Hành khách đến từ Hàn Quốc phải khai báo y tế
Sáng 24/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tại Hàn Quốc, ngày 23/2, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan như Giao thông, Công an, Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao – Du lịch và Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan khác để phân tích tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc và đề xuất những biện pháp kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc.
Sau khi thống nhất các ý kiến, cuối giờ sáng ngày 23/3, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng triển khai việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam từ 15h chiều ngày 23/2 tại tất cả các cửa khẩu.
Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định (đưa vào khu vực cách ly, khám sàng lọc và báo cáo kịp thời với các cơ quan hữu quan).
Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (có hoạt động kiểm dịch y tế) cần tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.
Đồng thời, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm kiểm tra việc khai báo y tế của hành khách; đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế và lưu trữ tờ khai y tế theo quy định.
Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội chiều qua, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đề nghị thành phố có chỉ đạo đối với toàn bộ du khách Hàn Quốc đến Hà Nội từ 2 vùng có dịch thì cách ly tại nơi cư trú 14 ngày. Sở Ngoại vụ phối hợp, đưa ra ý kiến vì có yếu tố người nước ngoài. Người Việt Nam đi từ vùng có dịch về Hà Nội thì cách ly tập trung trong 14 ngày.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Bộ Tư lệnh thủ đô, quân đội đóng trên địa bàn, tạo điều kiện, bố trí tổ chức cách ly số người Việt này. Ngành y tế thành phố sẽ phối hợp trong vấn đề giám sát sức khỏe. Thành phố quán triệt, chỉ đạo các quận huyện, xã, phường, công an khu vực điều tra, xác định người từ vùng có dịch về.
Tính đến 9h sáng 24/2, Hàn Quốc báo cáo nạn nhân tử vong thứ 7 vì virus corona và 161 trường hợp mới được xác nhận vào thứ Hai, đưa tổng số ca nhiễm ở đây lên 763 người.
Còn tính trên toàn thế giới có gần 79.000 ca mắc virus corona (2.470 người tử vong). Riêng Trung Quốc là gần 77.000 ca mắc và 2444 ca tử vong. Như vậy, Hàn Quốc trở thành điểm nóng thứ 2 sau Trung Quốc về dịch bệnh COVID-19.
Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm dịch bệnh COVID-19
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.
“Việt Nam có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm với 10.000 test kit do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chuyển cho Việt Nam. Độ chính xác xét nghiệm tương đương như các nước, xét nghiệm Real-time RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên) nên độ nhạy và đặc hiệu cao”, - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Được biết, Việt Nam hiện có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được WHO công nhận và thống nhất chuyển giao công nghệ, thống nhất phương pháp thực hiện mẫu xét nghiệm, gồm: Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại Hà Nội. Các đơn vị đã phối hợp với WHO chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn, cung cấp hệ thống máy móc thiết bị cho 22 phòng xét nghiệm (đạt chuẩn do WHO công nhận).
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Đối với các trường hợp có dấu hiệu khác biệt hoặc điển hình, Bộ Y tế chỉ đạo không chỉ xét nghiệm ở một nơi mà phải xét nghiệm ít nhất ở 2 nơi trở lên để đối chứng, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay”.