Tướng Nguyễn Hữu Cầu nói về vụ 39 người Việt chết ở Anh

Liên quan vụ việc 39 người Việt chết trong xe container đông lạnh ở hạt Essex ở Anh vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói về quá trình phá án cũng như những áp lực mà lực lượng công an gặp phải trong vụ gây chấn động dư luận này.
Sputnik

Tướng Nguyễn Hữu Cầu nói về việc phá vụ án liên quan 39 người Việt chết ở Anh

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu vẫn thường được người dân biết đến như là một trong những đại biểu Quốc hội có nhiều phát biểu ấn tượng, thẳng thắn, thu hút nhiều sự quan tâm của cử tri và báo chí.

Trong năm 2019, một trong những vụ việc gây bàng hoàng, đau xót nhất cả nước là vụ 39 người Việt chết trên xe container tại Anh, trong đó có tới 21 người quê Nghệ An. Nhắc lại về sự việc đau buồn này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ, từ khi có thông tin về vụ việc cho đến khi đưa được thi thể các nạn nhân về nước, áp lực là vô cùng nặng nề.

Theo đó, Nghệ An là địa phương có nhiều lao động đang sống và làm việc ở nước ngoài bằng cả đường chính thức lẫn đường nhập cảnh “chui”. Vì vậy, khi có thông tin cho rằng vụ 39 nạn nhân chết trong container ở Anh có thể là người Việt Nam, Công an tỉnh đã chủ động tìm kiếm thu thập thông tin, kể cả thông tin trên mạng xã hội.

Sau vụ 39 người chết ở Anh: Chính phủ Việt Nam có chỉ đạo nóng
Tướng Cầu chia sẻ, tinh thần quán triệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh là phải tập trung xác minh để nắm được thông tin sớm nhất, đầy đủ nhất.

“Khi xảy ra vụ việc, công an Nghệ An truy cập ngay vào mạng để tìm, chắt lọc những thông tin liên quan đến tỉnh. Đối với những thông tin trái chiều, chúng tôi phải kiểm tra ngay. Ngay sau khi có thông tin về người Nghệ An trong 39 người, Ban giám đốc đã xác định đây là vấn đề rất nhạy cảm và chỉ đạo phải tập trung để xác minh nắm tình hình, chỉ đạo lập phương án đấu tranh ngay, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ an chia sẻ với Vietnamnet cho biết.

2 ngày sau khi xảy ra vụ việc, trên mạng xã hội có thông tin cho thấy 39 nạn nhân không phải là người Trung Quốc như báo chí Anh ban đầu đăng tải, mà là người Việt Nam. Ngay sau đó, Công an tỉnh Nghệ An đã lập chuyên án, vào cuộc thu thập tài liệu ngay từ giai đoạn đầu khi chưa đủ căn cứ để khởi tố.

Vào thời điểm đó, ngay cả các gia đình nghi có con em mình tử vong cũng chưa có thông tin đầy đủ. Đa phần các gia đình vẫn hy vọng con em mình không nằm trong số những người bị nạn, thế nên, khi cán bộ trinh sát đến thu thập thông tin để điều tra xác minh, có gia đình chịu hợp tác, nhưng cũng có gia đình không hợp tác.

“Cuối tuần đó, vào sáng thứ bảy, tôi đi họp Quốc hội ở Hà Nội về, lập tức triệu tập cuộc họp, nghe toàn bộ thông tin đánh giá bước đầu về vụ việc, và quyết định phải tập trung phá án. Nếu không phá vụ án này, sẽ có 2 áp lực rất lớn”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Theo thông tin mà Giám đốc Công an tỉnh Nghệ an cung cấp, áp lực đầu tiên là Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cụ thể, tất cả những đối tượng liên quan đến việc đưa người ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép, địa phương nào để đối tượng bỏ trốn thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, trực tiếp Giám đốc Công an tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Tiếp đến, áp lực thứ hai là yêu cầu của người dân đặt ra, những đối tượng phạm tội phải được đưa ra để quy án. Lúc này Quốc hội đang họp, báo chí cũng hết sức quan tâm, đòi hỏi phải làm rõ vụ việc để trả lời trước công luận. Ngay đêm thứ bảy, Công an tỉnh Nghệ An bắt đối tượng đầu tiên, qua đấu tranh, đối tượng đã nhận tội.

“Nghe xong, chúng tôi quyết định tiến hành chuyển hóa tài liệu và phá án trong ngày hôm đó. Tôi cho chủ trương bắt 7 người liên quan và trong đêm, anh em bắt được đối tượng đầu tiên. Sáng hôm sau (tức chủ nhật), đúng 5h30, anh em tiếp tục bắt tiếp các đối tượng còn lại. Sau khi bắt xong, khởi tố vụ án rồi, các đối tượng bắt đầu nhận tội. Lúc đó, áp lực với Công an Nghệ An mới phần nào được giải tỏa”, Tướng Nguyễn Hữu Cầu kể lại và cho biết, sau khi bắt hết các đối tượng, khởi tố vụ án, các nghi phạm nhận tội, áp lực của lực lượng công an mới được giải tỏa.

Vụ án nghiêm trọng này chứa đựng rất nhiều những thách thức, cũng như áp lực rất nặng nề đối với ban chuyên án. Bởi khi đó, nếu người chỉ huy không quyết định sớm thì vụ án sẽ chuyển sang hướng khác. Thậm chí, nghiêm trọng hơn, nếu để các đối tượng tận dụng thời cơ bỏ trốn thì công sức của lực lượng sẽ đổ sông đổ bể.

“Khi ấy tỉnh huy động rất nhiều lực lượng tham gia phá án với tinh thần tập trung cao độ, coi đây là một nhiệm vụ chính trị đột xuất mà dứt khoát phải làm bằng được”, tướng Cầu cho biết.

Thảm sát, án mạng kinh hoàng, những vụ hình sự chấn động dư luận Việt Nam 2019
Trong thời điểm dư luận xôn xao, báo chí liên tục yêu cầu cung cấp thông tin, thì áp lực càng đè nặng, từ việc lập hồ sơ, củng cố tài liệu, rồi đấu tranh với đối tượng đến việc làm thủ tục để Viện kiểm sát phê chuẩn để có căn cứ giữ người, bắt người đúng pháp luật.

“Thực tế lúc đó, anh em Công an làm việc cả ngày đêm, ngủ rất ít, vừa phải lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch, củng cố tài liệu, đấu tranh với đối tượng, vừa phải làm thủ tục để Viện Kiểm sát phê chuẩn bắt người, giữ người theo đúng pháp luật”, - Giám đốc Công an Nghệ An bày tỏ.

Bên cạnh áp lực từ bên ngoài, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu còn phải đối mặt với một áp lực khác mà bản thân ông coi trọng không kém, đó là áp lực từ chính bản thân mình. Trải qua 5 năm ở cương vị Giám đốc, trước đó là Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Tướng Cầu luôn tâm niệm, trong vai trò là người lãnh đạo, áp lực lớn nhất chính là danh dự.

“Làm gì thì làm nhưng nếu cấp trên, cấp dưới hay kể cả người ngoài đánh giá anh quá yếu kém, quá nhu nhược, anh chỉ đạo như thế không chấp nhận được, thì đó chính là danh dự của người lãnh đạo. Vì danh dự mà mình cần phải cố gắng hết sức, cho dù có vất vả, có bị tác động từ nhiều thứ, thì mình luôn phải cố gắng vượt qua, ra các quyết định đúng đắn nhất”, Thiếu tướng Cầu tâm sự.

Đáng chú ý, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cảm thấy phần khởi khi 52 chỉ tiêu Bộ Công an giao tỉnh đã hoàn thành và vượt cả chỉ tiêu.

Đặc biệt, phải kể đến khá nhiều vụ án nổi cộm, dư luận rất quan tâm đã được lực lượng công an phá án, điều tra làm rõ sự việc như vụ cha bé gái 6 tuổi bịa chuyện con bị hiếp dâm, hay vụ bà nội 65 tuổi sát hại cháu 11 tuổi.

“Để có được kết quả này, anh em đã làm hết sức mình, chịu nhiều vất vả và áp lực rất lớn. Hàng loạt vụ việc vừa qua đặt trên vai của lãnh đạo Công an tỉnh cũng như cán bộ, chiến sỹ những áp lực mà không thể nói là xem thường”, Giám đốc Công an Nghệ an nhấn mạnh.

Bộ Công an lên tiếng về những vấn đề nóng năm 2019
Sau vụ 39 người Việt tử vong ở Anh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ trong xử lý vụ việc 39 người tử vong tại Anh, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, lên án mạnh mẽ hoạt động di cư bất hợp pháp, buôn người, thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không để các đối tượng lừa đảo dụ dỗ người dân xuất cảnh trái phép.

Chính Phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, chú trọng địa bàn chiến lược, trọng điểm. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng mà lực lượng an ninh Việt Nam cần đảm bảo đó là có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai, sử dụng công nghệ để lừa đảo, giả danh cơ quan thực thi pháp luật và vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã bắt giữ 11 đối tượng liên quan đến việc tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép, cụ thể là đưa lao động sang Anh trái phép, trong đó tại Nghệ An có 9 người và 2 đối tượng ở Hà Tĩnh.

Tướng Cầu: Công an chỉ phục vụ lợi ích của nhân dân

Trong những năm qua, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu được đồng bảo cả nước biết đến như một vị đại biểu Quốc hội sắc sảo, với những phát biểu thẳng thắn, ấn tượng, không ngại va chạm, được đánh giá cao tại nghị trường, thu hút sự quan tâm của dư luận và báo đài. Là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, vừa là người đứng đầu Công an tỉnh Nghệ An, vừa là một người đại biểu dân cử, nhiệm vụ đặt ra với Tướng Cầu chưa bao giờ là dễ dàng.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đã chia sẻ 3 điều mà ông luôn tâm niệm khi làm đại biểu Quốc hội. Thứ nhất, trong vai trò là một đại biểu Quốc hội của địa phương, có tiếp xúc nhiều với thực tiễn tại cơ sở, vị đại biểu đó phải làm sao đưa được thực tiễn, nói được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của cử tri vào nghị trường. Thứ hai, khi chuyển tải những tư liệu, vấn đề của cuộc sống vào nghị trường, người đại biểu phải xác định không có mục đích gì khác ngoài việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, bình an, phát triển lành mạnh.

Thứ ba, theo Tướng Nguyễn Hữu Cầu, dù người đại biểu Quốc hội cần phát biểu thẳng thắn để nêu ra vấn đề cần giải quyết, nhưng cũng cần đặt mình vào địa vị của người được chất vấn để có truyền tải thông điệp trên tinh thàn xây dựng chứ không phải để bêu xấu.

“Nhiều người nói rằng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nhất là các đại biểu của các ngành thì thường phát biểu bảo vệ ngành. Tôi không nghĩ vậy. Là đại biểu làm việc trong ngành Công an, tôi nghĩ rằng lợi ích của cử tri cũng là lợi ích của ngành, lợi ích của ngành cũng chính là lợi ích của cử tri, bởi các lợi ích này hòa quyện vào nhau, lợi ích của dân và lợi ích của Công an là thống nhất. Ngành Công an không có một lợi ích nào cả ngoài lợi ích của nhân dân. Hơn nữa, ngành Công an cũng có nhiều cử tri có tâm tư tình cảm, những cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm làm việc, cống hiến cho xã hội, họ cũng rất vất vả, thậm chí hy sinh cả tính mạng”, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết, trách nhiệm của bản thân, quan điểm mỗi khi phát biểu trước diễn đàn Quốc hội nêu lên những vấn đề nhạy cảm ngay cả trong ngành của mình.

Đại tá Công an nói vụ ông Nguyễn Hữu Linh: "Nếu tôi xử lý thì khởi tố ngay thời điểm đó"

“Tôi muốn chuyển những tâm tư này đến Quốc hội để thấy rằng, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, phần lớn những người đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đảm bảo an ninh trật tự - một trong những nền tảng vững chắc để đất nước phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Khi tôi phát biểu, tôi kiên quyết bảo vệ những cái đúng nhưng không bao giờ bênh vực cái sai, dù đó là cái sai của ngành mình”, Tướng Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ.

Khi nhận được câu hỏi từ báo giới về việc ông tự đánh giá như thế nào về cá nhân mình với tư cách một đại biểu Quốc hội?, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhận định:

“Tôi cảm thấy rằng, mình làm như vậy chưa được như cử tri mong muốn nhưng cũng tạm ổn”.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ an nói về báo chí chính thống

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, ông đánh giá rất cao vai trò của báo chí. Theo vị Giám đốc Công an Nghệ An, báo chí không chỉ là lực lượng nòng cốt trong công tác định hướng dư luận mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui các tiêu cực của xã hội.

“Đặc biệt với báo chí ngành Công an nói chung, những cơ quan báo chí lớn của ngành Công an mà tôi thường xuyên có dịp tiếp xúc bên hành lang nghị trường Quốc hội như Công an nhân dân, An ninh Thủ đô nói riêng, tôi luôn dành sự tôn trọng lớn. Đó là những cơ quan báo chí nằm trong cơ quan chuyên chính, kỷ luật rất nghiêm, tác phong tác nghiệp rất nghiêm túc và phát huy vai trò rất tốt. Đây là tiếng nói của cán bộ chiến sĩ Công an nói chung, của Công an Hà Nội cũng như Công an các địa phương nói riêng, góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Báo Công an nhân dân, Báo An ninh Thủ đô, Báo Công an Nghệ An hay bất cứ tờ báo nào, khi đưa lên công luận tiếng nói khách quan, trung thực, vì tính chất xây dựng thì đều được bạn đọc đón nhận. Các đại biểu Quốc hội luôn dành sự tin tưởng vào các cơ quan báo chí chính thống, vì thế khi được báo chí đặt câu hỏi bên hành lang Quốc hội, tôi cũng như nhiều đại biểu, nếu trả lời được ngay thì cũng không ngại từ chối”, Tướng Nguyễn Hữu Cầu khẳng định.
Thảo luận