Việt Nam diễn tập quy mô: Kịch bản như thật, chỉ „thiếu” COVID-19

Việt Nam tổ chức diễn tập phòng chống COVID-19 thực binh trên thực địa, có nhiều "kịch bản" và "phân cảnh" được thực hành y như thật, chỉ „thiếu” virus SARS-COV-2 "tham gia".
Sputnik

Sáng 4/3, trên 3000 cán bộ chiến sỹ tại 227 điểm cầu toàn quốc đã cùng lúc diễn tập phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với mục đích sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Những kịch bản nào đã được thực hiện? Vì sao phải tổ chức một cuộc diễn tập  như vậy khi mà dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được khống chế? Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự, Đại tá Nguyễn Minh Tâm.

Cuộc "tập trận" lớn nhất

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, được biết, cuộc diễn tập chống COVID-19 sáng 4/3 là cuộc diễn tập thực binh nhằm mục đích phòng thủ dân sự cấp toàn quân, toàn quốc đầu tiên ở Việt Nam?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Đúng vậy, đây chính là cuộc diễn tập thực binh nhằm mục đích phòng thủ dân sự cấp toàn quân, toàn quốc đầu tiên ở Việt Nam.

Quân đội diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 theo 5 cấp độ

Cuộc "tập trận" diễn ra sáng 4/3 tại Sở chỉ huy trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu, kết nối với hiện trường tại tất cả 8 quân khu và Bộ chỉ huy quân sự của 17 tỉnh, thành. Hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ tại 227 điểm cầu toàn quốc (chủ yếu là tham mưu, quân y, hóa học, hậu cần, vận tải quân sự, công binh, bộ binh) tham gia. Nhiều năm nay, tôi chưa từng chứng kiến một cuộc diễn tập toàn quốc nào lớn như thế.

Các đơn vị tham gia diễn tập gồm quân khu 1, 3, 5, 7, Bộ Tư lệnh Thủ đô; các binh chủng hóa học, quân y, vận tải, không quân và bộ binh; một số học viện, trường đại học quân sự, một số bệnh viện quân y tuyến đầu và tuyến cuối; một số bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và cấp huyện; có phối hợp với lực lương CAND và các ngành y tế, giao thông, v.v…

Việt Nam diễn tập quy mô: Kịch bản như thật, chỉ „thiếu” COVID-19

Diễn tập phòng chống COVID-19: 3 kịch bản quy mô

Sputnik: Những kịch bản cụ thể nào đã được thực hiện trong buổi diễn tập quy mô như vậy?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Như tôi đã đề cập ở trên, hơn 3000 cán bộ, chiến sỹ tại 227 điểm cầu toàn quốc đã cùng lúc diễn tập phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cuộc diễn tập xử trí các tình huống giả định diễn biến dịch đã ở cấp độ 3, 4 và nâng lên cấp độ 5.

Kịch bản quy mô gồm 3 cấp:

- Cấp 3 (cấp nguy hiểm): Dự kiến vùng dịch lây lan ở cấp huyện, có trên 300 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2. Ứng phó bằng đơn vị quân y cấp tỉnh, có trợ giúp từ quân y cấp quân khu.

Việt Nam sẽ sớm sản xuất hàng loạt Kit thử chẩn đoán Sars-CoV-2

- Cấp 4 (cấp rất nguy hiểm): Dự kiến dịch lây lan ở địa bàn cấp tỉnh, có từ 1.000 đến 3.000 người dương tính với virus, trong các đơn vị quân đội đã có tới 20 quân nhân nhiễm dịch. Ứng phó bằng đơn vị quân y cấp quân khu, có trợ giúp từ Cục Quân y của Bộ quốc phòng và một số đơn vị binh chủng.

- Cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm): Dự kiến dịch lan rộng trên địa bàn nhiều quân khu, có từ 3.000 đén 30.000 người nhiễm virus, trong quân đội có trên 100 quân nhân nhiễm dịch. Ứng phó tổng lực bằng toàn bộ lực lượng quân y cấp bộ và các binh chủng hóa học, không quân, hậu cần, bộ binh .v.v…

Ở cấp độ 5, cấp độ cao nhất, khi có trên 3000 người mắc bệnh và dịch đã lan vào một số đơn vị quân đội. Ở kịch bản này, các đơn vị thực hành các nội dung như bố trí tiếp nhận, cách ly công dân từ nước có dịch về; khối quân y phối hợp xây dựng bệnh viện dã chiến, thực hành thu dung, điều trị các ca mắc bệnh; Binh chủng Hóa học tiến hành tiêu tẩy độc, khử trùng các khu vực; Quân chủng Phòng không-Không quân sử dụng máy bay trực thăng tiếp ứng trang bị phòng, chống dịch cho một số khu vực biên giới

Kịch bản cụ thể gồm một số tình huống như sau:

- Dịch bệnh diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

- Dịch bệnh diễn ra trong điều kiện thời tiết xấu, có mưa bão, lụt lội, giao thông khó khăn hoặc bị cô lập.

- Dịch bệnh diễn ra với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, có cả bệnh nhân mang thai phải mổ cấp cứu.

- Dịch bệnh diễn ra tại khu vực đô thị .v.v…

Việt Nam diễn tập quy mô: Kịch bản như thật, chỉ „thiếu” COVID-19

Nguy cơ xâm nhiễm virus SARS-COV-2 từ nước ngoài vẫn còn hiện hữu

Sputnik: Vì sao phải tổ chức một cuộc diễn tập như vậy, trong khi hiện tại 16 người nhiễm bệnh tại Việt Nam đã được chữa khỏi, khi mà dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được khống chế?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Đúng là hiện nay dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được khống chế. Đã 21 ngày không có ca nhiễm mới, nhưng nguy cơ xâm nhiễm virus SARS-COV-2 từ nước ngoài vẫn còn hiện hữu.

Dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã đạt đỉnh và đang dần suy giảm cường độ nhưng dịch bệnh này ở ngoài Trung Quốc lại đang ở giai đoạn mở đầu cho sự bùng phát nguy hiểm. Do hiệu ứng “làn sóng” của dịch bệnh, nhiều ổ dịch lớn ngoài Trung Quốc đã xuất hiện ở Hàn Quốc, Italia, Iran, Nhật Bản.

Ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 7 tỷ USD vì Covid-19

Nếu trước đây, Việt Nam chỉ phải đối phó với dịch bệnh lây lan từ hướng Trung Quốc sang thì hiện nay, Việt Nam phải đối phó với dịch COVID-19 từ nhiều hướng, nhất là từ Hàn Quốc, Italia, Iran, Nhật Bản và một số nước khác đã có số lượng người nhiễm từ 3 con số trở lên và có số lượng bệnh nhân tử vong vì dịch COVID-19 từ 5-7 người trở lên.

Ngoài ra, Việt Nam đang và sẽ phải đón hàng vạn người lao động Việt Nam từ các vùng có dịch về nước để “tránh dịch”. Hiện tại, có trên 15.000 người Việt đã trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc với nguồn bệnh. Họ đang được tập trung theo dõi y tế. Hàng nghìn người khác trong diện nghi vấn đang được cách ly để giám sát y tế chặt chẽ.

Vì vậy, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức diễn tập phòng chống dịch toàn quân trên địa bàn toàn quốc để phòng chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát và lan rộng trong nước.

Việt Nam diễn tập quy mô: Kịch bản như thật, chỉ „thiếu” COVID-19

Ngoài ra, đây cũng là một cuộc diễn tập không chỉ đối phó với dịch COVID-19 mà còn là luyện tập để chuẩn bị đối phó với nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh khác, nguy cơ thiên tai, bão lụt… hoặc xa hơn nữa là đối phó với vũ khí hóa học, vũ khí sinh học của đối phương.

Rèn luyện kỹ năng ứng phó với dịch bệnh, thiên tai

Sputnik: Đánh giá của ông về cuộc diễn tập phòng chống  dịch COVID-19 này ?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Về ý nghĩa chuyên ngành y tế thì đây là một dịp rèn luyện rất tốt cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung về các biện pháp tổ chức, kỹ năng ứng phó với dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời, cuộc diễn tập này là thước đo khả năng ứng phó của Việt Nam đối với các nguy cơ an ninh phi truyền thống có tính chất phức tạp lớn, mức độ nghiêm trọng cao, có liên quan đến năng lực quân sự quốc phòng, năng lực bảo vệ an ninh quốc gia cũng như năng lực đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Covid-19: Việt Nam hạn chế nhập cảnh từ vùng dịch, làm tất cả để bảo vệ người dân

Về ý nghĩa đối ngoại, cuộc diễn tập này chứng tỏ cho thế giới biết rằng, Việt Nam có đầy đủ lực lượng, phương tiện, ý chí cũng như trình độ tổ chức, trình độ khoa học và công nghệ để đối phó với dịch COVID-19 nói riêng cũng như các loại dịch bệnh, thiên tai có tính phức tạp, nguy hiểm khác.

Về ý nghĩa chính trị xã hội, cuộc diễn tập này góp phần nâng cao nhận thức của người dân về đoàn kết, hợp tác phòng chống dịch bệnh, ý thức tự phòng vệ của người dân để làm cho họ không chỉ thụ động chờ đợi mà trở thành chủ thể đóng vai trò chủ động trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Cuộc "tập trận" này là diễn tập thực binh trên thực địa, có nhiều "kịch bản" và "phân cảnh" được thực hành y như thật. Chỉ thiếu virus SARS-COV-2 "tham gia" mà thôi. Đó là sự phát huy kinh nghiệm cách ly và dập tắt ổ dịch Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc vừa qua (vừa được "xả" vào 0h sáng 4/3).

Thảo luận