Việt Nam phải có hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp chuẩn quốc tế
Ngày 15/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT, các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương về Cải cách chính sách BHXH.
Diễn ra nhân kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2020), Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có các Ủy viên trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể.
Tham gia tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố và các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao BHXH Việt Nam trong suốt 25 năm qua đã nỗ lực tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo Thủ tướng Chính phủ, BHXH đã đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đã đóng góp để mang lại những thành quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhấn mạnh thành công của Việt Nam là cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Thủ tướng cho biết, một số quốc gia phát triển trên thế giới phải mất từ 40 đến 80 năm để đạt mục tiêu này.
“Chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho tất cả thành viên cộng đồng xã hội”, - Thủ tướng nói.
Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất
Quỹ BHXH, BHYT hiện là quỹ an sinh lớn nhất nước. Toàn ngành BHXH có gần 21.000 công chức, viên chức, phục vụ gần 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 12,9 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc với 574.000 người, riêng năm 2019 có thêm 300.000 người tham gia, bằng kết quả thực hiện chính sách này trong cả giai đoạn 2008-2018. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 13,4 triệu người, chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm y tế là gần 86 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số, về đích trước thời hạn, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt khoảng 243.000 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện đạt gần 2.400 tỷ đồng; thu BHYT đạt khoảng 105.000 tỷ đồng. Số nợ BHXH năm 2019 giảm xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành.
Theo Thủ tướng, hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng đồng bộ, sát thực tiễn và thông lệ quốc tế. Để có được điều đó, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành BHXH về cải cách mô hình tổ chức, tinh gọn, hiệu quả; cắt giảm 3/4 thủ tục hành chính; đã xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã BHXH cho 97 triệu dân, hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh.
Năm 2019, tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt trên 73,6 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia.
Giai đoạn tiếp theo, BHXH Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh vào 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, đoàn thể để thực hiện các nhiệm vụ được giao và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh phù hợp với giai đoạn mới.
Ngoải ra, ngành BHXH phải đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, các giải pháp thực hiện để mở rộng người tham gia BHXH, BHYT, tiến tới mục tiêu bảo hiểm toàn dân; thực hiện hiệu quả công tác thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, trục lợi. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử trong hoạt động của ngành; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, tổ chức; xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Ngành Bảo hiểm xã hội cần thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp
Cho rằng “mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng”, Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Các chính sách bảo hiểm xã hội phải hướng tới toàn dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo ra mạng lưới an toàn; thiết kế chính sách phải linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, tôn trọng nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Theo Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương thì tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 35% dân số vào cuối năm 2021 và 45% vào cuối năm 2025, tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp là 28% vào năm 2021, 25% vào năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng giao ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp.
Trước hết, toàn ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ hai, hệ thống bảo hiểm xã hội cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và giao dịch điện tử liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác quản lý bảo hiểm xã hội, chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thống nhất, tiện lợi cho người dân.
Thứ tư, hoạt động thông tin tuyên truyền về an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng cần được tăng cường, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm.
Thứ năm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành cần duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp.