do đốt pháo, bác sĩ khuyên nên làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút.

Số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng gần 34%

Với nạn nhân bị tai nạn nặng do đốt pháo như gãy xương, dập nát bàn tay cần phải cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu, bệnh nhân phải nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để được tiếp tục xử trí.

Tai nạn do cháy nổ rất nguy hiểm, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong, vì vậy Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo người dân không nên buôn bán hay sử dụng pháo nổ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình của mình, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thảo luận