Năm 2019: Việt Nam bùng nổ các mạng xã hội
Năm 2019 vừa qua là thời gian bùng nổ của các mạng xã hội Việt Nam. Theo con số thống kê được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Việt Nam hiện đang nắm giữ hai mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ với sô lượng người dùng chỉ dưới khoảng 1 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, còn có hơn 400 mạng xã hội dưới dạng các diễn đàn, forum, hội nhóm vv.
Cùng với vấn đề về kinh tế, những lo ngại về vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng khiến nhu cầu thiết kế, xây dựng và đưa vào sử dụng các mạng xã hội “Make in Vietnam” chưa bao giờ bức thiết như thế.
“Tôi có một niềm tin rằng người Việt Nam sẽ làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm”, đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi nói về khát vọng xây dựng mạng xã hội của riêng người Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, tại Việt Nam, số lượng người dùng các mạng xã hội đạt mức cao kỷ lục 73 triệu. Theo đó, Zalo đang nắm gần 52 triệu người dùng tại Việt Nam, Mocha có 8,7 triệu và Gapo gần 3 triệu. 10 triệu người dùng còn lại phân bổ không đều cho các mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, theo báo cáo mà Hootsuite và We Are Social công bố, năm 2019 vừa qua, toàn thế giới có 3,4 tỷ người tham gia tích cực trên các mạng xã hội, đặc biệt trong số này, có tới 3,2 tỷ người dùng smartphones.
Báo cáo của Hootsuite và We Are Social công bố cho biết, tại Việt Nam hiện có 62 triệu người tham gia vào các mạng xã hội. Theo đó, số người sử dụng các mạng xã hội chiếm 64% tổng số 96 triệu dân.
Theo thống kê của Reuters, mạng xã hội được đông đảo người Việt Nam sử dụng nhất là Facebook với 58 triệu người dùng trong năm 2019, chiếm 60% dân số tại Việt Nam. Ngoài lợi thế mạng xã hội dẫn đầu thế giới, Facebook còn sở hữu công cụ nhắn tin Messenger, Whatsapp và mạng Instagram cũng được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam.
Các mạng xã hội lớn của người Việt Nam do người Việt phát triển như Zalo, Mocha, Gapo hay Lotus cho thấy sự bùng nổ mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ nội địa trước sức ép cạnh tranh của các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài.
Vì sao mạng xã hội Việt Nam thua ngay trên sân nhà?
Xét về góc độ kinh tế, mạng xã hội Việt Nam rõ ràng là chưa thể thu lợi và tạo được ưu thế vượt trội với những gã khổng lồ công nghệ đình đám.
Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu Thị trường ANTS, năm 2018, mức chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, Google nắm 152,1 triệu USD.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, mạng quảng cáo trực tuyến trong nước chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng các mạng xã hội như Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018.
ANTS đưa ra phân tích và dự báo cho biết, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng tăng trưởng nhưng rất ít và ngày càng lép vế so với hai ông lớn này.
Vấn đề thứ hai cần nhắc đến chính là việc, mạng xã hội Việt Nam chưa thể thay đổi được thói quen người dùng Việt cũng như thu hút và duy trì lượng người dùng ổn định.
Sau thời gian vào thị trường Việt Nam, tăng trưởng doanh thu của các mạng xã hội như Facebook tăng nhanh chóng. Dù các cấp chính quyền và giới công nghệ Việt Nam đã tạo ra rất nhiều mạng xã hội khác nhau, nhưng theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, mạng xã hội Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với Facebook.
Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tính đến đầu tháng 1.2020, mạng xã hội Việt Nam đã được cấp phép hoạt động là 455 ứng dụng. Chỉ tính riêng mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép, hàng loạt mạng xã hội được công bố ra mắt, đi vào hoạt động.
Đặc biệt, cuộc đua giành “miếng bánh” thị phần mạng xã hội tại Việt Nam ngày càng trở lên khốc liệt vì nhà đầu tư nào cũng muốn mình nổi bật nhất, ấn tượng nhất với người tiêu dùng. Nhiều mạng xã hội được giới chuyên môn đánh giá cao, được đầu tư với mức vốn khủng như Gapo hay Lotus.
Cụ thể, ngày 23.07.2019, mạng xã hội Gapo ra mắt, nhận cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ quỹ đầu tư mạo hiểm G-Capital lập tức vươn lên vị trí số dẫn đầu về lượt tải trên App Store và Google Play.
Thời gian đầu, mạng xã hội này không tránh khỏi tình trạng truy cập khó khăn, lỗi hiển thị, tải ảnh chậm. Đến tháng 9/2019, Gapo có 2 triệu người dùng. Đến tháng 12/2019, Gapo đạt 3 triệu người dùng. Con số này chưa phải là lớn so với tiềm năng vài chục triệu người đang dùng mạng xã hội ở Việt Nam, nhưng phần nào cho thấy thành quả bước đầu của một startup công nghệ, chứng thực về tính khả thi, độ hấp dẫn của Gapo với người dùng trong nước.
Trong số 3 triệu người đang kết nối trên Gapo, CEO Hà Trung Kiên cho biết, hơn một nửa là người dùng trẻ, đây cũng là đối tượng mục tiêu của Gapo ở giai đoạn hiện tại.
“Người trẻ thích cái mới, cũng là nhóm dễ thay đổi và có tính chọn lọc cao, vì vậy chỉ cần chinh phục được người trẻ, giữ chân được người trẻ dùng mạng xã hội Gapo, chúng tôi có tự tin tiếp tục kế hoạch chinh phục những nhóm đối tượng tiếp theo”, CEO Hà Trung Kiên cho hay.
Cả Gapo hay Lotus đều tự tin khẳng định sẽ tạo ra sự khác biệt so với các mạng xã hội Việt Nam trước đây. Thậm chí, hai mạng xã hội này còn khẳng định đã tìm ra điểm yếu của Facebook, Youtube hay Instagram.
Mạng xã hội Việt Nam có cơ hội đánh bại Facebook hay không?
Trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng Internet chiếm khoảng 60% dân số, trong khi đó tỉ lệ người dùng Facebook tại Việt Nam cũng đã tương ứng với mức này, chính vì thế dư địa tăng trưởng không còn nhiều, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tăng trưởng người dùng Internet.
Trong khi đó, tỷ lệ người dùng Internet đang sử dụng các mạng xã hội Việt ở mức còn rất thấp, thậm chí với nhiều mạng là chưa đáng kể, tương ứng dư địa để tăng trưởng còn rất lớn.
Sau một thời gian bùng nổ và quảng bá rầm rộ, hầu hết các mạng xã hội Việt Nam chỉ sau một vài tháng ra mắt, đã lần lượt chìm vào quên lãng.
Minh chứng cụ thể là trang chủ Gapo.vn báo lỗi không thể hiển thị, trong khi đó trên Lotus cũng không hề có sự tương tác, hoạt động nổi bật gì. Đáng chú ý, trên Google Play hay Appstore, các ứng dụng của Lotus và Gapo đều bị đánh giá rất thấp và nhận bình luận tiêu cực.
Gapo cũng bị nghi “tài khoản ảo” và “chạy quảng cáo” khi nhiều bài viết vừa mới đăng và nội dung vu vơ lại có rất nhiều lượt tương tác, tài khoản mới tạo lại được rất nhiều tài khoản “hot girl” gửi yêu cầu kết bạn vv.
Theo ý kiến các chuyên gia, những mạng xã hội không tạo được sự khác biệt sẽ sớm rơi vào quên lãng. Dù mỗi mạng xã hội của Việt Nam đều có chiến lược phát triển riêng nhưng vẫn khó vượt qua cái bóng từ các “gã khổng lồ” Facebook, Instagram ,YouTube hay Google.
Theo các chuyên gia phân tích, các mạng xã hội toàn cầu trên rõ ràng là có lợi thế hơn các mạng xã hội mới ra đời vì họ có lượng người dùng khổng lồ, nội dung đa dạng cũng như ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tăng tương tác cho người dùng.
“Một số mạng xã hội Việt Nam mới ra đời đã thể hiện khát vọng rất lớn của các doanh nghiệp trong nước. Số lượng người dùng có tăng được đột biến hay không phụ thuộc lớn vào những tiện ích mà mạng xã hội đưa ra. Các ứng dụng mạng xã hội của Việt Nam cần tìm ra đặc điểm hấp dẫn khác biệt, hướng vào nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc nhu cầu tiềm ẩn của người dùng internet Việt Nam”, chuyên gia Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ quan điểm đánh giá về các mạng xã hội Việt Nam cho hay.
Có thể nói, để thắng được Facebook, người dùng là bài toán quyết định và là thứ mà các mạng xã hội khao khát và tìm cách thu hút.
“Mạng xã hội có mặt cách đây 15 năm và quy luật 15 năm sẽ có cái mới nên các mạng xã hội cần phải có thuật toán công khai để chơi theo luật chơi của mình. Thứ hai, về mặt lợi ích, mạng xã hội kiểu mới là nên chỉ thu 10% và 90% trả lại những người dùng trên mạng xã hội. Thứ ba, cam kết có bộ lọc thông tin xấu, độc. Thứ tư, mạng xã hội đi vào một bộ, một tỉnh, một cộng đồng thì phải phát triển riêng có tính văn hóa, có nền tảng riêng. Nếu tiếp cận theo cách mới mà có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư thì mạng xã hội Việt Nam dần dần sẽ có thị phần thỏa đáng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để làm điều này, các mạng xã hội Việt buộc phải thay đổi, sáng tạo và tìm kiếm các phương thức kinh doanh mới. Nổi bật nhất trong chính sách đối với người dùng là từ Hahalolo, Gapo, Lotus đều nhắm đến phương án chia sẻ các khoản doanh thu với người dùng có thể lên đến 90% giá trị thu được, gắn quyền lợi của người dùng với nền tảng của nhà mạng để giữ chân họ lâu dài.
Mạng xã hội Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh được với Facebook?
Ngoài ra, theo như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thực tế trong hiện tại, mạng xã hội Việt Nam phải tạo được sự khác biệt về văn hóa và có sức thu hút riêng với người Việt.
Ví dụ như tại Nga, tính đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội Vkontakte do chính người Nga phát triển, rất phổ biến tại Liên Bang Nga và cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) với khoảng 581 triệu tài khoản được đăng ký (theo số liệu danh sách người dùng mà VK công bố) cùng với 90 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng giai đoạn 2018-2019. Đây là mạng xã hội được cung cấp trên nền tàng 89 ngôn ngữ khác nhau.
Theo đó, điều mà mạng xã hội VK tạo ra được chính là việc kết nối và duy trì được lượng người dùng tương đối ổn định cũng như độ tương tác cao. Các mạng xã hội nhỏ hơn hoàn toàn có cơ hội trong cuộc chiến với Facebook hay Google.
Nhiều chuyên gia chỉ rõ vấn đề, vì sao các mạng xã hội Việt Nam thất bại. Đó chính là vì chúng đơn thuần chỉ là “bản sao” hay “copy” Facebook cũng như các mạng xã hội lớn khác.
Đối với thị trường Việt Nam, các mạng xã hội mới cần trả lời được câu hỏi: Tại sao phải chọn mạng xã hội Việt Nam thay vì thói quen dùng Facebook vốn đã rất thuận tiện? Bên cạnh đó, những đứa con tinh thần hội tụ trí tuệ công nghệ Việt Nam cũng cần giải quyết được vấn đề của chính những mạng xã hội hiện nay, đó là khả năng bảo mật thông tin người dùng, việc xác thực danh tính thành viên để kiểm soát tin tức giả mạo và quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ tràn lan, bất hợp pháp.
Thời gian qua, thực tế cho thấy, Facebook tạo ra được cộng đồng lớn, nhưng để có những cộng đồng chuyên sâu ở một lĩnh vực lại không phải là một thế mạnh của mạng xã hội này. Chính vì thế các doanh nghiệp Việt có thể đi theo hướng phát triển những mạng xã hội theo lĩnh vực riêng như du lịch, ăn uống, sức khoẻ hay giải trí…
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng cần có sự hỗ trợ kịp thời để liên kết các cộng đồng này lại với nhau, tạo ra một nền tảng mạng xã hội lớn đủ sức hút người dùng, tạo lợi thế nhất định với Facebook hay Google.