Việt Nam là quốc gia đầu tiên chế tạo thành công bộ Kit thử nhanh virus Corona?
Ngày 7/2, tại Hà Nội, 2 nhà khoa học là TS. Lê Quang Hòa và TS. Nguyễn Lê Thu Hà đã thông báo kết quả đã nghiên cứu thành công Kit thử nhanh virus Corona sinh phẩm RT-LAMP.
Theo đó, sinh phẩm RT-LAMP là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt acid nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. Đặc biệt, phản ứng RT-LAMP này không cho kết quả dương tính giả với các loại coronavirus khác như SARS CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E. Tuy nhiên, kết quả này dựa trên các mẫu RNA được phiên mã in vitro. Do vậy, để đảm bảo độ chính xác, bước tiếp theo cần so sánh các đặc tính của bộ sinh phẩm với phương pháp tiêu chuẩn real-time RT-PCR (khuyến cáo bởi WHO) trên các mẫu RNA virus được thu nhận từ mẫu bệnh phẩm thực.
Trước đây, phương pháp xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm 2019-nCoV cần giải trình tự gene mất 3-5 ngày. Sau đó, với mẫu thử của WHO kết hợp với phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử, thời gian xét nghiệm rút xuống dưới 9 giờ. Phản ứng RT-PCR thông thường trong mẫu thử của WHO phải mất 4h (240 phút) cho cả quy trình. Nhưng với công trình nghiên cứu này sẽ cho ra kết quả chỉ sau 70 phút.
Tính đến hết ngày 7/2, thế giới chưa có nước nào phát triển được sinh phẩm chẩn đoán nhanh; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng ngừa virus Corona mới, các đặc điểm sinh học của loại virus này cũng chưa có đầy đủ.
Theo nhóm nghiên cứu, giá thành sản xuất mỗi test là 350.000 đồng, còn giá sản xuất bộ test RT-PCR là một triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP có các ưu điểm nổi bật đó là thiết bị đơn giản, có khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR). Tuy nhiên, việc phát triển sinh phẩm khá phức tạp.
Được biết, công trình nghiên cứu bắt đầu từ gần 1 tháng trước với hơn 10 thành viên. Từ tháng 12/2019, khi dịch bệnh này xuất hiện ở Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã theo dõi và có dự định phát triển bộ Kit chẩn đoán.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu rất mong Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kết quả nghiên cứu này để đưa vào thử nghiệm lâm sàng. “Kể từ thời điểm bắt đầu, nhóm nghiên cứu rất tự tin về công trình nghiên cứu, vấn đề ở đây chỉ là thời gian, rất may mắn là kết qủa nghiên cứu không phụ sự mong mỏi của Tiến sỹ cũng như toàn thể nhóm”, Tiến sỹ Hòa cho hay.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu mong Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kết quả nghiên cứu này để đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Từ đó, sớm đưa ra sản xuất đại trà, đóng góp vào test nhanh virus Corona đến các bệnh viện cấp huyện, không phải chỉ test ở các bệnh viện lớn và phải chờ thời gian lâu bởi tình trạng bệnh dịch đang rất nghiêm trọng và cấp thiết.
Triển khai hàng loạt nghiên cứu về virus Corona mới
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt một số đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nhằm cấp bách phục vụ mục đích phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới gây ra tại Việt Nam. Trên cơ sở đó xác định được đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus học bệnh này tại Việt Nam.
Bộ KH&CN đặt mục tiêu xây dựng được mô hình dự báo tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra ở từng miền Nam, Bắc; đề xuất giải pháp dự phòng đồng thời xây dựng phác đồ điều trị bệnh này.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, việc triển khai nghiên cứu dịch tễ học tổng thể sẽ giúp Việt Nam có thể chạy đua với thế giới, góp phần làm sáng tỏ bức tranh dịch tễ học của bệnh này.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao trực tiếp cho Học viện Quân Y phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR nhằm phát hiện chủng virus corona mới. Đồng thời, giao cho Công ty TNHH MTV Sinh Hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN Cần Thơ thực hiện nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của virus Corona.
Do đã chủ động nghiên cứu ngay từ khi xuất hiện dịch nên các đơn vị được giao chủ trì và phối hợp cam kết trong tháng 3 tới có thể sản xuất hàng loạt phục vụ công tác phòng, chống dịch. Riêng bộ sinh phẩm RT-PCR có thể có sản phẩm trong tuần sau (hoàn thành trong 2 tuần, nhanh hơn dự kiến ban đầu 1/2 thời gian).
Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xem xét, phê duyệt một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia để góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên (nếu có) theo hướng: Nghiên cứu sản xuất vắc-xin; Nghiên cứu tác dụng của một số thuốc trong điều trị; Sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch, xe cứu thương áp suất âm.