Chưa hết coronavirus, Việt Nam còn phải đối mặt với cúm gia cầm

Trong khi dịch viêm phổi do coronavirus đang gây lo ngại tại Việt Nam và trên toàn thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho hay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang bùng phát tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc và có biến chủng lây chéo sang người gây tử vong rất cao.
Sputnik

Việt Nam và nỗi lo cúm gia cầm

Ngày 4.2, phát biểu với báo giới, đại diện Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam thừa nhận đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện và lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng động, nhất là khi dịch viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng do coronavirus chủng mới 2019 gây ra vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để.

Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, Nguyễn Văn Đông cho hay, theo thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ đầu tháng 1.2020 đến nay, toàn cầu đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Không chỉ coronavirus mới, ở Trung Quốc lại bùng phát bệnh cúm gia cầm

Trong đó, tại Trung Quốc, ngày 1.2 đã phát hiện có virus cúm A/H5N1 tại một trang trại quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam.

Được biết, tại cơ sở chăn nuôi này có tới 7.850 con gà và hơn một nửa- 4.500 con trong số này đã chết vì cúm gia cầm. Theo báo cáo, cơ quan chức năng địa phương quận Song Thành đã tiến hành tiêu hủy 17.828 con gia cầm sau khi dịch cúm bùng phát trở lại. Trong khi đó, tỉnh Hồ Bắc đang phải vật lộn với chủng mới của virus corona.

Đại diện Cục Thú ý cũng thông tin, ở Nigeria cũng đã phát hiện A/H5N6, A/H5N8 tại Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi. Ở Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm như A/H5N2 và AH5N5. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao.

Về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Đông, hồi cuối tháng 1.2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ở dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, do phát hiện kịp thời nên ổ dịch đã được kiểm soát. 3.000 con gà bị tiêu hủy vào ngày 21.1.2020 và tính đến ngày 4.2, không phát sinh thêm gia cầm mắc bệnh hay buộc phải tiêu hủy.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đông cho biết, hiện tại, bệnh cúm gia cầm là ở quy mô địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vác-xin.

Tuy nhiên, xét về tình hình dịch bệnh năm 2019, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh không thể chủ quan. Năm ngoái, Việt Nam xác nhận bệnh cúm gia cầm xảy ra ở 70 hộ chăn nuôi ở 44 xã, thuộc 41 huyện, thị xã, của 24 tỉnh, thành phố. Số gia cầm đã bị tiêu hủy là 133.000 con.

Đặc biệt, kết quả chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với virus cúm A/H5N1 là 1,19%, A/H5N6 là 1,82%.

Chia sẻ với báo giới, đại diện Bộ Nông nghiệp cho hay, dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đã diễn ra ở các quốc gia, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và những chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đông nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh có nguy cơ xảy ra và lây lan rất cao. Nguyên nhân ở đây chính là việc Việt Nam có tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con). Thêm nữa, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, cùng với nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia cầm dịp lễ hội đầu năm tăng cao. Bên cạnh đó, việc tổ chức tiêm vác-xin cúm gia cầm tại một số địa phương vẫn đạt tỷ lệ thấp, do đó, nguy cơ lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất cao, đặc biệt là trong khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới coronavirus gây ra chưa có phương pháp điều trị.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chống cúm gia cầm

Trong tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã có công điện số 735 ngày 3.2 nhằm ứng phó với dịch cúm gia cầm gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật thú y, Quyết định số 172 ngày 13.02.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025” và các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó tập trung thực hiện những nội dung quan trọng.

Công điện khẩn: Chặn cúm gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam

Cụ thể, cần hướng dẫn chủ gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vác-xin phòng cúm cho đàn gia cầm, đồng thời, tổ chức tiêm vác-xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.

Bộ yêu cầu tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.

“Tập trung tổ chức triển khai, đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 647/BNN-TY ngày 15.01.2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01.11.2019 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân”, Cục trưởng Cục Thú y nêu rõ.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các lực lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyên trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bắt đầu từ tháng 2/2020, thực hiện đồng loạt “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Đặc biệt, Bộ nhấn mạnh, cần phải tổ chức nhiều đoàn đi các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch, đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo dịch bệnh kịp thời, tránh để lây lan trên diện rộng tại Việt Nam.

Thảo luận