Mỹ đã hủy visa, từ chối cho Thượng nghị sĩ Philippines Ronald dela Rosa, cựu cảnh sát trưởng Philippines, nhập cảnh. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines từ chối cấp visa cho ông này mà không đưa ra lời giải thích nào. Trong khi đó, ở Philippines, người ta cho rằng, đó rất có thể là do các cáo buộc giết người phi pháp trong thời gian hơn hai năm ông Ronald dela Rosa giữ chức cảnh sát trưởng. Ông là người chính thực hiện chính sách về ma túy của Tổng thống. Trong chiến dịch chống ma túy, hơn 5.000 người, chủ yếu là những người buôn bán ma túy nhỏ lẻ, đã chết do các hành động của cảnh sát. Cảnh sát tuyên bố rằng những người này đã chống đối việc bắt giữ, trong khi Washington coi đây là hành vi vi phạm nhân quyền.
Đến lượt mình, Manila coi quyết định của Washington là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Trên thực tế, Philippines trở thành một trong những quốc gia mà Hoa Kỳ sử dụng chiến thuật "chiến tranh thị thực" như một công cụ gây áp lực chính trị trong quan hệ song phương. Ví dụ, vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho nhiều thành viên trong phái đoàn ngoại giao của Nga cần tới New York dự hội nghị thượng đỉnh LHQ là một "sự xấu hổ". Hoa Kỳ đã không cấp khoảng 10 thị thực mà không đưa ra bất kỳ lý do rõ ràng nào cho những người Nga có trách nhiệm chức năng liên quan trực tiếp đến công việc của Liên Hợp Quốc. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya gọi tình huống này là “đáng xấu hổ”. Hơn nữa, đến nay, tình hình vẫn chưa cải thiện. Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố rằng, tình hình với việc cấp visa Mỹ cho quan chức Nga tiếp tục xấu đi, và những lời từ chối đang trở nên thường xuyên.
Đầu tháng 1, Hoa Kỳ đã từ chối cấp visa cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif, người dự định đến New York để tham dự một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Tehran đang xấu đi do vụ ám sát chỉ huy lữ đoàn đặc nhiệm al-Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) Qasem Soleimani.
Vào ngày 23 tháng 1, Tổng thống Philippines đã dọa hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) nếu Washington không khôi phục thị thực cho Ronald dela Rosa trong thời gian một tháng. Hơn nữa, Tổng thống dọa đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ ở nước này. Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng đã được ký kết vào năm 1998, và vẫn là cơ sở pháp lý cho việc chuyển các đơn vị quân đội Hoa Kỳ sang Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Tối hậu thư của Tổng thống Duterte sẽ hết hạn sau hai tuần. Trong khi đó, vào ngày 8 tháng 2, theo tin của truyền thông địa phương, Chính quyền Tổng thống Philippines đã nhắc lại lời cảnh báo của mình. Theo báo chí, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của tổng thống Philippines, cho biết rằng, Rodrigo Duterte đang lên kế hoạch ra lệnh hủy bỏ thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines sẽ nhận chỉ thị chính thức để thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề này, ông Salvador Panelo đưa tin chi tiết.
Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Chen Xiangmu tại Viện các vấn đề biển Hoa Đông (Trung Quốc), nghi ngờ về khả năng của Tổng thống Philippines thực hiện đe dọa của mình:
“Thời gian gần đây, quan hệ Mỹ-Philippines phải đối mặt với nhiều thách thức. Hai bên có nhiều khác biệt về cách tiếp cận vấn đề nhân quyền và vấn đề Biển Đông. Điều này thấy được rõ sau khi Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Những mâu thuẫn này ảnh hưởng đến quan hệ song phương, tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines không những không bị suy yếu mà còn không ngừng củng cố và phát triển. Mặc dù Duterte quyết định không đến Hoa Kỳ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN do vấn đề nhân quyền, nhưng, ông không thể ra lệnh chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA). Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines trong lĩnh vực hợp tác quân sự được quyết định không chỉ bởi chính Duterte, vì còn có một nhóm vận động hành lang mạnh mẽ bao gồm các chính trị gia và các đảng đối lập ủng hộ sự hợp tác quân sự với Mỹ. Cần phải chú ý đến điều này, vì thế Duterte có thể gặp khó khăn lớn khi cố gắng thực hiện lời cảnh báo chấm dứt thỏa thuận VFA”.
Rodrigo Duterte một lần nữa cho thấy rằng, Philippines là một quốc gia độc lập quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. Bà Daria Panarina, chuyên gia về Philippines tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét về lập trường của Tổng thống Philippines trong cuộc tranh chấp mới với Hoa Kỳ:
“Nhiều khả năng, lời tuyên bố của ông Duterte chỉ hướng tới dân chúng, để tranh thủ sự ủng hộ của những người không đứng về phía Mỹ, rất nhiều người Philippines không thích sự hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Philippines”.
Chuyên gia Daria Panarina lưu ý rằng, Philippines đang tìm kiếm lợi ích kinh tế từ sự hợp tác với Trung Quốc, nhưng, Manila không thể từ bỏ một ô phòng thủ của Mỹ. Trên thực tế, quân đội Philippines chỉ có thể bảo vệ chống lại các mối đe dọa nội bộ nước chứ không phải mối đe dọa từ bên ngoài. Một mình Philippines không thể đứng vững được trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự tiềm năng nào trong khu vực. Hoa Kỳ vẫn là đối tác và đồng minh của họ, hỗ trợ họ theo hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Trong văn kiện này, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ được nêu ra khá mơ hồ, và Philippines đưa ra những câu hỏi về nội dung này, nhưng thỏa thuận này vẫn có hiệu lực, chuyên gia nhấn mạnh.