Đó là ý kiến của các chuyên gia, trao đổi với Sputnik về vấn đề thắt chặt các quy tắc hoạt động cho 5 hãng truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Tuyên bố chính thức về quyết định này được Mỹ công bố vào ngày 20 tháng 2.
Theo đó, tuyên bố yêu cầu danh sách nhân viên truyền thông Trung Quốc phải được cung cấp cho chính quyền Mỹ, cũng như báo cáo về thay đổi nhân sự và đăng ký tài sản thuộc sở hữu hoặc thuê mướn của truyền thông Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Các nhà quan sát lưu ý rằng tất cả những yêu cầu này được quy định bởi luật pháp liên bang hoặc luật pháp địa phương tại Hoa Kỳ. Những hạn chế được đưa ra để thắt chặt kiểm soát và tạo thêm đòn bẩy nhằm can thiệp vào hoạt động của truyền thông Trung Quốc.
“Với niềm tự hào về tự do báo chí ở chính đất nước mình, Hoa Kỳ, một cách vô lý, đang can thiệp vào công việc bình thường của truyền thông Trung Quốc trên lãnh thổ của mình, đưa ra các biện pháp phi lý và không thể chấp nhận được”, - Bộ Ngoại giao Trung Quốc bình luận về bước đi này của Hoa Kỳ.
"Phía Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ định kiến về ý thức hệ, tinh thần chiến tranh lạnh và “trò chơi có tổng bằng không”, cũng như ngăn chặn các hành động bộc phát làm suy yếu lòng tin và sự tương tác giữa hai bên".
Chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Trung Quốc, ông Cui Lei, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, cho biết việc thắt chặt các quy tắc đối với truyền thông Trung Quốc là phản ứng quá đáng từ phía Hoa Kỳ đối với sự hiện diện của Trung Quốc trong không gian thông tin của mình:
“Hoa Kỳ rất sợ hãi trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thị trường tin tức Mỹ. Họ tin rằng khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tăng lên, “sức mạnh mềm” theo đó cũng sẽ không ngừng phát triển. Họ tin rằng, giống như Nga, Trung Quốc hiện đang can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ, cố gắng ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử Mỹ. Truyền thông Trung Quốc, cũng như các khoản đầu tư ngày càng tăng và sự phát triển nhân sự làm việc cho Trung Quốc tại Hoa Kỳ, được coi là đáng trách. Điều này khiến Mỹ lo sợ và bất an. Đồng thời, nó cũng làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả sức mạnh mềm của Mỹ. Ngoài ra, động thái của Mỹ cũng là biện pháp trả đũa, bởi vì trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã áp đặt những hạn chế bổ sung đối với truyền thông phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, trong các hoạt động tại Trung Quốc. Mỹ rất không hài lòng với điều này. Họ tin rằng điều này giới hạn tự do của truyền thông Mỹ”.
Ông Alexander Lomanov, phó giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO), cho rằng các hạn chế đối với hoạt động của truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ “là hiện tượng đáng lo ngại hơn vấn đề đạo đức giả hoặc “tiêu chuẩn kép” trong lĩnh vực tự do truyền thông”:
“Đây là biểu hiện của sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mỹ đang tích cực săn lùng gián điệp Trung Quốc, trong các trường đại học, viện nghiên cứu ở khắp mọi nơi. Họ tìm kiếm những người hợp tác với Trung Quốc, tìm kiếm những người mà họ cho rằng, một số công nghệ hoặc thông tin có thể thông qua đó chảy vào Trung Quốc. Washington đang tìm kiếm những tác nhân gây ảnh hưởng. Điều này là do Mỹ có ít niềm tin vào sức mạnh của mình. Gây áp lực lên truyền thông Trung Quốc không phải là mục đính tối hậu. Họ bị tấn công bởi vì Mỹ đang cố gắng "siết chặt các ốc vít" trong tất cả mọi lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc".
Việc phổ biến thông tin lẫn nhau, sự hiện diện của Trung Quốc trong không gian thông tin của Hoa Kỳ là nạn nhân gián tiếp của vấn đề này.
Trung Quốc có quyền phản ứng với quyết định này của Hoa Kỳ. Việc đáp trả có thể xảy ra như thế nào? Theo ông Cui Lei:
“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có thể áp dụng nhiều biện pháp trả đũa. So với những hạn chế của Mỹ đối với truyền thông Trung Quốc, những hạn chế của Trung Quốc đối với truyền thông phương Tây nghiêm ngặt hơn. Do đó, trước hết, Trung Quốc có thể lên án hành vi của Mỹ thông qua các kênh ngoại giao, kêu gọi họ chấm dứt các hành vi sai trái càng sớm càng tốt”.
Chuyên gia Alexander Lomanov, về phần mình, không nghi ngờ gì việc Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách đưa ra những hạn chế hơn nữa đối với hoạt động của các nhà báo Mỹ ở Trung Quốc:
“Thật không may, đây là một vòng xoáy của những hạn chế qua lại. Trung Quốc đã tích lũy rất nhiều sự than phiền với các hãng truyền thông phương Tây trong vài tuần qua do thiếu sự thông cảm, thiếu nhân văn trong thời điểm dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc. Nhiều nước phương Tây, đặc biệt là truyền thông Mỹ, xem xét điều này từ quan điểm chính trị, từ hệ thống chính trị Trung Quốc, chứ không phải từ vấn đề chăm sóc sức khỏe, sự cần thiết phải kiểm soát dịch bệnh vì lợi ích của Trung Quốc, khu vực và tất cả các nước trên thế giới. Điều khó chịu nhất là sự hiểu lầm lẫn nhau, sự xúc phạm lẫn nhau từ cả hai phía đang nhân lên. Do sự suy giảm nghiêm trọng về chất lượng trong quan hệ Trung-Mỹ, sự đấu tranh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông này còn lâu mới kết thúc”.
Những hạn chế đối với “các hãng thông tấn nước ngoài có ảnh hưởng” tại Hoa Kỳ được áp dụng đối với Tân Hoa Xã, China Global Television Network (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, China Daily và Hai Tian Development USA, cơ quan phát hành tờ Nhân dân Nhật báo tại Hoa Kỳ.