Trong khi đó, Hà Nội muốn cử cán bộ y tế đến tâm dịch ở Vĩnh Phúc học hỏi kinh nghiệm chống Covid- 2019, còn tỉnh Quảng Ninh tiến hành họp gấp bàn phương án đón tàu biển quốc tế sau khi bị Phó Thủ tướng phê bình
Bộ Y tế: Thêm 2 bệnh nhân nhiễm virus corona xuất viện
Sáng ngày 18.2, Bộ Y tế Việt Nam thông tin cho biết Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp tục cho ra viện hai bệnh nhân đến từ Vĩnh Phúc từng được xác nhận dương tính với chủng mới virus corona.
Được biết, đây là hai trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-2019 cuối cùng được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tính đến ngày 18.2, đơn vị này đã điều trị khỏi cho toàn bộ 5 ca bệnh nhiễm Covid-2019. Ba bệnh nhân trước đó đã ra viện ngày 10.2.
Lãnh đạo Bệnh viện cho hay, hai bệnh nhân ra viện ngày hôm nay là anh P.V.C (29 tuổi) đến từ xã Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc. Anh C. vào viện ngày 26.1.
Nam bệnh nhân là một trong 8 người thuộc đoàn công nhân công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Vũ Hán, Hồ Bắc trong 2,5 tháng. Trở về Việt Nam ngày 17.1. Sau đó đoàn này xác nhận đã có 6/8 thành viên trong đoàn nhiễm coronavirus. Anh C được ghi nhận là trường hợp thứ 5.
Về triệu chứng phát bệnh, từ ngày 21.1, anh C bắt đầu bị đau rát họng, ho từ 21.1, đến 26.1 bệnh nhân còn sốt cao, đến khám và nhập viện tại khoa cấp cứu được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và xác định dương tính với chủng mới virus corona.
Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân C. đã hết sốt, toàn trạng ổn định, tuy nhiên, xét nghiệm SARS-CoV 2 còn dương tính tiếp 2 lần ngày 7.2 và 9.2. Tiếp đó bệnh nhân được xét nghiệm 2 mẫu âm tính ngày 11 và 12.2. Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, hết sốt trong 10 ngày qua, toàn trạng ổn định.
Đến chiều nay, thêm một bệnh nhân khác trong đoàn 8 người của công ty TNHH Nihon Plast cũng sẽ được ra viện. Như vậy, tất cả 6 người nhiễm virus corona trong đoàn công nhân sang Vũ Hán thực tập đều đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Bệnh nhân thứ hai ra viện cùng với anh P.V.C từ Bệnh viện Nhiệt đới là bà N.T.Y (55 tuổi), đến từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Nữ bệnh nhân, P.V.C nhập viện ngày 9.2, đây là hàng xóm của bệnh nhân Nguyễn Thị Dự, nữ công nhân trong đoàn Công ty Nihon Plast. Bệnh nhân tiếp xúc với người được xác định nhiễm virus corona. Ngày 30.1, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Đến ngày 5.2, bệnh nhân còn sốt, tức ngực, đau đầu, đau mỏi người, vào cách ly tại trạm y tế Quang Hà từ ngày 5.2. Đến ngày 9.2, bệnh nhân còn sốt, kèm thêm ho khan, chụp X-quang có viêm phổi, xét nghiệm xác định nhiễm virus corona và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Bệnh nhân xét nghiệm các kết quả ngày 12.2 và 15.2 đều âm tính, tình trạng viêm phổi cải thiện. Hiện tại toàn trạng bệnh nhân ổn định. Các kết quả X-quang, xét nghiệm đều bình thường.
Các chuyên gia y tế Việt Nam khẳng định dù chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin đặc trị virus corona, tuy nhiên, Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin chữa khỏi bệnh bằng các phương pháp điều trị khác. Vĩnh Phúc có 11 ca mắc virus corona. Dự kiến, trong hôm nay, 2 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên cũng sẽ được xuất viện.
Tính đến 10h sáng 18.2, trong số 16 bệnh nhân nhiễm virus corona của Việt Nam, đã có 9 người ra viện. Cụ thể bao gồm: 2 cha con người Trung Quốc (2 người đã khỏi và xuất viện), 6 người Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về (5 người đã khỏi và xuất viện), 6 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19 (2 người đã khỏi và xuất viện), 1 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc, 1 bệnh nhi 3 tháng tuổi tại Vĩnh Phúc, cháu ngoại của bệnh nhân P. T. B đã được xác định dương tính với Covid-19 ngày 9.2.2020.
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào tử vong. Số xét nghiệm âm tính là 1.111 người. Số ca nghi ngờ nhiễm với các dấu hiệu ho, sốt, đến từ vùng có dịch là 61, vẫn tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ, để không lây nhiễm ra cộng đồng. Có 602 người sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho, nhưng vẫn bị cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm virus corona.
Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ các bệnh nhân đã tuân thủ phác đồ điều trị của Bộ Y tế, điều trị cho bệnh nhân đến khi hỏi bệnh hoàn toàn.
“Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được phân công là nơi đầu sóng ngọn gió tiếp nhận bệnh nhân virus corona. Hôm nay là 2 bệnh nhân cuối cùng ra viện, chúng tôi cũng hi vọng đây sẽ là 2 bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ở đây trong mùa dịch này”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin cho biết.
Trong một diễn biến liên quan, sáng 18.2, ông Nguyễn Văn Định Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho hay, một gia đình 6 người tại xóm Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc đã phải cách ly khi có người thân đi từ vùng dịch Covid-19 ở tỉnh Vĩnh Phúc về. Hiện cả 6 người đều có sức khỏe tốt, không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên vẫn phải cách ly vì thực hiện theo quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh dự Hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc chống dịch coronavirus
Trước đó, ngày 4.2, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, sau khi trao đổi với các nước thành viên ASEAN, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh.
Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN nêu rõ quan ngại của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về diễn biến phức tạp của dịch bệnh virus corona, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự phát triển của các nước ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới. Nhấn mạnh đoàn kết ASEAN và tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết mạnh mẽ chung tay kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.
Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN hoan nghênh các nỗ lực đang được tiến hành trong kênh hợp tác y tế ASEAN và với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đồng thời nhấn mạnh ASEAN sẽ tăng cường phối hợp ở cả cấp quốc gia và khu vực; điều phối các hoạt động hợp tác chung giữa các kênh chuyên ngành liên quan để thống nhất cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả của Cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, Tuyên bố cũng khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của ASEAN với nỗ lực to lớn của Chính phủ và người dân Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế nói chung trong ứng phó với bệnh dịch.
Ngày 30.1, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị tổ chức cuộc họp đặc biệt của ACC và phối hợp cùng Trung Quốc tổ chức Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc để thảo luận về hợp tác ứng phó với virus corona (Covid-19).
Hà Nội muốn cử cán bộ y tế đến Vĩnh Phúc học hỏi kinh nghiệm?
Trước đó, chiều 17.2, tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo công tác phòng dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở Y tế chủ trì cử 2-4 bác sĩ chuyên ngành lên vùng dịch của Vĩnh Phúc để học hỏi kinh nghiệm trong tìm hiểu nguyên nhân, cách phát hiện, cách ly người nhiễm coronavirus.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tuyên truyền đến cho tất cả giáo viên ở các trường trên địa bàn Hà Nội hiểu biết về dấu hiệu bệnh cùng như biện pháp tiêu độc khử trùng.
Đối với vấn đề khi nào nên quyết định cho học sinh đi học trở lại thì công tác quản lý, sát trùng, chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt sau này ứng xử kể cả phát hiện trong trường hợp có dấu hiệu không bình thường thì cách ứng xử như thế nào, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan làm rõ.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Y tế phải chủ trì trang bị cho tất cả các lớp học có máy đo thân nhiệt khi trường hợp phức tạp, có máy đo thân nhiệt tự động cho học sinh- đo trước khi vào lớp và sau khi ra về.
“Nếu Sở Y tế chuẩn bị kịp thì phải chuẩn bị ngay, các giáo viên phải nắm bắt để ứng xử cho phù hợp”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra đủ độ an toàn quyết định phương án tuần sau đi học hay không đi học thì thứ 7 tuần này trong trường hợp tuần này thời tiết tốt lên. Đồng thời, các quận huyện tiếp tục các biện pháp tiêu trùng khử độc lần thứ 4 tại tất cả các sở và các dụng cụ.
Đánh giá về công tác phòng ngừa bệnh dịch bệnh virus corona trên địa bàn thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định:
“Cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc, các đơn vị vào cuộc bài bản, quyết liệt; công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, hiệu quả”, ông Chung cho hay.
“Việc tuyên truyền theo tinh thần nhân văn, không được có những tuyền thái quá tạo ra sự kỳ thị đến đời sống hàng ngày. Chúng ta đã làm được, chưa có tuyên truyền thái quá tạo kỳ thị trong đời sống hàng ngày. Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các quận huyện sở ngành đặc biệt sở y tế”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 17.2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19, tuy nhiên, hôm qua (17.2) cũng đã phát hiện thêm 3 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở huyện Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Sơn Tây và đã thực hiện các biện pháp cách ly.
Quảng Ninh họp gấp bàn phương án đón tàu biển quốc tế sau khi bị Phó Thủ tướng phê bình
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo từ các đơn vị trong tỉnh về hoạt động đón tàu biển quốc tế, thảo luận phương án đón tàu đi kèm với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, Sở Du lịch đã trình bày khái quát hoạt động đón tàu biển quốc tế trong thời gian vừa qua. Đại diện Sở Du lịch cho biết, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 30.1.2020 của Tỉnh ủy về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, không tổ chức đón khách đi về từ vùng dịch. Một số hãng tàu cũng có thay đổi trong kế hoạch đối với điểm đến, trong đó có Hạ Long. Hoạt động tàu biển hiện trong tình trạng hạn chế.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý của đơn vị đại lý hàng hải còn báo cáo chậm; tình trạng tàu biển di chuyển qua nhiều cảng, hành khách lên xuống phức tạp, công tác xác định thuyền viên, du khách từ vùng dịch còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý khách lên bờ phức tạp.
Ông Đặng Huy Hậu nhấn mạnh, dịch Covid-19 là thách thức rất lớn đối với du lịch. Chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là không đánh đổi sức khỏe con người, song vẫn duy trì phát triển kinh tế-xã hội với phương châm an toàn chống dịch.
Do vậy, tỉnh sẽ không đón khách từ các tàu đến, đi qua vùng dịch. Với các tàu đến từ các vùng khác, an toàn, cần xây dựng quy trình cụ thể, chi tiết trong tổ chức đón tiếp. Phó chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu cập nhật cụ thể lịch trình, thời gian cập cảng dự kiến của các tàu. Từ đó, Sở Du lịch và Biên phòng tỉnh chuẩn bị phương án đón tiếp theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 13.2.2020, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đã gửi đi công văn hỏa tốc về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra trong việc đón chuyến tàu biển Aidavita, dự kiến cập cảng tại thành phố Hạ Long trong cùng ngày.
Tàu chở hơn 1.116 khách châu Âu (95% quốc tịch Đức, không có châu Á), xuất phát từ Bali, Indonesia ngày 17.1, qua 9 cảng thuộc các nước Australia, Indonesia, Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines (không có Trung Quốc, Hồng Kông). Vì bị từ chối cập cảng ở Hạ Long nên tàu đã quyết định hủy toàn bộ 3 cảng còn lại của Việt Nam là Đà Nẵng (15.2), Nha Trang (17.2) và TP. HCM (18.2).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sau sự việc trên.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Các địa phương phải bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài và phương tiện vận chuyển đến từ/đi qua vùng dịch, thực hiện cách ly y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm kiểm soát tốt sự lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tránh để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút du lịch.